Trung Quốc cấm giáo viên dạy trước chương trình
(Dân trí) - Bộ Giáo dục Trung Quốc đã có động thái mới nhất nhằm giảm áp lực lên học sinh khi các em đi học lại sau thời gian cách ly xã hội.
Cụ thể, cơ quan này đã ra thông báo chi tiết tới các trường tiểu học, trung học về những nội dung cụ thể được giảng dạy nhằm ngăn các giáo viên bắt học sinh học trước chương trình để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, hay còn gọi là gakao.
Thông báo yêu cầu giáo viên không gia tăng độ khó của bài học trên lớp và dạy trước chương trình đã được quy định.
Thông báo cũng đề cập đặc biệt tới việc dạy bảng chữ cái và viết các từ tiếng Anh cho học sinh lớp 1 và lớp 2, tương ứng với độ tuổi 6 và 7 tuổi.
Quy định cũng cấm các nhà trường và các cơ sở dạy thêm dạy phép cộng, trừ các số có từ 4 chữ số trở lên cho học sinh dưới lớp 4.
Các quy định khác về việc giới hạn dạy tiếng Trung Quốc, vật lý, sinh học và hóa học cho tới độ tuổi thích hợp cũng được đề cập trong thông báo.
Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực cải cách hệ thống tuyển sinh vào các cấp học cao hơn trong suốt thập kỷ qua của Trung Quốc. Kế hoạch 10 năm này được chính quyền Trung Quốc đưa ra năm 2010 nhằm giảm tình trạng quá coi trọng kỳ thi gakao và đánh giá khả năng của học sinh vượt quá khả năng của các em.
Nền giáo dục Trung Quốc có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt tại các thành phố lớn, Tình trạng trẻ em bị ép học trước chương trình so với độ tuổi để có cơ hội vào các trường top đầu khá phổ biến.
Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, cho biết dù chính phủ nước này đang nỗ lực giảm gánh nặng học hành lên trẻ em, thực tế vẫn diễn ra theo hướng ngược lại.
Bà Chu cho rằng người dân Trung Quốc vẫn quá coi trọng việc phải vào được những trường top đầu và cho con cái theo học quá nhiều lớp phụ đạo.
Theo bà Chu, biện pháp để giảm gánh nặng về học tập cho học sinh là nền giáo dục Trung quốc phải thay đổi phương thức đánh giá kết quả học tập.
Lin Lihong, mẹ của một học sinh lớp 2 tại Thượng Hải, cho biết con trai bà theo học 5 lớp phụ đạo mỗi tuần, với học phí lên tới 1.500 Nhân dân tệ (211USD).
“Tôi cho cháu học nhiều lớp học như vậy là để cháu có thể học trước chương trình, để cháu có thể tiến bộ nhanh hơn và vượt qua các bạn khác trong các kỳ kiểm tra”, bà Lin nói.
Khi được hỏi về quan điểm trước quy định mới của chính phủ, bà Lin cho hay: “Tôi nghĩ rằng chừng nào học sinh vẫn còn được đánh giá dựa trên kết quả thi cử, gánh nặng học hành trên vai các em vẫn chưa thể xóa bỏ.
Các cháu phải học hành vất vả để được điểm cao, nên tôi không cho rằng quy định mới sẽ thực sự giảm bớt gánh nặng và áp lực”.
Minh Hương
Theo SCMP