Trốn làm đi đón con đúng giờ nhà trường quy định, mẹ suýt bị đuổi việc
(Dân trí) - Để đón con đúng giờ quy định của nhà trường, nhiều phụ huynh phải chọn giải pháp trốn làm hoặc bớt xén giờ công bởi không có công sở, nhà máy nào cho nhân viên tan ca lúc 4 giờ chiều.
Đón con muộn bị cô giáo trách, đón con sớm bị sếp phạt
Chị Phạm Thu Trà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự về câu chuyện xảy ra cách đây một năm, khi con trai lớn của chị vào lớp 1.
Trường con chị cho học sinh tan học lúc 15h55. Theo quy định của trường, những học sinh không tham gia câu lạc bộ cuối buổi (kéo dài đến 17h15) phải được bố mẹ đón về nhà trước 16h15.
Các con không được phép ở lại phòng học hay chơi tự do trong sân trường sau khung giờ này.
Quy định của nhà trường khiến chị Trà suýt mất việc. Lý do là trong suốt hai tháng trời, chị liên tục tìm cách trốn làm để đi đón con đúng giờ.
"Giờ chấm công tan ca ở công ty là 17h30 nhưng một tuần ba buổi tôi tan ca sớm trước một tiếng rưỡi để kịp đón con. Hai buổi còn lại con học thêm tiết tiếng Anh của chương trình liên kết.
Công ty quy định tan ca sớm từ 30 phút trở lên bị trừ 1/4 ngày công. Tính ra mỗi ngày tôi mất hơn 70.000 đồng. Một tuần mất hơn 200.000 đồng. Mỗi tháng mất gần 1 triệu tiền lương. Nhưng tôi chấp nhận mất tiền còn sếp tôi không chấp nhận có nhân viên tuần ba buổi trốn việc về sớm đón con.
Sau hai tháng liên tục như vậy, tới tháng thứ 3, sếp gọi tôi vào phòng với yêu cầu rõ ràng: Hoặc phải thu xếp việc gia đình để đảm bảo ngày công hàng tháng hoặc nghỉ việc.
Tới lúc đó, tôi mới hiểu tại sao có những người mẹ chấp nhận làm công việc tẻ nhạt những cơ quan hành chính sự nghiệp, không quan tâm thăng tiến, chỉ để không phải chấm công mỗi chiều mà rảnh rang đi đón con đúng giờ", chị Trà ngậm ngùi chia sẻ.
Cuối cùng, chị Trà buộc phải đăng ký cho con học thêm một lớp câu lạc bộ toán học và một lớp cờ vua. Nhờ tham gia hai lớp này, con chị được ở lại trường tới 5h45 để chờ bố mẹ tới đón.
Chị Nguyễn Thị Mai Thu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hoàn cảnh tương tự chị Trà khi cả hai con đều học tiểu học công lập.
"Có ngày hai vợ chồng đều bận họp cơ quan cuối giờ chiều, cô giáo gọi điện hàng chục cuộc không được, nhắn tin trách mắng tại sao không đón con đúng giờ quy định.
Biết là mình sai khi không thực hiện nội quy của trường, nhưng tôi tự hỏi có bao nhiêu bố mẹ đi làm công ăn lương có thể thu xếp đón con trước 16h15 mỗi ngày.
Giờ tan tầm sớm nhất là 17h. Nếu muốn đón con bố mẹ phải cắt xén giờ công. Còn nếu làm tròn trách nhiệm với công việc, bố mẹ phải chấp nhận bị cô giáo chê trách vì không làm tròn trách nhiệm với con cái", chị Thu giãi bày.
Sau nhiều lần bị đồng nghiệp "nói ra nói vào" cũng như cấp trên nhắc nhở, chị Thu buộc phải đăng ký lớp học thêm cho con dù không muốn kéo dài thời gian học trong ngày của con tới 10 tiếng đồng hồ.
Với chị Trà, cho con học thêm cuối buổi không chỉ khiến con mệt mỏi mà còn tăng thêm gánh nặng kinh tế của gia đình.
"Hàng tháng, tiền học chính khóa, tiền bán trú, tiền ăn, tiền học tiếng Anh liên kết của con đã hết hơn 1 triệu đồng.
Với việc học thêm hai câu lạc bộ, số tiền phải chi lên tròn 2 triệu đồng. Hai năm nữa, khi con bé đi học tiểu học, chi phí tăng gấp đôi. Chưa tính các khoản học thêm ngoài nhà trường.
Tôi thiết nghĩ, với phần đông gia đình ở thành thị, đó là gánh nặng tài chính", chị Trà cho hay.
Chị Trà và chị Thu cũng đặt câu hỏi, việc các trường học quy định cha mẹ phải đón trẻ đúng giờ có phải là cách "ép" họ đăng ký học thêm tự nguyện cho con hay không?
Nhà trường không thể chia sẻ trách nhiệm trông trẻ với gia đình
Đưa câu hỏi của hai phụ huynh cho một hiệu trưởng trường tiểu học, vị hiệu trưởng thừa nhận việc đưa đón trẻ đúng giờ quy định là khó khăn lớn với các gia đình thành thị.
Ông phân tích, nếu như học sinh nông thôn tự đi học và tự về nhà cùng bạn bè thì điều này ít gặp ở các đô thị lớn do khoảng cách từ nhà tới trường quá xa, giao thông quá đông đúc, mất an toàn cho trẻ nhỏ.
Cha mẹ ở nông thôn cũng có tính chất công việc linh hoạt hơn, phân công lao động hợp lý hơn như một người đi làm, một người nội trợ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có ông bà, họ hàng trợ giúp tích cực.
Ngược lại, ở đô thị, phụ huynh ít nhận được hỗ trợ từ họ hàng, người thân. Thời gian làm việc chặt chẽ, cả chồng và vợ đều đi làm nên đón con đúng giờ là một thách thức.
Trong khi đó, cho con học thêm cuối buổi hay thuê người đưa đón đều gây tốn kém.
Tuy nhiên, theo thầy hiệu trưởng, nhà trường chỉ có thể thông cảm mà không thể chia sẻ trách nhiệm trông trẻ với gia đình.
"Trẻ chơi tự do ở sân trường mà không có người quản lý rất nguy hiểm. Chưa xét tới những tai nạn ngoài ý muốn do sự hiếu động của trẻ, chỉ riêng nguy cơ kẻ xấu trà trộn vào trường bắt cóc hay đe dọa an toàn của trẻ đã rất khó kiểm soát.
Các trường công đều không có nhân sự phụ trách việc này. Một số trường tổ chức được lớp đón muộn. Và một số trường không tổ chức được. Lý do dễ hiểu là không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng làm thêm giờ với mức trợ cấp ít ỏi bởi họ cũng có gia đình cần chăm lo.
Việc các trường học tổ chức câu lạc bộ cuối buổi ở khía cạnh tích cực là hỗ trợ phụ huynh có thể đón con muộn, trẻ có nơi sinh hoạt lành mạnh, an toàn.
Ở khía cạnh tiêu cực, việc này có thể gây ra mệt mỏi với trẻ khi giờ học kéo dài, tốn kém tiền bạc cho phụ huynh, chia rẽ mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình khi các cha mẹ có cảm giác bị ép buộc", thầy hiệu trưởng phân tích.
Theo ông, khó có một cách làm trọn vẹn trong bối cảnh hiện tại, khi các bậc cha mẹ ở thành thị đều bận rộn, không có sự phân công lao động hài hòa trong gia đình.
Bên cạnh đó, các dịch vụ trông trẻ, đưa đón trẻ theo giờ hay xe buýt công cộng đều chưa đạt tới sự chuyên nghiệp, hiện đại, an toàn để cha mẹ tin cậy.
Vị hiệu trưởng nêu quan điểm: Mỗi cha mẹ buộc phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp riêng phù hợp với điều kiện gia đình.
Đồng thời, cha mẹ cũng cần thấu hiểu và thông cảm với nhà trường, thầy cô khi họ đang làm đúng trách nhiệm và phận sự.
"Về phía nhà trường, việc tổ chức câu lạc bộ cuối buổi cần cải thiện về chất lượng để mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, giúp các em học tập hiệu quả thông qua hoạt động vui chơi một cách nhẹ nhàng, thư giãn", thầy hiệu trưởng nhấn mạnh.