Trường đại học sẽ cam kết gì với sinh viên nếu học phí tăng?
(Dân trí) - Vừa qua, nhiều trường đại học trên cả nước đã thông báo mức học phí mới, áp dụng từ năm học 2022-2023. Vậy với nguồn tiền thu tăng thì các trường sẽ cam kết những gì cho sinh viên?
Các trường đại học đồng loạt tăng học phí
Theo Nghị định số 81 của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1,2 đến 3,5 triệu đồng/sinh viên/tháng (trong khi đó năm học 2021-2022, con số này là từ 980.000 đến 1,43 triệu đồng/sinh viên/tháng).
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Dựa trên quy định này, nhiều trường đại học trên cả nước đã đồng loạt thông báo mức học phí mới, áp dụng từ năm học 2022-2023.
Chẳng hạn như, mức học phí của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội dao động từ 22 - 28 triệu đồng/năm học đối với chương trình chuẩn; 40 - 45 triệu đồng/năm học đối với các chương trình ELITECH.
Về lộ trình tăng học phí giai đoạn 2020-2025, với một chương trình riêng lẻ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, học phí tăng không quá 10% một năm, đảm bảo mức tăng trung bình với tất cả chương trình đào tạo không vượt quá 8% mỗi năm.
Trường Đại học FPT cũng tăng học phí đào tạo từ 25,3 triệu/học kỳ lên 27,3 triệu/học kỳ, chương trình đào tạo tiếng Anh tăng từ 10,35 triệu lên 11,3 triệu cho mỗi mức đào tạo. Học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng 10%.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học công lập tự chủ có truyền thống và quy mô đào tạo lớn trong lĩnh vực thông tin truyền thông (ICT), từ năm 2019 đến nay Học viện giữ nguyên mức học phí và dự kiến năm 2022-2023 Học viện điều chỉnh mức học phí từ 22 triệu - 24 triệu/năm tùy theo ngành đào tạo, thuộc mức học phí thấp trong các trường Đại học khối công nghệ.
Các trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM cũng công bố học phí dự kiến và lộ trình tăng cho từng năm. Tại Đại học Bách khoa TPHCM, sinh viên trúng tuyển chương trình đại trà sẽ đóng 25 triệu đồng/năm; các năm tiếp theo tăng lên 27,5-30 triệu đồng. Mức thu này tăng 2-3 triệu đồng so với năm ngoái.
Với trường Đại học Công nghệ Thông tin TP HCM, học phí chương trình đại trà tăng theo lộ trình, ở mức 29-42 triệu đồng từ năm nay đến 2025. Với chương trình tiên tiến, học phí theo lộ trình tương ứng 45-55 triệu đồng/năm; chương trình liên kết 80-138 triệu đồng.
Sinh viên được thụ hưởng gì từ việc tăng học phí?
Thực tế cho thấy các trường tự chủ được thu mức học phí cao đã và đang đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn trước, chất lượng dịch vụ của trường cũng cải thiện. Đặc biệt, với chương trình chất lượng cao có mức thu học phí cao hơn, sinh viên đã được hưởng lợi khác biệt về điều kiện học tập (sĩ số lớp ít, phòng học có máy lạnh, giảng viên giỏi...). Vì vậy, ngày càng có thêm nhiều sinh viên lựa chọn học chương trình chất lượng cao để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Theo lãnh đạo trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, song hành với việc điều chỉnh học phí nhà trường sẽ cam kết tạo nguồn lực để trường nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đầu tư cho các điều kiện học tập, thực tập cho sinh viên, kết nối với doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu tham gia giảng dạy, tăng cường cơ sở vật chất đưa thêm 01 khu giảng đường 12 tầng và 01 ký túc xá hiện đại 08 tầng tại cơ sở Ngọc trục Hà Nội vào sử dụng cuối năm 2022.
Trong các năm 2020, 2021, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã trích gần 40 tỷ đồng để khuyến khích học tập, nghiên cứu khoa học, khen thưởng và hỗ trợ sinh viên trong đại dịch Covid -19.
Để giảm gánh nặng cho sinh viên, nhiều trường đại học khi tăng học phí cũng cam kết ngay trong năm đầu tiên đều trích từ nguồn thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, song song với tăng học phí, trường sẽ chú trọng đến các chính sách học bổng, vay lãi suất thấp để hỗ trợ sinh viên.
"Chúng tôi sẽ tích cực làm việc với các doanh nghiệp, đối tác để thu hút học bổng cho các em", lãnh đạo nhà trường cho biết.
Được biết, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng vừa ký quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và có hiệu lực từ ngày 19/5/2022. Theo đó, mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên.