Trở thành bố mẹ hoàn hảo có thực sự tốt cho con?

Hiền Khanh

(Dân trí) - Hình tượng những bà mẹ "lý tưởng" trên mạng xã hội đang tạo ra nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần ở phụ nữ, và theo các chuyên gia thì chúng cũng không mang lại lợi ích gì cho con trẻ.

Trở thành bố mẹ hoàn hảo có thực sự tốt cho con? - 1
"Phụ nữ chúng ta luôn mong muốn trở thành những bà mẹ hoàn hảo: vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, lại vừa có con cái đạt thành tích cao trong học tập" (Ảnh: Tetra Images).

Trên tờ The Guardian, nhà báo, tác giả Rachel Kelly chia sẻ câu chuyện của bản thân sau quãng thời gian dài phấn đấu làm một người mẹ mẫu mực. Giờ đây cô thành lập một câu lạc bộ dành cho những bà mẹ khác ở Anh rơi vào tình cảnh tương tự.

Áp lực "phải hoàn hảo"

Các thành viên của CLB này giống nhau ở chỗ đều đã từng cố gắng trở thành những bà mẹ "siêu nhân" có thể cân bằng hài hòa giữa công việc và gia đình, giữa sự nghiệp và con cái, nhưng đều có một kết cục chung đó là thất bại thảm hại.

Áp lực của việc trở nên hoàn hảo đã vắt kiệt hoàn toàn sức lực của họ. Nhiều người đã bật khóc khi mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. Đối với riêng trường hợp của Kelly, cô đã phải trải qua hai giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng ở độ tuổi ngoài 30.

"Khi ấy tôi luôn muốn làm tốt công việc phóng viên của mình, cùng lúc đó là làm một người mẹ tốt, lẫn một người vợ tốt. Thế rồi, những lo âu căng thẳng, sợ hãi và choáng ngợp dần bủa vây lấy tôi. Đó là khởi đầu cho giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng thứ nhất trong đời tôi. Vài năm sau đó, tình trạng này đã một lần nữa lặp lại", cô kể.

Sau những trải nghiệm không mấy vui vẻ trên, Kelly tỏ ra không hề ngạc nhiên khi biết rằng 63% phụ nữ cảm thấy mệt mỏi sau những nỗ lực trở nên hoàn hảo, theo một cuộc khảo sát của tập đoàn chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế quốc tế Bupa UK.

"Phụ nữ chúng ta luôn mong muốn trở thành những bà mẹ hoàn hảo: vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, lại vừa có con cái đạt thành tích cao trong học tập. Chúng ta bị ám ảnh bởi việc phải nhìn thấy mọi thứ được hoàn thành một cách chỉn chu. Chúng ta luôn tìm mọi cách để tối ưu hóa cuộc sống của bản thân, của con cái, và cả kiểm soát cơ thể mình nữa", Kelly nhận xét về tâm lý phổ biến ở phụ nữ.

Cũng theo cuộc khảo sát trên, 1/5 trong số những phụ nữ tham gia cho biết sức ép đến từ mục tiêu trở thành người mẹ hoàn hảo đã gây tổn hại không nhỏ đến sức khỏe tâm thần của họ.

Gần một phần ba trong số đó đã tìm đến các chuyên gia y tế để với hi vọng giải quyết vấn đề, nhưng lại giữ bí mật này với người thân. Có vẻ như nỗi lo sợ bị đánh giá đã khiến họ gặp khó khăn trong việc mở lòng.

Giờ đây, khi các con của Kelly đều đã trưởng thành, nhìn vào thực trạng, cô cho rằng làm mẹ thời nay còn áp lực hơn nhiều so với thời xưa.

Phân nửa các bà mẹ trong cuộc khảo sát thú nhận rằng chính những bài đăng của người nổi tiếng trên mạng xã hội, và của các bà mẹ khác trong vòng quen biết làm họ cảm thấy bị thúc ép phải sống theo những tiêu chuẩn không thực tế, để có thể được như những hình mẫu "lý tưởng" kia.

Những bài đăng khoe chiến tích của các bà mẹ "hoàn hảo" kể trên đặc biệt phổ biến trên Instagram. Theo Kelly, mạng xã hội đang ngấm ngầm làm phụ nữ cảm thấy tồi tệ hơn về cuộc đời mình.

Nhiều người nhận thấy trong khi bản thân phải đối mặt với công việc không mấy suôn sẻ thì những bà mẹ kia vừa giàu có hơn, thon gọn hơn, chăm con tốt hơn, lại vừa tỏ ra tận hưởng cuộc sống.

"Trước đây, ta chỉ so sánh mình với bạn bè, hàng xóm, còn giờ đây ta có thể so sánh cuộc sống gia đình mình với cả những người thành công trên thế giới. Lẽ dĩ nhiên, chỉ có ít người trong số chúng ta cảm thấy có thể bắt kịp với họ," Kelly nói.

Không có ai hoàn hảo

Dưới bài viết của tác giả Kelly, một bình luận nhận được nhiều đồng tình cho rằng có một điều mà những bà mẹ nổi tiếng trên Instagram hầu hết không đề cập đến, đó là họ có rất nhiều sự giúp đỡ.

Họ không phải trông con 24/7. Họ thuê bảo mẫu, đầu bếp, người giúp việc dọn dẹp nhà cửa, người làm vườn và quản gia để chăm nom về mọi mặt trong cuộc sống của họ.

Vậy nên hình ảnh những đứa trẻ mũm mĩm khỏe mạnh, với ngôi nhà hoàn hảo và sự nghiệp thăng hoa phô bày trên mạng xã hội chỉ làm tăng thêm cảm giác tự ti cho những bố mẹ thường xuyên phải làm việc mệt mỏi với nguồn tài chính hạn hẹp, và phải gồng gánh trên vai những trách nhiệm nặng nề trong cuộc sống hàng ngày.

Rõ ràng áp lực trở nên hoàn hảo đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Trên thực tế, tính cầu toàn là một trong những yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ. Theo Tổ chức Sức khỏe Tâm thần ở Anh, nữ giới có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hơn nam giới.

Vào năm 2014, cứ sáu người trưởng thành thì có một người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, tính riêng cho hai giới thì con số này là 1/5 ở nữ giới và 1/8 ở nam giới. Từ năm 2000 đến 2014, tỷ lệ phụ nữ mắc các vấn đề vể sức khỏe tâm thần ở Anh có xu hướng tăng dần đều, trong khi tỷ lệ này ở nam giới nhìn chung giữ ở mức ổn định.

Bên cạnh đó, Kelly cũng đưa ra quan điểm rằng cố gắng trở nên hoàn mỹ thực chất cũng có hại cho con trẻ. "Chúng ta đang nhồi vào đầu các con suy nghĩ rằng chúng cũng phải trở thành những đứa trẻ hoàn hảo. Chúng ta càng hoàn hảo thì càng tạo áp lực cho các con phải giống như vậy."

Sự thật là con cái sẽ hưởng lợi rất nhiều từ một tuổi thơ không quá hoàn hảo và cả từ cách dạy con còn thiếu sót của bố mẹ. Chứng kiến bố mẹ đôi lúc cũng thất bại, đôi lúc cũng bừa bộn, và đôi lúc cũng không hoàn hảo đều có thể biến thành động lực cho con cái.

Điều này đặc biệt đúng với những cô cậu thanh thiếu niên, bởi vì khó khăn thử thách là một phần không thể thiếu trong giai đoạn phát triển ở độ tuổi này, và có bố mẹ quá hoàn hảo không giúp ích được nhiều lắm.

Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, những căng thẳng, áp lực trong thời gian ngắn không gây hại, mà ngược lại rất cần thiết cho sự phát triển của con trẻ.

Trẻ em cần có nhiều trải nghiệm để trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu chúng được bảo bọc quá mức, những ông bố bà mẹ hoàn hảo có thể sẽ kìm hãm sự phát triển của con mình.

Vì vậy, một giải pháp phù hợp cho cả bố mẹ và con cái trong vấn đề này đó là hãy hướng tới mục tiêu trở thành những người tốt vừa đủ, theo như đề xuất của nhà tâm lý học Donald Winnicott.

Ông khẳng định rằng không một đứa trẻ nào cần những vị phụ huynh lý tưởng. Chúng chỉ cần những người bố, người mẹ đủ tốt, đàng hoàng tử tế, yêu thương con, đôi khi có thể gắt gỏng hay vụng về nhưng về cơ bản vẫn làm tròn và làm tốt trách nhiệm của bố mẹ.

Theo www.theguardian.com