Thanh Hóa:
Trung tâm học tập cộng đồng phủ kín 637 xã, phường, thị trấn
(Dân trí) - Trong 15 năm qua, các trunng tâm học tập cộng đồng của tỉnh Thanh Hóa đã mở được 320.712 lớp với trên 20 triệu lượt người tham gia học tập ở cả 5 nhóm nội dung. Đến nay, mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng đã được phủ khắp 637 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngày 30/10, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011-2015, triển khai phương hướng nhiệm vụ 2016-2020.
Tham dự hội nghị có GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; đại diện Vụ giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa.
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, mạng lưới TTHTCĐ đã phủ kín 637 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo... Trong vòng 15 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã mở được 320.712 lớp với trên 20 triệu lượt người tham gia học tập ở cả 5 nhóm nội dung.
Trong đó, nhóm nội dung phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước mở được 112.077 lớp với hơn 8 triệu lượt người học tham gia học tập; 119.843 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật với hơn 6,5 triệu lượt người tham gia; 22.211 lớp dạy nghề, tạo việc làm với 757.203 lượt người tham gia…
Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh Thanh Hóa xác định trong giai đoạn tới tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội để củng cố, đổi mới phương thức hoạt động, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phát triển bền vững các TTHTCĐ.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Phạm Tất Dong đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ tỉnh Thanh Hóa; đồng thời mong muốn trong thời gian tới Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về mục đích, vai trò, vị trí của TTHTCĐ; tạo mọi cơ hội và điều kiện cho đông đảo người dân, trước hết là người lao động được học tập thường xuyên, học tập suốt đời để thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao đời sống người dân; sáng tạo thêm nhiều mô hình mới trong hoạt động của TTHTCĐ, qua đó, khẳng định vị thế của đơn vị dẫn đầu cả nước trong xây dựng xã hội học tập.
Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Điều kiện bảo đảm cho các trung tâm hoạt động còn thiếu, phương thức hoạt động chưa thực sự phong phú, công tác quản lý còn nhiều bất cập… Đồng thời đề nghị các TTHTCĐ không ngừng sáng tạo các hình thức học tập, động viên người người dân tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời ….
Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tặng bằng khen cho 41 tập thể, 33 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển TTHTCĐ giai đoạn 2001-2015; 56 tập thể, 70 cá nhân được Sở GD&ĐT tặng giấy khen.
Duy Tuyên