Trò chuyện với “ông giáo ở nghị trường”

"Trước hết, dạy học là nghề tích thiện. Thứ hai, tôi dạy đại học, có cơ hội truyền đạt những gì mới nhất mà mình nghiên cứu được cho lớp người nối nghiệp mình, nên tôi thấy rất hào hứng. Thứ ba, làm thầy, được tiếp xúc thường xuyên với người trẻ thì mình cũng tươi trẻ mãi."

Đó là tâm sự của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ít ai biết rằng, GS Nguyễn Minh Thuyết từng là cậu bé bán báo và lạc luộc trên những chuyến tàu điện.

Cậu bé bán báo và thầy giáo đại học…

Thưa Giáo sư, tuổi thơ của ông đã trải qua như thế nào?

Tuổi thơ tôi cũng như nhiều bạn cùng lứa, chẳng có gì đặc biệt. Tôi sinh ra trong một gia đình công chức nghèo đông con. Nhà có 18m2 thôi, mặc dù lúc giải phóng Thủ đô thì muốn thuê chỗ nào cũng được. Đó là do bố tôi nghĩ chuyện thuê nhà vẫn như thời xưa; con nhỏ thì thuê phòng nhỏ cho tiết kiệm, khi con cái lớn hơn sẽ thuê chỗ khác. Nhưng không ngờ cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Đổi đi đổi lại mấy lần, tới năm 1977 mới thuê được một căn nhà rộng 66m2 ở phố Yên Ninh. Bố tôi hồi đó làm ở Tòa án Nhân dân Tối cao, còn mẹ tôi ban đầu bán vải ở chợ Đồng Xuân, sau đó gia nhập hợp tác xã, rồi trở thành nhân viên Công ty Bông vải sợi - May mặc Hà Nội.

Vì gia đình đông con mà nguồn thu nhập thấp nên anh em tôi sống khổ lắm. Ăn uống chẳng có gì. Tôi nhớ là thời đó, nhà tôi ăn cơm toàn độn ngô, mà nói vậy cho sang, chứ thực chất là ăn ngô độn cơm. Anh em chúng tôi được huấn luyện để nấu được cả gạo lẫn ngô trong cùng một nồi nhưng hai thứ đó không lẫn với nhau. Phần cơm trắng để bà nội và đứa em út ăn, còn lại cả nhà ăn ngô trộn cơm. Sau này, gia đình đỡ khó khăn hơn, thỉnh thoảng, mẹ cho ăn bánh cuốn, bún chả hoặc giúi cho một lọ polivitamine để bồi dưỡng sức khỏe.  

Tôi được học hành đúng tuổi. Nhưng ngoài giờ học, cũng phải phụ giúp bố mẹ nhiều. 8 - 9 tuổi đi bán báo, bán lạc luộc trên đường, trên tàu điện, mùa nước ra sông vớt củi. Thời ấy, vào dịp Hè, học sinh con nhà nghèo thường đi lao động giúp gia đình. Có năm, tôi xin được chân cạo rỉ sắt cầu. Có năm đi cắt cỏ ở nông trường bò sữa Ba Vì. Thanh niên thành phố như tôi, cầm cái liềm cắt cỏ từ sáng đến chiều tối mệt lắm, mà mỗi ngày chỉ được 2 - 3 hào chỉ. Theo lời giới thiệu của một người trong họ mà tôi gọi là ông trẻ, tôi bỏ nông trường, lên Thái Nguyên làm khuân vác cho công ty lâm thổ sản, được hưởng mức lương hợp đồng khoảng 40 đồng/tháng. Ông bà trẻ cho tôi ăn ở nhà mình, không lấy đồng nào. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên cảm giác ê ẩm những ngày đầu làm nghề khuân vác. Đối với một cậu bé 16 tuổi như tôi, phải vác những bao đỗ xanh, lạc... nặng tới 50 - 60kg thật là thử thách nặng nề. Có lẽ vì thế mà tôi lùn đi? (cười).

Hồi còn nhỏ thì lời khuyên nào của bố mẹ để lại dấu ấn với ông tới tận hôm nay?

Hầu hết thanh, thiếu niên ngày xưa được gia đình giáo dục một cách rất nghiêm khắc và có phần còn khá "phong kiến". Bố tôi là người rất đôn hậu, gần như chẳng bao giờ ông đánh hoặc mắng con cái. Nhưng cách giáo dục rất nghiêm khắc, thậm chí, hồi bé, đôi khi, tôi còn nghĩ là cụ khắt khe. Ví dụ cứ 4h30 sáng là phải thức dậy. Cụ phân công mỗi đứa một việc: Rửa chén, quét nhà, nấu ăn, xách nước... Không có việc gì làm thì mở bài vở ra học, không có chuyện ngủ đến 5h mới dậy. Chính cách giáo dục đó giúp tôi sau này không sợ khó, sợ khổ và luôn làm việc đúng giờ.

Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề giáo, thưa Giáo sư?

Tôi cũng không biết mình đến với nghề là do tổ chức "se duyên" hay là duyên tiền định. Gia đình tôi nhiều người làm nghề này. Trước Cách mạng, bố tôi là giáo viên Trường tư thục Đông Dương ở phố Lò Đúc. Sau này, chị và em gái tôi đều là giáo viên. Khi anh chị em tôi có gia đình riêng thì cả vợ tôi, em rể tôi và con gái tôi đều theo nghề sư phạm. Hồi chị gái tôi học trường Sư phạm, có lần, tôi tò mò hỏi chị: "Làm sao thích nghề dạy học được?". Chị tôi bảo: "Vào trường, học mãi rồi cũng quen, cũng thích". Tôi cứ ngờ ngợ. Nhưng ghét của nào, trời trao của nấy. Tốt nghiệp trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi được phân công lên dạy ở trường ĐH Sư phạm Việt Bắc. Đến với nghề do phân công của tổ chức, nhưng vào nghề rồi thì thấy nghề dạy học rất hay.

Cái "hay" của Giáo sư được hiểu là...

Trước hết, dạy học là nghề tích thiện. Thứ hai, tôi dạy đại học, có cơ hội truyền đạt những gì mới nhất mà mình nghiên cứu được cho lớp người nối nghiệp mình, nên tôi thấy rất hào hứng. Thứ ba, làm thầy, được tiếp xúc thường xuyên với người trẻ thì bản thân mình cũng tươi trẻ mãi. Trong xã hội ta có hai nghề được gọi là thầy, đó là thầy giáo và thầy thuốc nhưng sướng khổ khác nhau. Thầy giáo luôn được tiếp xúc với người trẻ, mà tiếp xúc với người ta trong trạng thái tươi tắn, vui vẻ nhất. Thầy thuốc thì ngược lại, tiếp xúc với mọi người khi người ta nhăn nhó, đau đớn nhất. Ngày còn bé, tôi ốm yếu, hay phải nhờ đến bàn tay kỳ diệu của thầy thuốc nên có ấn tượng rất tốt với nghề thầy thuốc. Tôi mơ ước trở thành bác sĩ. Mẹ tôi còn kể, lúc nhỏ tôi thường một mình đóng vai bác sĩ, lấy que tiêm hết cả giàn bầu bí, làm thui hết giàn. Bây giờ, nghĩ lại thấy may vì không theo nghề thầy thuốc. Vụng tay vụng chân như tôi mà làm bác sĩ có lẽ đã gây ra tai nạn nghề nghiệp rồi (cười lớn).

Ngoài chuyện dạy chữ nghĩa thì Giáo sư còn truyền đạt cho sinh viên, nghiên cứu sinh điều gì?

Tôi ít khi "giảng đạo đức" trên lớp. Nhưng trong công việc, tôi luôn yêu cầu học trò phải lao động thực sự. Thứ hai là phải trung thực. Làm luận văn, luận án với tôi, anh em khó mà chép của ai được, vì tôi chỉ đạo và kiểm tra từng bước đi của học trò: đọc sách gì, hiểu sách đến đâu, thu thập và phân tích tư liệu thế nào, trình bày từng kết quả nghiên cứu ra sao... Lắm khi thầy và trò phải cùng "đánh vật" với những trường hợp khó. Sát sao trong làm việc, nhưng tôi luôn tạo điều kiện cho sinh viên và nghiên cứu sinh tự do chọn lựa hướng giải quyết của mình. Tôi nghĩ, đó là những việc người thầy cần làm để đào luyện những người lao động cần mẫn, trung thực, dám nghĩ dám làm.

…và "đại biểu Thuyết"

Ông muốn người khác gọi mình là một nhà giáo hay một chính trị gia?

Mặc dù là một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách nhưng tôi không bao giờ nghĩ mình là một chính trị gia chuyên nghiệp. Nghề chính của tôi là nhà giáo. Hoạt động chính trị chỉ là do tổ chức điều sang, là nhiệm vụ có thời hạn thôi. Có thể được coi là có duyên với chính trị nhưng tôi chỉ là hạng nghiệp dư thôi. Vì vậy, không nên gọi tôi là chính trị gia bởi bản thân tôi cũng thấy mình không xứng với tên gọi đó.
 
Trò chuyện với “ông giáo ở nghị trường” - 1
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.


Nếu bây giờ được lựa chọn lại, ông có chọn tiếp nghề thầy giáo không, thưa Giáo sư?

Chắc chắn là tôi sẽ chọn nghề thầy giáo. Nhưng tôi thích dạy đại học. Thú thực là dạy phổ thông bây giờ vất vả lắm.

Môn thể thao mà ông thường chơi là...

Tôi thích đi bơi và chơi bóng bàn. Hồi ở trường, hầu như chiều nào tôi cũng chơi bóng và sáng nào cũng bơi. Nhưng từ khi chuyển lên Quốc hội, thú vui của tôi là làm việc. Đơn giản là vì ngoài công việc Quốc hội đã rất bận bịu, tôi vẫn không dứt ra khỏi đam mê chuyên môn được.  

Tôi bơi và đánh bóng bàn đều không giỏi vì chỉ "học mót" thôi, chứ không được học hành bài bản. Có lẽ cái số của tôi nó vậy. Chỉ có chuyên môn Ngôn ngữ học là được đào tạo chính quy, với những người thầy rất giỏi; còn cái gì cũng phải học mót từ bạn. Bơi thì học mót bạn bè ở sông Hồng. Còn bóng bàn học ở nơi trường sơ tán. Ở nơi sơ tán, bàn bóng không chuẩn mà cũng không đủ cho nhiều người chơi nên chúng tôi thường đánh đôi. Bạn đánh đôi chỉ giao cho tôi nhiệm vụ giao bóng và đỡ bóng; còn "tiu" và "ve" là việc của họ. Cũng chính vì thế mà tôi có cách giao bóng sệt và xoáy, khó đỡ lắm (Cười).

"Khó đỡ" như những câu hỏi của ông ở nghị trường không?

Không, hai chuyện khác hẳn nhau. ĐBQH đặt câu hỏi không cốt để người bị chất vấn không trả lời được. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thường nói với đại biểu: Chất vấn là hỏi trách nhiệm, chứ không phải để hỏi thông tin. Cho nên, nếu câu hỏi gây khó cho người được hỏi thì thường chỉ là vì người được hỏi có trách nhiệm trong một việc nhất định nhưng không muốn thừa nhận trách nhiệm của mình.

Lời động viên nào giúp ông có thêm động lực để làm tròn nhiệm vụ của một ĐBQH?

Mỗi kỳ họp Quốc hội, bạn bè, đồng nghiệp, cử tri thường gửi thư, nhắn tin cho tôi, khẳng định: "Ông đúng là đại biểu của dân". Tôi cho đó là lời động viên cao nhất. Nhưng tôi cũng sắp hết nhiệm kỳ đại biểu rồi, bây giờ chỉ chờ câu: "Ông đúng là ông chồng tốt" thôi. Nhưng để có được lời động viên như vậy cũng khó đấy (cười).

Lẽ sống của trí thức

Đã từng có ai bắt Giáo sư làm một việc mà ông không thích?

Nhiều chứ! Cuộc đời luôn phải đối diện với những trường hợp như thế.

Khi đó, ông thường làm gì?

Thường khi đó, tôi sẽ phải xem mình không thích là đúng hay sai và vì sao người ta buộc mình phải làm. Trường hợp tôi sai, dĩ nhiên, tôi phải sửa. Còn buộc tôi làm sai thì... hơi khó. Hồi tôi còn là một cán bộ rất trẻ, có lần, tôi được một vị lãnh đạo Khoa mời lên, giao nhiệm vụ chấm lại bài thi tốt nghiệp của một sinh viên. Ông nói là bài đó kém, làm sao cho điểm 5 được. Tôi hiểu ngụ ý là cho trượt. Bài thi đã qua 2 người chấm, nhưng lãnh đạo giao nhiệm vụ thì tôi vẫn phải làm. Tôi xem lại cẩn thận và vẫn để bài đó được điểm 5. Dĩ nhiên, tôi hiểu là vị lãnh đạo không hài lòng. Nhưng để lãnh đạo hài lòng mà tôi đánh hỏng một sinh viên thì cả đời tôi không hài lòng về mình được. Cũng có lần, đã trở thành lãnh đạo trường, làm Chủ tịch Hội đồng kỷ luật sinh viên, tôi cũng gặp một sức ép lớn. Số là, hồi ấy nước mình mới có Internet, một công ty Internet đã hào hiệp mang cả một dàn máy tính tới giúp trường, hướng dẫn sinh viên truy cập mạng. Một sinh viên không hiểu nghĩ thế nào, "xoáy" luôn modem của họ, ra đến sân thì người của công ty bắt được. Thầy chủ nhiệm khoa của sinh viên này rất tức giận vì từ khi thành lập khoa đến lúc này, chưa bao giờ có chuyện sinh viên lấy cắp cái gì. Thầy đòi đuổi học. Nhưng căn cứ quy chế của Bộ GD-ĐT, xét sinh viên này mắc lỗi lần đầu, tôi dự kiến thuyết phục Hội đồng áp dụng mức kỷ luật đình chỉ học tập một năm. Hội đồng chưa kịp họp thì có một đồng chí lãnh đạo cấp cao gọi điện xuống cho hiệu trưởng, nói đó là con của ông nọ ông kia, cháu trót dại, thôi thì nhà trường bỏ qua và giáo dục cháu giúp. Nhưng mức đình chỉ học tập 1 năm đã là nhẹ nhất; làm sao hạ mức trái quy chế được? Đồng chí lãnh đạo lại gọi điện cho Bí thư Đảng ủy. Mặc dù rất kính trọng đồng chí lãnh đạo nhưng Hội đồng Kỷ luật vẫn quyết định kỷ luật sinh viên theo đúng quy định. Sau rồi, hiệu trưởng nhà trường chuyển thành quyết định treo bằng tốt nghiệp 1 năm.       

Ông tôn thờ điều gì nhất?


Chữ TÌNH, bởi tôi là người duy cảm.

Và ông có bị hệ lụy vì nó?

Có chứ. Tôi rất hay mủi lòng. Nếu tôi làm chánh án chắc không làm nổi. Ngày còn làm lãnh đạo trường, có trường hợp một em cán sự lớp tự ý thu tiền học phí của cả lớp rồi đem đi tiêu hết, trong khi thu học phí không phải là việc của cán sự lớp. Đưa ra Hội đồng kỷ luật, sinh viên đó phải bị đuổi học. Ông bố sinh viên đến gặp tôi, trình bày, tôi mủi lòng lắm nhưng vẫn không làm cách nào khác được. Vẫn phải đuổi học sinh viên ấy. Hôm đó, về nhà ăn cơm, thấy đắng như nhai thuốc. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ trường hợp ấy và luôn cảm thấy day dứt.

Tuổi của ông cầm tinh con Chuột phải không, thưa Giáo sư?

Đúng. Tôi sinh năm 1948, tuổi Mậu Tý.

Năm nay là năm con Mèo?

Ừ nhỉ?! Dễ bị ăn thịt lắm (Cười to). Nhưng nếu về hưu, ở ẩn trong đống sách vở thì Mèo sẽ khó tìm. Chuột thích gặm sách chứ Mèo có thích la cà nơi giá sách đâu!

Phẩm chất nào ở một trí thức được ông đánh giá cao?

Đó là phải biết dấn thân. Có người dấn thân cho phát minh, sáng tạo; có người dấn thân cho xã hội. Dấn thân theo hướng nào cũng đòi hỏi trí tuệ và đức hy sinh. Có trí tuệ thì mới khỏi lạc đường; có dám hy sinh thì mới đi tới cùng được.  

Người ta nói, trí thức mà suốt ngày chỉ vùi đầu vào sách vở thôi, không quan tâm tới chuyện đời thì chẳng khác gì người nghiện rượu, chỉ để thỏa mãn thú vui của mình. Ông bình luận thế nào?

Tôi không cho là như vậy. Nghiện rượu với nghiện làm việc là hai chuyện khác hẳn nhau chứ! Phải nói rằng phần lớn các phát minh, sáng chế, sáng tạo quan trọng đưa loài người lên trình độ văn minh như hiện nay là do những người nghiện nghiên cứu làm ra. Nếu không có những người như thế, xã hội làm sao phát triển được?

Khi sự bộc trực của Giáo sư động chạm đến người khác thì ông có chuẩn bị cho mình cái gì để chống đỡ không?

Thực ra, trong cuộc sống riêng, tôi là người rất ngại va chạm với bạn bè, anh em,... nên hay nhường nhịn. Nhưng trong công việc thì phải lấy tiêu chuẩn, quy chuẩn làm thước đo. Ví dụ, có  những luận án tiến sĩ, cả Hội đồng đánh giá xuất sắc, riêng tôi chỉ đánh giá đạt yêu cầu, và tôi cũng trao đổi thẳng điều đó với các vị trong Hội đồng, chứ không khen vờ rồi bỏ phiếu theo kiểu khác. Cũng có trường hợp tôi bỏ phiếu chống. Trong công việc ở Quốc hội, tôi cũng hành xử theo nguyên tắc như vậy, mặc dù biết rằng có thể gặp phiền toái. Còn "chống đỡ" ư? Đánh bóng bàn thì tôi cò cưa được. Nhưng đây không phải bóng bàn. Phương tiện "chống đỡ" của tôi chỉ là lẽ phải, là pháp luật, là sự ủng hộ của người dân.

Xin cảm ơn Giáo sư và kính chúc Giáo sư một năm mới dồi dào sức khỏe!

Theo SVVN