TPHCM:

Trường mầm non “sốt” chống dịch tay chân miệng

(Dân trí) - Trong khi các trường tiểu học đến THPT đã bước vào năm học mới thì thời điểm này, các trường mầm non tại TPHCM đang tích cực công tác vệ sinh trường lớp phòng chống dịch tay chân miệng chuẩn bị đón ngày tựu trường (29/8).

Chiều ngày 16/8, trước sân trường mầm non 6 (Q. Bình Thạnh, TPHCM) tràn ngập bàn ghế, tủ, đồ chơi học sinh… đang chờ phơi khô sau khi được tẩy rửa kỹ lưỡng bằng hóa chất diệt khuẩn. Giáo viên của trường, mỗi người một việc, đưa hết đồ đạc trong từng lớp học ra để tiến hành việc tẩy rửa, vệ sinh.

Cô Lan, hiệu phó nhà trường cho hay, trong quá trình học, đồ dùng, đồ chơi học sinh được vệ sinh thường xuyên, giáo viên phụ trách lớp nào sẽ chịu trách nhiệm giữ vệ sinh cho lớp mình. Hiện nay, giáo viên được trang bị tài liệu, tập huấn về dịch tay chân miệng (TCM) nên các hoạt động vệ sinh càng kỹ lưỡng hơn để học sinh và phụ huynh có thể an tâm tựu trường.

Trường mầm non “sốt” chống dịch tay chân miệng - 1

Các trường mầm non tại TPHCM tích cực vệ sinh trường lớp đón năm học mới.

Thời gian này, các trường trường mầm non trên địa bàn thành phố đều đang tích cực công tác vệ sinh trường lớp phòng chống dịch TCM và sốt xuất huyết (SXH) để chuẩn bị bước vào năm học mới. Đồng thời, trong thời gian này phòng Y tế các quận, huyện sẽ tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch bệnh TCM và SXH tại các trường học, đặc biệt là các trường mầm non - nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Các trường đều được trang bị truyền thông, tấp huấn về dịch TCM để phòng dịch cũng như kịp thời ứng phó trước các tình huống có thể xảy ra.

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, các s - ngành và UBND các quận - huyện cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM và SXH trên địa bàn nhằm chống lây lan trong cộng đồng, nhất là vào thời điểm năm học mới 2011-2012.

Theo đó, Sở Y tế cần nắm sát tình hình diễn biến dịch bệnh TCM, SXH và các dịch bệnh khác trên địa bàn TP; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông giáo dục, phòng, chống bệnh TCM và SXH; phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong các trường học trên địa bàn TP; tổ chức huấn luyện cho đội ngũ cán bộ ngành y tế TP về chẩn đoán và điều trị bệnh TCM và SXH; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho các cơ sở y tế, từ tuyến TP đến tuyến phường - xã, thị trấn để sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện trong công tác phòng, chống dịch; khẩn trương dập tắt các ổ dịch và kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch…

Các sở liên quan cần tăng cường tuyên truyền giáo dục và thực hiện việc rửa tay thường xuyên đối với trẻ và người chăm sóc trẻ; thực hiện vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần khu vực sinh hoạt của trẻ, dụng cụ và đồ chơi của trẻ bằng hóa chất có tác dụng diệt khuẩn; tổ chức giáo dục cho học sinh hiểu và biết cách phòng chống bệnh TCM và bệnh SXH; tổng vệ sinh vào ngày chủ nhật cuối tháng để phát quang môi trường chung quanh nhà, dọn dẹp các bãi rác, bãi phế liệu, khai thông cống rãnh, kênh rạch; kiên quyết xử phạt vi phạm môi trường đối với chủ các công trình xây dựng để nước ứ đọng làm phát sinh muỗi…

UBND các quận - huyện có trách nhiệm hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh TCM và SXH; tổ chức giám sát chặt chẽ và thường xuyên tại các khu vực nguy cơ phát sinh dịch bệnh; kiên quyết thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra hoạt động vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần tại các nhà trẻ, mẫu giáo, các trường tiểu học; phát hiện sớm trẻ mắc bệnh TCM và SXH để nhanh chóng cách ly điều trị và thực hiện các biện pháp xử lý phòng chống dịch, không để lây lan.

Trường mầm non “sốt” chống dịch tay chân miệng - 2

Nhà trẻ là nơi dễ lây lan dịch TCM nhất nên giáo viên cần phát hiện kịp thời khi trẻ có dấu hiệu bệnh.

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy, phó Khoa nhiễm BV Nhi đồng 2, bệnh TCM có thể lây lan qua các đường: trực tiếp với dịch tiết bóng nước, chất tiết đường hô hấp; gián tiếp qua bàn tay bị nhiễm từ các bề mặt nhiễm virus; từ người nuôi dạy trẻ vệ sinh không đúng… Hiện nay, bệnh chưa có thuốc chủng ngừa nên cách tốt nhất là phòng bệnh bằng cách rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi…; vệ sinh môi trường sống; ăn uống hợp vệ sinh; các ly trẻ bị bệnh…

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, lưu ý bệnh TCM dễ lây nhất ở nhà trẻ, mẫu giáo. Vì thế, giáo viên, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh để phát hiện kịp thời. Khi khởi bệnh, trẻ bị sốt, có thể kèm ói, tiêu chảy; khi toàn phát xuất hiện bóng nước ở miệng, lưỡi diễn tiến nhanh thành vết loét dẫn đến việc trẻ ăn uống kém, tăng tiết nước bọt; bóng nước từ 2 - 10mm hình oval ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối (bóng nước có thể lồi lên da hay ẩn dưới da, khi ấn thường không đau); đặc biệt hồng ban nhỏ ở lòng bàn tay, bàn chân rất dễ bỏ sót.

Khi trẻ bị sốt cao liên tục, nôn ói nhiều, có các biến chứng về thần kinh (giật mình, run tay chân, bứt rứt, co giật), rối loạn hô hấp tuần hoàn (khó thở, thở nhanh, thở không đều, tay chân lạnh, thay đổi màu sắc da) cần được nhập viện ngay.

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Năm học mới 2011-2012

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm