Trung Quốc: Xu hướng ôn khắc nghiệt, thi lại gaokao để vào đại học tinh hoa

(Dân trí) - Ngày càng nhiều thí sinh đạt điểm gaokao đủ để vào một đại học tốt, nhưng quyết định học lại và thi lại để đỗ vào một đại học tinh hoa.

Với hầu hết các học sinh Trung Quốc, việc ôn tập và trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (gaokao) là quãng thời gian vất vả ít ai muốn trải qua thêm một lần nữa. Tuy nhiên, Zhang Ke chuẩn bị tham gia kỳ thi này lần thứ ba.

Zhang đang học năm thứ 5 trung học – bậc học vốn thường chỉ kéo dài 3 năm tại Trung Quốc. Trong hai mùa hè qua, Zhang chứng kiến phần lớn bạn học cũ của mình vào đại học trong khi em vẫn tiếp tục một năm luyện thi tăng cường nữa.

Zhang không phải một học sinh yếu. Năm ngoái, khi thi gaokao lần thứ 2, em xếp hạng trong top 2% thí sinh tham gia thi gaokao tại quê nhà, tỉnh Tứ Xuyên. Tuy nhiên, em vẫn tiếp tục thi thêm lần thứ ba trong năm 2020.

Trung Quốc: Xu hướng ôn khắc nghiệt, thi lại gaokao để vào đại học tinh hoa - 1
Học sinh trong một lớp học cuối tuần tại trường trung học thực nghiệm Nanshan Miên Dương, Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Zhang thuộc một nhóm nhỏ nhưng đang có xu hướng gia tăng các học sinh có tính cạnh tranh rất cao, sẵn sàng thi gaokao thêm một năm nữa để nhận được số điểm đủ đỗ vào những trường đại học tinh hoa của Trung Quốc.

Những học sinh này sẵn sàng bỏ ra thêm 1, 2 năm nữa ôn tập vì việc đỗ vào những đại học tinh hoa có thể mang đến cho các em thành công suốt đời.

Thuật ngữ để chỉ những học sinh này là fudu. Tuy nhiên, xu hướng này cũng làm dấy lên quan ngại văn hóa thi cử tại Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên khắc nghiệt, với học sinh bắt buộc phải hy sinh nhiều hơn nữa để thành công.

Việc xét tuyển đại học tại Trung Quốc chủ yếu dựa trên kết quả thi gaokao của thí sinh. Đây là kỳ thi chuẩn hóa có sự tham gia của hàng triệu học sinh mỗi mùa hè. Kỳ thi năm nay sẽ diễn ra vào 7-8/7, sau khi bị lùi lại một tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Kỳ thi gaokao vốn được coi là cơ hội đổi đời cho nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn nếu các em đỗ được vào những trường tinh hoa. Tuy nhiên, kỳ thi này cũng gây ra nhiều áp lực cho học sinh, dựa trên quan điểm kết quả kỳ thi sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp suốt đời của các em.

Một khảo sát năm 2018 của Viện Nghiên cứu ChinaHR cho thấy, khi các nhà tuyển dụng tổ chức hội chợ tuyển dụng tại các trường học, danh tiếng của đại học nơi ứng viên theo học nằm trong top 2 tiêu chí xét tuyển quan trọng nhất. Nhiều nhà tuyển dụng coi việc ứng viên có bằng cấp tại những đại học tinh hoa là yêu cầu cần thiết khi tuyển dụng.

Khảo sát năm 2019 của nền tảng tìm việc Boss Zhipin cho thấy những sinh viên tốt nghiệp các đại học tinh hoa có thu nhập trung bình cao hơn 27% so với bạn bè tốt nghiệp từ các ngôi trường khác.

Thực tế này khiến nhiều học sinh tiếp tục ở lại trường trung học và thi gaokao thêm một năm nữa, với hy vọng có thể đổi đời. Zhang cho biết những tháng ngày ôn tập vất vả sẽ được đền đáp nếu em giành được một suất vào một đại học tinh hoa ở Bắc Kinh hay Thượng Hải.

“Đại học top đầu sẽ giúp em có nền tảng tốt và đảm bảo những triển vọng nghề nghiệp hứa hẹn”, Zhang nói. Em hy vọng được làm thiết kế tại xưởng phim hoạt hình Nhật Bản Kyoto Animation.

Trung Quốc: Xu hướng ôn khắc nghiệt, thi lại gaokao để vào đại học tinh hoa - 2

Các gia đình chụp ảnh trước “cổng rồng” trong buổi lễ tổ chức trước kỳ thi gaokao tại trường trung học thực nghiệm Nanshan Miên Dương.

Zhang đang rất cố gắng để đảm bảo những nỗ lực em bỏ ra sẽ thu được kết quả. Năm ngoái, em đã chuyển từ quê nhà ở thành phố Thành Đô tới một trường nội trú ở Miên Dương – thành phố nổi tiếng với hệ thống giáo dục chất lượng.

Trường mới của Zhang – trường trung học thực nghiệm Nanshan Miên Dương, thu hút học sinh giỏi trên toàn tỉnh Tứ Xuyên. Trong quảng cáo, nhà trường khẳng định có thể nâng cao điểm thi gaokao của học sinh trung bình thêm 100 điểm.

“Các học sinh chọn trường này đều có tính cạnh tranh cao. Kết quả học tập tốt của họ có thể thúc đẩy cháu nỗ lực hơn”, Zhang nói.

Năm nay, trên 2.000 học sinh của trường này sẽ thi gaokao lần thứ 2 hoặc thứ 3. Tuy nhiên, nhu cầu xin học tại trường vẫn rất cao. Nhà trường đặt tiêu chuẩn đầu vào rất cao với những thí sinh fudu muốn thi lại gaokao, nhưng các suất học vẫn hết chỉ trong 5 ngày.

“Việc học sinh thi lại gaokao để đỗ vào đại học tốt hơn đã trở thành xu hướng. Theo tôi, việc các em đủ tự tin để thi lại gaokao và đạt được những mục tiêu cao hơn trong tương lai là một việc tốt”, Luo Hongwei, Giám đốc văn phòng tuyển sinh trường trung học thực nghiệm Nanshan Miên Dương, cho biết.

Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy của nhà trường đối với các học sinh fudu vô cùng nghiêm khắc. Trường tách các học sinh fudu khỏi các học sinh khác và yêu cầu các em thường xuyên làm các bài thi.

Một ngày học tại trường bình thường của Zhang kéo dài từ 7h15 tới 22h20. Tuy nhiên, Zhang cho biết em vẫn thấy bất ngờ khi theo học tại trường Nanshan bởi khối lượng kiến thức quá lớn.

Mỗi ngày, em liên tục phải làm bài thi và sau đó phân tích, đánh giá đề bài. Mô tả không khí trong lớp học, Zhang dùng từ “nghẹt thở”, không phải chỉ vì hơn 60 học sinh tập trung trong một lớp học không có điều hòa, mà còn bởi vì áp lực.

Phương pháp giảng dạy khắc nghiệt cho các fudu đã cho thấy thành quả, nhưng cũng làm dấy lên ý kiến trái chiều từ các phụ huynh và học sinh, những người cho rằng các thí sinh thi gaokao năm đầu sẽ không thể cạnh tranh nổi.

“Cháu cho rằng các học sinh fudu đã chiếm những nguồn lực giáo dục đáng lẽ thuộc về chúng cháu. Họ đã đạt đủ điểm để vào một đại học tốt, nhưng họ lại thi gaokao thêm một lần nữa vì nhắm mục tiêu vào những trường như Bắc Kinh hay Thanh Hoa”, Xiao Shulin, một học sinh trung học cuối cấp ở Miên Dương, cho biết.

Mẹ của Xiao cũng cho rằng việc này không công bằng: “Các fudu có thêm một năm để đào sâu kiến thức, hiển nhiên là các em sẽ có điểm thi tốt hơn. Vì số lượng học sinh thi lại gaokao quá lớn, điểm chuẩn đầu vào ngày càng bị đẩy lên cao hơn”.

Tình trạng cạnh tranh để vào được các đại học top đầu ở Trung Quốc ngày càng khắc nghiệt hơn trong những năm gần đây. Tại Tứ Xuyên, chỉ 5.600 thí sinh thi gaokao đạt trên 630 điểm năm 2016, nhưng con số đã vượt 10.000 em vào năm 2018 và đạt 16.600 thí sinh năm 2019, theo số liệu từ cơ quan đánh giá giáo dục Tứ Xuyên.

Tỉnh này hồi tháng 4 đã cấm các trường trung học cấp tỉnh nhận học sinh fudu theo học. Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ áp dụng với 10% trường trung học thuộc loại top đầu trong tỉnh. Là một trường tư, trường trung học Nanshan không chịu tác động của lệnh cấm.

Ông Luo, Giám đốc tuyển sinh nhà trường, cho rằng: “Cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Việc thi lại gaokao là nhu cầu thị trường, chúng tôi chỉ cung cấp dịch vụ theo nhu cầu”.

Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu thuộc Viên Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, cho rằng: “Nhóm học sinh fudu cướp mất một số cơ hội của các học sinh năm cuối trung học. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần công bằng với tất cả đối tượng học sinh. Chúng ta không thể loại bỏ những em thi lại gaokao lần thứ 2”.

Bai Zhiyu, học sinh năm 4 tại trường trung học Thực nghiệm Miên Dương, đạt điểm cao để vào một trường đại học tốt năm 2019, nhưng nghĩ rằng em có thể làm tốt hơn trong năm nay.

Zhiyu cho rằng: “Việc thi lại là lựa chọn rất bình thường. Khi cháu còn học năm cuối trung học, cháu không cho rằng những người thi lại gaokao đang cướp đi cơ hội của mình. Đó là quyền mà học sinh nào cũng có”.

Trung Quốc: Xu hướng ôn khắc nghiệt, thi lại gaokao để vào đại học tinh hoa - 3
Gia đình cầm biểu ngữ cổ vũ cho con em tham gia thi gaokao năm 2019 tại một trường trung học ở Miên Dương, Tứ Xuyên.

Học phí với các học sinh fudu khá cao và không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện để học thi thêm một năm nữa. Zhou Ziliang, học sinh năm 4 tại trường trung học Thực nghiệm Nanshan, cho biết gia đình chỉ cho em thi lại một năm.

“Học phí năm ngoái là 30.000 Nhân dân tệ (4.250 USD). Cháu coi kỳ thi gaokao năm nay là cơ hội cuối. Cháu chưa có kế hoạch dự phòng nào khác”, Zhou nói.

Các học sinh fudu thi lại gaokao còn đối mặt với vấn đề về sức khỏe tinh thần. Nhiều học sinh Trung Quốc gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần trong quá trình chuẩn bị và tham gia kỳ thi gaokao.

Việc lặp lại những trải nghiệm này thêm một năm nữa trong môi trường thậm chí còn khắc nghiệt hơn đẩy sức chịu đựng của nhiều em tới giới hạn.

Zhang Ke, cho biết em đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định chuyển tới Miên Dương. “Thi lại gaokao là thử thách rất lớn. Cháu phải đánh giá khả năng thể chất của mình, liệu cháu có thể chống chọi với việc kiệt quệ thể lực khi ôn thi thêm một năm nữa hay không”.

Zhang cho biết, chỉ một tháng sau khi lớp luyện thi bắt đầu vào mùa thu, 2 học sinh trong lớp em buộc phải rút lui do không chịu được áp lực.

Zhang đôi khi cũng cảm thấy rất khó khăn để theo kịp và cảm thấy kiệt sức: “Nhà trường không cho cháu thời gian để thở. Khi cháu chạm tới giới hạn và cảm tưởng như sắp bùng nổ, nhà trường cũng không quan tâm”.

Zhou nói thêm, em phải điều chỉnh rất nhiều để theo kịp khối lượng bài vở trong lớp học cho các thí sinh fudu. Em cho rằng lượng bài thi em phải làm tại trường Thực nghiệm Nanshan nhiều gấp đôi so với tại trường trung học cũ.

“Ngoài việc đi vệ sinh, cháu hiếm khi rời khỏi bàn học. Hầu hết thời gian, cháu chỉ tập trung cho việc chuẩn bị cho kỳ thi”, Zhou tâm sự.

Học sinh buộc phải tìm cách chống chọi với áp lực. Zhang nói, vào năm đầu thi gaokao, em cảm thấy rất stress và không thể ngủ tới 3h sáng. Em thường giải tỏa bằng cách trốn học đi chơi game hay đi ăn. Năm nay, em chọn cách khác để giải tỏa áp lực, thông qua việc chơi cầu lông.

Sau một năm theo học tại Miên Dương, đôi khi Zhang cảm thấy mơ hồ về chương trình học và nghi ngờ về tính hiệu quả của các bài thi được lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, Zhang quyết định sẽ chiến đấu đến cùng.

“Những học sinh như cháu không nên nghi ngờ bản thân. Ít nhất thì chúng cháu đã dám thử thách bản thân”, Zhang nói.

Minh Hương

Theo Sixth Tone

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm