Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh: “Dân tộc - nhân văn - dân chủ - sáng tạo”

(Dân trí) - Có thể đúc kết Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh thành một câu nói ngắn gọn là “Dân tộc - nhân văn - dân chủ - sáng tạo”. Tính đúng đắn của triết lý giáo dục đó được thể hiện bằng “sản phẩm người” - những con người đã làm nên bao kỳ tích của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Tại hội thảo “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế”, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có bài viết phân tích về: "Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh – Cơ sở lý luận của công cuộc cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay". Dân trí xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Là một nhà hoạt động lỗi lạc trên nhiều lĩnh vực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cống hiến nhiều mặt cho sự phát triển của dân tộc và nhân loại. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, Hồ Chí Minh không chỉ là người thầy thực thụ mà còn là người kiến tạo ở Việt Nam một nền giáo dục dân chủ theo một triết lý giáo dục hoàn toàn mới so với nền giáo dục thực dân - phong kiến trước đó.

Là hiện thân của “một nền văn hóa tương lai”, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn tỏ rõ sự tương thích với những quan điểm giáo dục hiện đại và yêu cầu phát triển của đất nước.

Thấm nhuần và tiếp tục khai thác kho báu đó để tìm ra giải pháp căn cốt cho công cuộc cải cách giáo dục Đại học nói riêng, cải cách giáo dục nói chung chính là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị và những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở nước ta hiện nay.


Theo Hồ Chí Minh, sản phẩm “đầu ra” của giáo dục trước hết phải là những “người tốt” vì không phải ai cũng có thể trở thành thiên tài nhưng nếu cố gắng thì ai cũng có thể trở thành người có ích cho xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, sản phẩm “đầu ra” của giáo dục trước hết phải là những “người tốt” vì không phải ai cũng có thể trở thành thiên tài nhưng nếu cố gắng thì ai cũng có thể trở thành người có ích cho xã hội.

Triết lý giáo dục và triết lý giáo dục Hồ Chí Minh

Giáo dục là một hoạt động liên quan hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến tất cả mọi người trong xã hội nên tác động của nó đối với sự phát triển của mỗi con người và mỗi dân tộc là điều không ai có thể phủ nhận. Thực tiễn cho thấy: Muốn “con tàu” giáo dục tiến lên thì trước hết cần phải có một triết lý giáo dục phù hợp. Vậy thế nào là triết lý giáo dục mà sự đúng sai của nó lại là nguyên nhân quyết định sự thành, bại của một nền giáo dục?

Xung quanh khái niệm này có nhiều cách định nghĩa khác nhau nhưng theo chúng tôi, triết lý giáo dục là những nguyên lý nền tảng chỉ đạo toàn bộ việc xác lập mục tiêu, nội dung, phương pháp thực hiện hoạt động giáo dục được đúc kết bằng những câu nói ngắn gọn.

Nói đơn giản thì triết lý giáo dục trả lời cho câu hỏi: Nền giáo dục đó muốn đào tạo ra ai và bằng cách nào? Theo cách hiểu này thì bất cứ nền giáo dục nào cũng có triết lý giáo dục của nó (cho dù đó là một luận thuyết hoàn chỉnh hay chỉ là những nguyên tắc chỉ đạo cơ bản) và triết lý giáo dục là một bộ phận cấu thành triết lý phát triển của đất nước.

Trước thực trạng khó khăn của nền giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học Việt Nam nói riêng, nhiều người cho rằng mọi bất cập hiện có và thất bại của các cuộc cải cách giáo dục trong những năm qua đều xuất phát từ việc chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục đúng đắn để dẫn dắt.

Khi giáo dục đã được Đảng xác định là vấn đề “quốc sách”, khi đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam đang là nhiệm vụ trọng yếu mà Đảng đã đặt ra, xây dựng một triết lý giáo dục phù hợp là nhiệm vụ cấp bách của nước ta hiện nay. Do tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng nên việc xác định triết lý giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hội nhập để làm cơ sở cho công cuộc cải cách giáo dục tất yếu phải gắn liền với việc khai thác, vận dụng sáng tạo triết lý giáo dục Hồ Chí Minh.

Sinh ra trong một gia đình khoa bảng nên từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã được giáo huấn kỹ lưỡng về sức mạnh của tri thức và đạo đức - những sản phẩm riêng có của giáo dục. Vì thế, Người không chỉ khẳng định “Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” mà còn nhấn mạnh tác động to lớn của giáo dục đối với lớp trẻ, rằng “óc những người tuổi trẻ trong sáng như một tấm lụa trắng.

Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ”. Sự trải nghiệm thực tiễn phong phú càng làm Người thấu hiểu tầm quan trọng của giáo dục và sự nguy hại của dốt nát.

Do đó, nếu trong lịch sử Việt Nam, các bậc minh quân chỉ nói đến giặc ngoại xâm thì Hồ Chí Minh là người đầu tiên nói đến giặc dốt. Khẳng định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, giặc dốt hoành hành là tiền đề để giặc đói, giặc ngoại xâm tấn công, Hồ Chí Minh luôn khẳng định xóa nạn mù chữ, làm cho dân có học, kiến thiết giáo dục“ vừa là một nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam, vừa là một trong những “ham muốn tột bậc” của Người.

Riêng về giáo dục Đại học, Hồ Chí Minh đã nói về tầm quan trọng của nó như sau: “Trong việc kiến thiết nước nhà về mọi mặt, ta thiếu rất nhiều cán bộ như kỹ sư, thợ lành nghề, thầy dạy học... Vì vậy, ta phải phát triển mạnh đại học và chuyên nghiệp“. Với nhận thức đó, vào ngày 1/10/1945, tức thời điểm ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về việc thiết lập Ban Đại học Văn khoa Hà Nội.

6 triết lý chủ đạo

Là “tổng công trình sư” của nền giáo dục Đại học Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã hàm chứa những triết lý chủ đạo sau đây.

Thứ nhất, giáo dục có mục đích đào tạo công dân có ích cho cách mạng và phát triển mọi năng lực sẵn có của người học.

Do tác động của thể chế chính trị, mỗi nền giáo dục lại có mục tiêu khác nhau. Nếu Platon ở thời cổ đại cho rằng sứ mệnh của giáo dục là chuẩn bị cho người học gia nhập và phục vụ đắc lực cho một xã hội nhất định nào đó thì Rút xô ở Thế kỷ ánh sáng lại coi hoàn thiện nhân tính, phát triển năng lực riêng có của mỗi con người là mục tiêu của giáo dục. Vì xã hội hay con người là những triết lý giáo dục khác nhau.

Kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại, trong đó có văn hóa giáo dục, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã khẳng định nền giáo dục mới ở Việt Nam là nền giáo dục có mục đích “kép” - “một nền giáo dục đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học.

Nếu nền giáo dục phong kiến có mục tiêu tạo ra những người “làm quan” để hưởng vinh vinh hoa, phú quý, nếu nền giáo dục thực dân có mục tiêu đào tạo ra những trí thức nô lệ để hầu hạ chúng thì nền giáo dục mới có mục tiêu đào tạo những người chủ tương lai của đất nước. Giáo dục do đó phải đào tạo ra lớp người biết hành động vì lợi ích dân tộc chứ không phải “đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác”.

Chính mục tiêu phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội sẽ quy định nội dung giáo dục phải thiết thực. Hồ Chí Minh nói rõ: Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của nhà nước cũng như “làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình tích thì ế hàng”.

Tóm lại, giáo dục phải hoàn thành nhiệm vụ đào tạo ra những con người “công cụ” để phục vụ những mục tiêu then chốt của cách mạng nhưng chính trong quá trình đó, bản thân mỗi con người cũng được hoàn thiện cả về năng lực lẫn phẩm chất. Như vậy, trong triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh, mục đích vì con người cộng đồng vì con người cá nhân luôn hòa quyện làm một và thực tế thì chúng luôn hòa quyện làm một.

Thứ hai, giáo dục phải đảm bảo nguyên tắc toàn diện nhưng trước hết phải chú trọng đến việc giáo dục đạo đức.

Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ nhưng Người đặt đạo đức cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. Người nhấn mạnh: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Theo Hồ Chí Minh, sản phẩm “đầu ra” của giáo dục trước hết phải là những “người tốt” vì không phải ai cũng có thể trở thành thiên tài nhưng nếu cố gắng thì ai cũng có thể trở thành người có ích cho xã hội.

Hơn nữa, tâm mà trong thì trí sẽ sáng, đạo đức sẽ giúp con người vươn tới một cuộc đời có ý nghĩa chứ không dừng ở sự mưu sinh. Đạo đức cũng sẽ thúc đẩy họ tự giác hoàn thiện mình về mọi mặt để trở thành con người toàn diện. Ngược lại, nếu không có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì dù có tài cũng thành vô dụng, thậm chí càng có tài thì họ càng trở nên nguy hiểm đối với cộng đồng xã hội.

Từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu: Điều quan trọng là phải dạy cho thanh niên biết yêu nước, thương nòi, lý tưởng cách mạng và lối sống cao thượng. Quá trình giáo dục đạo đức luôn phải kết hợp giữa 2 công việc là xâychống nên giáo dục còn phải giúp con người “sửa chữa tư tưởng” và “tẩy rửa” các khuyết điểm của mình.

Thứ ba, giáo dục luôn phải kết hợp học với hành, lý luận với thực tiễn.

Từ nguyên tắc lý luận phải gắn với thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành”. Đây cũng chính là nguyên tắc hàng đầu của nền giáo dục mới do Hồ Chí Minh tạo dựng nên khi đặt câu hỏi “Học để làm gì”, Người đã trả lời: “Học để hành. Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”.

Nguyên tắc này chi phối toàn bộ chương trình giáo dục nhưng ở cấp đại học - bậc cuối cùng trang bị tri thức và kỹ năng để các trí thức trẻ bước vào xã hội với tư cách một người lao động, nó càng trở nên quan trọng.

Hồ Chí Minh đã căn dặn sinh viên rằng: “Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức một nửa. Vì vậy, nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành”.

Người nhấn mạnh “sản phẩm đầu ra” của giáo dục đại học không phải là “cái hòm đựng sách”, tức những con người chỉ giỏi lý thuyết mà phải những con người có hoài bão hành động, có năng lực đem những điều đã học áp dụng vào thực tiễn.


Giáo dục muốn thành công thì phải có đội ngũ giáo viên đủ đức, đủ tài

"Giáo dục muốn thành công thì phải có đội ngũ giáo viên đủ đức, đủ tài"

Thứ tư, giáo dục phải rèn cho con người tư duy độc lập, sáng tạo.

Đecartes - người được xem là cha đẻ của triết học hiện đại (1596-1650) đã đề cao vai trò của tư duy bằng cụm từ “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại”. Điều đó có nghĩa là tư duy - một quy trình nhận thức mang tính độc lập chính là đặc tính căn cốt của con người, là biểu hiện của năng lực người, trình độ người.

Nhiệm vụ của giáo dục là phải giúp con người nâng cao năng lực ấy. Về phía người học, Hồ Chí Minh yêu cầu “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng.

Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin cậy một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ.

Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi: “Vì sao”… tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều”.

Kinh viện, giáo điều, sùng tín mù quáng, coi sách “thánh hiền” là những chân lý bất biến là những điều Hồ Chí Minh hết sức đả phá. Người còn căn dặn sinh viên không nên “học gạo, học vẹt”, nhồi nhét theo kiểu “chất vào kho” mà phải luôn đào sâu suy nghĩ, luôn so sánh, liên hệ với thực tế vì khi tốt nghiệp đại học, họ phải đủ năng lực làm việc độc lập như một chuyên gia ở một chuyên môn nhất định.

Muốn vậy thì người thầy phải chú trọng việc trang bị cho người học năng lực phản biện tri thức có sẵn và khả năng sáng tạo ra những tri thức mới.

Thứ năm, giáo dục phải rèn luyện cho con người tinh thần tự học và ý thức học suốt đời.

Không một nhà trường nào có đủ thời lượng và điều kiện truyền dạy cho người học khối lượng tri thức đủ dành cho suốt cuộc đời nên điều quan trọng là phải giáo dục cho người học ý thức tự họckhả năng học tập khi không có giáo viên.

Hồ Chí Minh nhắc nhở người học rằng “không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập”. Phải nói rằng so với việc học trên lớp có giáo viên hướng dẫn thì việc tự học không chỉ khó khăn hơn trong việc tiếp thu tri thức mà còn đòi hỏi ở người học ý thức tự giác, tinh thần kỷ luật và sự bền bỉ thực sự.

Muốn tự học thành công thì còn phải có phương pháp và tránh căn bệnh “lửa rơm”. Để giúp người học hình thành thói quen tự học, Hồ Chí Minh đã đúc kết “quy trình học tập” gồm 3 khâu: Đầu tiên, người học phải tự giác đào sâu nghiên cứu, sau đó tiến hành thảo luận tập thể và cuối cùng là giáo viên củng cố thêm kiến thức.

Thực chất đây chính là mô hình học tập “lấy người học làm trung tâm” mà giáo dục hiện đại đang đề cao.

Tri thức của loài người là vô tận và cuộc sống không ngừng đòi hỏi ở con người những tri thức mới, do đó, học tập là việc suốt đời phải làm. Hồ Chí Minh cho rằng việc học suốt đời là tất yếu vì “khi thành công thì phải nghiên cứu vì sao thành công để lấy kinh nghiệm, khi thất bại cũng sẽ xem xét tại sao thất bại để mà tránh đi”.

Hồ Chí Minh còn rút ra chân lý: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm. Điều này hoàn toàn đúng bởi càng học sẽ càng thấy sự thú vị của tri thức và dần dần việc học sẽ trở thành một nhu cầu mang tính tự thân.

Mặt khác, khi giáo dục cho người học ý thức tự học suốt đời và tinh thần cầu thị, nhà trường cũng phải giáo dục cho người học đức tính khiêm tốn bởi “nếu còn tự kiêu, tự mãn thì học biết nhiều thêm chỉ có hại”.

Đối với bản thân Hồ Chí Minh, tự học không chỉ là triết lý giáo dục mà còn là triết lý nhân sinh. Trong 30 năm hoạt động quốc tế, dù phải vất vả kiếm sống và hoạt động chính trị, dù không có thầy dạy, không có trường học, Hồ Chí Minh vẫn cần mẫn tự học.

Để có công cụ giao tiếp và tiếp thu tri thức nhân loại, Hồ Chí Minh chăm chỉ học ngoại ngữ. Năm 1935, trong tờ khai lý lịch của đại biểu tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Người khai rõ: Họ và tên: Lin; Trình độ học vấn: Tự học; Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung, Ý, Đức, Nga... Là một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh hiểu rõ tầm quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền cách mạng và vì vậy, Người quyết tâm học cách làm báo, viết báo.

Kỳ lạ là Người “học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc. Rồi sau mới học viết báo Việt”. Từ viết báo, dần dần Người chuyển sang viết truyện, viết kịch... Sau nửa thế kỷ cầm bút, nhà báo Hồ Chí Minh khẳng định: “Không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”.

Bằng sự trải nghiệm của một người tự học mà trở thành danh nhân văn hóa kiệt xuất, Hồ Chí Minh coi tự học là một phẩm chất mà giáo dục phải trang bị cho người học và giáo dục khả năng tự học là một nội dung quan trọng trong triết lý giáo dục Hồ Chí Minh.

Thứ sáu, giáo dục muốn thành công thì phải có đội ngũ giáo viên đủ đức, đủ tài.

Trồng người” là mối quan tâm của toàn xã hội nhưng trách nhiệm trực tiếp thuộc về người thầy - những con người mà Hồ Chí Minh gọi là những “anh hùng vô danh”. Người đã chỉ ra sự khác biệt về bổn phận, trách nhiệm giữa người thầy thời nay và thời kỳ phong kiến như sau: “Thời trước giáo dục là gõ đầu trẻ để kiếm cơm ăn. Có cơm chùa thì đánh chuông, hết cơm chùa thì không đánh chuông. Bây giờ nhiệm vụ giáo dục khác trước...

Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới”.

Không chỉ là tri thức khoa học, người thầy còn có trách nhiệm truyền đến người học cảm hứng học tập, ý thức, kỹ năng tự học và phẩm chất làm người. Dạy người mới là điều khó nhất nên người xưa đã đúc kết: “Kinh sư dĩ đắc, nhân sư nan tầm”.

Để hoàn thành trọng trách vừa dạy chữ, vừa dạy người, bản thân người giáo viên, người huấn luyện “phải là kiểu mẫu về mọi mặt: Tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”. Đặc biệt, họ phải có ý thức học không ngừng, “người huấn luyện nào tự cho mình đã biết đủ cả rồi thì người đó dốt nhất”.

Họ tuyệt đối không được “độc tôn” chân lý mà phải xây dựng môi trường giáo dục mang tính dân chủ. Khi căn dặn “trong nhà trường cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt.

Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải cá đối bằng đầu”, Hồ Chí Minh tỏ rõ mong muốn mối quan hệ giữa thầy và trò vừa phải đúng đạo lý theo văn hóa truyền thống, vừa phải dân chủ, cởi mở về học thuật để sinh viên có thể tiếp cận tri thức một cách đầy đủ, đa chiều nhất.

Có thể khẳng định: Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là một bộ phận trọng yếu trong hệ thống tư tưởng của Người, sự nghiệp giáo dục của Hồ Chí Minh góp phần làm nên sự nghiệp cách mạng to lớn của Người.

Triết lý giáo dục được kết tinh từ tư tưởng đó đã góp phần tạo nên triết lý giáo dục Việt Nam và làm giàu cho kho tàng triết lý giáo dục của toàn nhân loại.

Có thể đúc rút triết lý giáo dục Hồ Chí Minh thành một câu nói ngắn gọn là “Dân tộc - nhân văn - dân chủ - sáng tạo”. Tính đúng đắn của triết lý giáo dục đó được thể hiện bằng “sản phẩm người” - những con người đã làm nên bao kỳ tích của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Phần 2: Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh và quan niệm giáo dục hiện đại ngày nay.

PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm