Câu chuyện giáo dục:
Trường học cho thầy trò mặc đồ ngủ đến lớp
(Dân trí) - Hình ảnh cậu con trai mặc đồ ngủ đến trường đi học được N.H., ở TPHCM chia sẻ trên mạng xã hội gây ngạc nhiên với nhiều người.
Nhìn hình ảnh này, ban đầu có người nghĩ con chị H. "phá luật" tự ý mặc đồ ngủ đến lớp, còn hỏi: "Đến nơi bị đuổi về không đó?". Nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết nhà trường cho phép học sinh mặc đồ ngủ đi học.
Chị H. cho hay, con mình học tại một trường tư thục ở TP Thủ Đức, TPHCM, đã đi học trở lại từ giữa tháng 8 vừa qua.
Tuần vừa rồi các con thực hiện chủ đề tuần đọc sách với nhiều hoạt động như đọc, review (đánh giá, nhận xét) sách, làm dự án về sách, trao đổi sách và có một ngày học sinh toàn trường được mặc pyjama hoặc quần áo ở nhà đến trường.
Người mẹ kể lại, con mình rất háo hức với việc mặc đồ ngủ đi học. Trước đó, cháu đã ngâm bộ quần áo vào dầu xả cho thật thơm, mặc đi ngủ rồi sáng mai... mặc đến trường luôn, như lời cháu là "khỏi mất công thay".
Cháu hỏi mẹ: "Mẹ có biết vì sao lại mặc đồ ngủ đến trường không?". Chị giải thích theo cách của mình: "Có lẽ vì thầy cô muốn các con được trải nghiệm tự do, thoải mái ở trường như ở nhà, hay để các con có những cảm nhận, góc nhìn mới mẻ, khác lạ ngoài bộ đồng phục quen thuộc".
Cháu nói với mẹ rằng đó chỉ một phần lý do, con còn được cô giáo giải thích: "Thường chúng ta đọc sách trước giờ đi ngủ nên lớp sẽ cùng trải nghiệm về thói quen này".
Ngày hôm đó, đến trường trong bộ đồ ngủ, con chị H. và các bạn tỏ ra rất phấn khích, thích thú khi nhìn mọi người mặc đồ ngủ với đủ kiểu dáng, sắc màu ngập sân trường. Cũng như học sinh, hôm đó, giáo viên các lớp cũng mặc đồ ngủ đến trường.
Chưa hết, ngày hôm đó, mỗi lớp sẽ có một phụ huynh đến trường đọc sách cho các con vào giờ chuẩn bị ngủ trưa.
Câu chuyện tại ngôi trường kể trên đang gây sự tò mò, hứng thú trong dư luận.
Còn nhớ cách đây không lâu, hình ảnh hiệu trưởng cho giáo viên, nhân viên, học sinh mặc đồ ngủ, dùng thau chậu, vali đựng sách vở đi học tại một trường tư thục ở quận 7, TPHCM cũng kéo theo nhiều tranh cãi.
Theo lãnh đạo nhà trường, trang phục đó được mặc trong ngày hội pyjama và free backpack (đồ ngủ và ba lô miễn phí) của trường. Ngày hôm đó, đồng phục "nhường chỗ" cho những bộ pyjama hay các trang phục mặc ở nhà theo cá tính của học sinh; còn ba lô, cặp xách quen thuộc được thay thế bằng thau nhôm, chảo chống dính, vali du lịch...
Phía nhà trường cũng lý giải, trải nghiệm thay thế những trang phục, vật dụng thông thường trong cuộc sống hàng ngày cũng là cách kích thích tư duy sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh.
Ngoài ra, mong muốn qua đó chuyển tải thông điệp phát minh trên thế giới đều bắt nguồn từ những ý tưởng, thay đổi những điều quen thuộc hàng ngày.
Nhiều người tỏ ra thích thú với trải nghiệm mặc đồ ngủ đến trường của học sinh và ước gì "trường con mình có một ngày như vậy".
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến phản đối cho rằng thầy trò mặc đồ ngủ đến trường hay dùng xô chậu, thau để đựng sách dù chỉ trong một ngày hội cũng là làm lố, thiếu chuẩn mực, không đảm bảo yếu tố giáo dục.
Theo luồng ý kiến này, trường học là nơi trau dồi trí tuệ, rèn luyện về ý thức đạo đức và tính kỷ luật kỷ cương cho học trò, trường học không phải là nơi để thể hiện cá tính hay sự khác biệt bằng vẻ ngoài.
Hầu hết, tại các trường phổ thông đều có quy định chặt chẽ về đồng phục của thầy trò khi đến trường. Ngoài những ngày đặc biệt, nhiều năm qua, tại nhiều trường cả công lập lẫn tư thục ở TPHCM đã có những độ nới nhất định trong quy định đồng phục nhằm tạo không gian để học sinh thể hiện cái tôi, cá tính trong khuôn khổ.
Một số trường đã triển khai "ngày cá tính" trong tuần không yêu cầu học sinh phải mặc đồng phục theo quy định của trường. Tùy từng trường, các em có thể mặc theo đồng phục của lớp hoặc quần áo tự do với điều kiện phải đảm bảo những yêu cầu nhất định về độ dài, kiểu dáng, màu sắc.
Học sinh nhiều trường còn gọi đó là "ngày học hạnh phúc" khi các em tìm thấy sự thoải mái, mới mẻ khác với mọi ngày cũng như có thể thể hiện phần nào cá tính, sáng tạo qua trang phục.
Tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM, từ nhiều năm trước đã thực hiện "ngày cá tính" vào thứ 6. Hôm đó, học sinh có thể mặc đồng phục riêng của lớp thay vì đồng phục của trường. Bởi vậy, thứ 6 tại ngôi trường này luôn ngợp sắc màu.
Theo cô Trần Thị Hồng Thủy - Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - khi lãnh đạo nhà trường đi học tập kinh nghiệm ở các nước, thấy rằng ở nhiều nơi có ngày học sinh được mặc tự do, thoải mái.
Thầy cô hiểu rõ tinh thần học sinh phải vui thì học mới vào, cũng giúp các em giảm đi căng thẳng khi đến trường. Tuy nhiên, khi đưa "ngày cá tính" vào, lãnh đạo trường cũng phải cân nhắc rất kỹ để làm sao trang phục các em vừa thể hiện cá tính, phong cách riêng vừa phù hợp với văn hóa trường học và cả cách nghĩ của người Việt.
Tư duy, cởi mở, sáng tạo có thể hiện qua bộ quần áo? Câu trả lời tùy vào góc nhìn, quan điểm của mỗi người. Nhưng không thể phủ nhận nhiều quản lý trường học đang có những xoay mình, quan tâm đến yếu tố cá tính, cảm xúc của học trò.