Trường ĐH Xây dựng và Nhật Bản hợp tác dự án 10 triệu USD

Mỹ Hà

(Dân trí) - Trường ĐH Xây dựng phối hợp với Nhật Bản trong hai dự án thuộc khuôn khổ của Quỹ hợp tác nghiên cứu KHCN vì phát triển bền vững (SATREPS) với tổng giá trị lên đến 10 triệu USD.

Thông tin trên được đưa ra chiều 1/8, tại chuyến thăm của Đoàn Nghị sĩ Hạ viện và Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN).

Theo PGS.TS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, Nhật Bản và Việt Nam có truyền thống hợp tác lâu đời, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ.

Về mặt giáo dục, Nhật Bản là một trong những điểm đến yêu thích của sinh viên Việt Nam. Thống kê đến năm 2022, có hơn 51.000 lưu học sinh Việt Nam đến Nhật Bản, đứng thứ 2 trong số các nước có lưu học sinh tại Nhật Bản.

Trường ĐH Xây dựng và Nhật Bản hợp tác dự án 10 triệu USD - 1

ông Tokai Kisaburo, Trưởng Ban nghiên cứu Chính sách, Đảng dân chủ tự do Nhật Bản (trái) và PGS.TS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội (Ảnh: Mỹ Hà).

Đặc biệt, Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều mảng như: khoa học kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi số và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về khoa học công nghệ, hiện có nhiều dự án hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, nhà khoa học hai nước triển khai thành công.

Trong đó phía Việt Nam, ĐHXDHN là đơn vị phối hợp hai dự án thuộc khuôn khổ của Quỹ hợp tác nghiên cứu Khoa học Công nghệ vì phát triển bền vững (SATREPS) với tổng giá trị lên đến 10 triệu USD, do cơ quan Khoa học công nghệ Nhật Bản (JST) và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) điều phối. Trong đó, dự án SATREPS đầu tiên đã kết thúc và được Hội đồng khoa học của Chính phủ Nhật Bản đánh giá hạng A.

Ngoài hai dự án SATREPS, ĐHXDHN đang tiếp tục triển khai nhiều dự án khác với nguồn vốn từ JICA và các bộ của Nhật Bản để đào tạo nguồn nhân lực trẻ, hợp tác công bố quốc tế và chuyển giao công nghệ.

Tính đến thời điểm này, Trường ĐHXDHN đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 40 đối tác Nhật Bản, trong đó có 28 cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu, 12 tổ chức và doanh nghiệp, và đang triển khai hợp tác sâu rộng, toàn diện trên nhiều mặt hoạt động: từ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đến hướng nghiệp, tuyển dụng.

Một số các hoạt động hợp tác tiêu biểu và đặc biệt hiệu quả như Chương trình liên kết đào tạo Thạc sỹ với Đại học Saitama, các chương trình trao đổi sinh viên và khóa học mùa hè với Học viện kỹ thuật Shibaura, chương trình "Ngày hội việc làm cho các kỹ sư trẻ Việt Nam đi tu nghiệp và làm việc tại Nhật Bản" cùng phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng và Du lịch (MLIT) Nhật Bản.

Trường ĐH Xây dựng và Nhật Bản hợp tác dự án 10 triệu USD - 2

Đoàn làm việc tham quan dự án hợp tác giữa Trường ĐH Xây dựng Hà Nội và Nhật Bản (Ảnh: Mỹ Hà).

Thông qua chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách từ phía Nhật Bản sẽ có thêm góc nhìn trực tiếp về những hoạt động hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ trong thực tế giữa các tổ chức, các nhà khoa học giữa hai nước.

Từ đó có thể đề xuất các chính sách mạnh mẽ, hữu hiệu hơn nữa để thúc đẩy quan hệ hợp tác trong những mảng hoạt động này giữa Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 11/2023, trong đó xác định văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ là những trụ cột trong hợp tác.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tokai Kisaburo, Trưởng Ban nghiên cứu Chính sách, Đảng dân chủ tự do Nhật Bản, cho rằng chuyến thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng khi năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Tháng 11/2023, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới. Mục đích chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo…

Ông khẳng định, hiện hai nước đang triển khai hợp tác ở nhiều mảng dự án lớn, đặc biệt là hợp tác giao lưu nguồn nhân lực khoa học trẻ.

Dẫn câu chuyện của một nhà khoa học trẻ Việt Nam chọn Nhật Bản làm đích đến, thay vì một quốc gia tiến bộ khác, ông Tokai Kisaburo hy vọng, các nhà khoa học trẻ có thêm nhiều mối giao lưu học thuật hơn nữa giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm