Triết lý giáo dục - Ngôn từ đẹp nhưng khó như “chim chích vào rừng rậm”

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội nhận xét triết lý giáo dục “triết tự” được từ những ngôn từ đúng, hay, đẹp thì thấy việc cụ thể hoá thành chương trình giáo dục sẽ khó như “chim chích vào rừng rậm”. Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định đã lập nhóm nghiên cứu quốc gia về triết lý giáo dục

Đại biểu Phạm Trí Thức mong các giáo sư, chuyên gia giáo dục đúc kết một triết lý cho giáo dục Việt Nam
Đại biểu Phạm Trí Thức mong các giáo sư, chuyên gia giáo dục đúc kết một triết lý cho giáo dục Việt Nam

Phát biểu góp ý sửa luật Giáo dục, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hoá) đề cập, xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam, như đọc trong mục tiêu giáo dục trong dự thảo luật thì thấy… hoang mang.

“Tôi thấy mục tiêu dành cho cả bậc mầm non, phổ thông, đại học đều chung những ngôn từ đúng, hay đẹp nhưng tôi lo khi đưa vào cuộc sống để cụ thể hoá thành phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục thì sẽ như “chim chích vào rừng rậm”, rất khó” – ông Thức dẫn chứng một loạt những điều luật chứa nhưng ngôn từ hay, đẹp đó, như “phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe”, “trí tuệ, thẩm mĩ”, “đạp đức, trí thuệ, thể chất và thẩm mĩ”… Như vậy, không biết “trí tuệ”” với “tri thức”, “thể chất” và “sức khoẻ” khác nhau chỗ nào, cần cụ thể hoá ra sao.

Ông Thức khuyến cáo, ban soạn thảo luật cần nghiên cứu lại triết lý giáo dục để đảm bảo tính thời đại, hiện đại mà giữ được truyền thống văn hóa dân tộc.

Đại biểu dẫn lại lời Bác Hồ, vun trồng con người với 4 đức nhân, trí, dũng, liêm và “để làm người, làm cán bộ, học để phụng sự nhân dân, tổ quốc”. Đại biểu cũng so sánh triết lý của UNESCO đề ra 4 trụ cột “học để làm” (learning to do), “học để cùng chung sống” (learning to live together), “học để làm người” (learning to be), “học để sáng tạo” (learing to clever create). Ông tha thiết đề nghị các giáo sư, nhà giáo dục đưa ra một triết lý giáo dục cho dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia về triết lý giáo dục
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia về triết lý giáo dục

Báo cáo thêm về vấn đề này, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định đây là vấn đề lớn, cần nghiên cứu thấu đáo để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Việc này cũng liên quan đến quan điểm, từ nhiều nội dung, khía cạnh khác nhau để thể hiện triết lý giáo dục.

“Chúng tôi đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo ra một sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây” – ông Nhạ nhấn mạnh.

Học phí: Dồn hết chi phí cho dân có hợp lý?

Một nội dung khác nhận nhiều tranh luận tại phiên thảo luận là về quy định mức thu học phí được xác định theo lộ trình, tính đúng, tính đủ, chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo do Chính phủ quy định; chi phí của dịch vụ đào tạo bao gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định, phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục đào tạo (Điều 97).

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đặt câu hỏi, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục (tối thiểu 20% tổng chi ngân sách) là tiền thuế của dân, luật lại dồn hết các khoản chi phí tiền lương, chi phí quản lý và các chi phí khác vào học phí tức là tiền túi của người dân thì có hợp lý không, nhất là tình trạng lạm thu trong một số nhà trường còn rất phổ biến?

Theo đại biểu, với đa số các bậc phụ huynh, khái niệm học phí ngày càng không còn ý nghĩa bởi sự tồn tại của một khái niệm rất ám ảnh, đó là tiền trường, cùng với vô vàn biến tướng về các khoản thu nép trong danh nghĩa tự nguyện, phí bổ trợ, phí nâng cao, nâng cấp cơ sở vật chất...

“Đa số cha mẹ học sinh luôn vào thế cực chẳng đã, gồng mình lo tiền trường. Do vậy, để có sự cân bằng, hợp lý, tôi đề nghị luật hóa thêm một số nguyên tắc xác định học phí. Đó là, mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và khả năng đóng góp thực tế của người dân. Như vậy, cử tri cũng sẽ yên tâm hơn về khuôn khổ của lộ trình tính đúng, tính đủ học phí và Chính phủ cũng có cơ sở quy định chi tiết” - bà Hiền góp ý.

P.Thảo