Tri thức trẻ vì giáo dục 2017: Chú trọng tìm kiếm các ý tưởng mới cho ngành giáo dục
Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017 (do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT phối hợp với Tập đoàn Thiên Long, báo Tuổi Trẻ tổ chức) kỳ vọng sẽ tìm ra nhiều ý tưởng mới đóng góp cho ngành giáo dục từ những người trẻ.
Tri thức trẻ vì giáo dục là cuộc thi dành cho trí thức trẻ là công dân Việt Nam dưới 35 tuổi đang sinh sống trong và ngoài nước. Cuộc thi khuyến khích người trẻ đóng góp cho ngành giáo dục ở ba nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Dựa trên hai tiêu chí tính mới và tính khả thi, chương trình sẽ chọn ra tối đa 05 công trình xuất sắc nhất nhất, trị giá 100 triệu đồng/công trình.
Đại diện ban tổ chức cuộc thi, ông Nguyễn Minh Triết - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chia sẻ rõ hơn về tiêu chí của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2017..
Ông có thể chia sẻ tại sao chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” lại đề cao tính mới của các công trình dự thi?
Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Tuổi trẻ và Tập đoàn Thiên Long triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam. Theo đó, với các công trình, sáng kiến có tính mới chúng tôi kỳ vọng sẽ có khả năng tạo nên những bước chuyển mới, sự thay đổi tích cực, cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học. Tính mới ở đây không có nghĩa là một sản phẩm mới hoàn toàn, mà có thể là sản phẩm cải tiến dựa trên các phương pháp, dụng cụ đã có, vốn tồn tại những hạn chế, tính hiệu quả thấp.
Đăc biệt chúng tôi cũng hoan nghênh các công trình, sáng kiến mới đã áp dụng thí điểm trong thực tế, qua đó giúp chúng tôi đánh giá thêm về tính khả thi, nhân rộng của công trình, sáng kiến. Tuy nhiên, với các công trình, sáng kiến đã được cá nhân, tổ chức công khai trên phạm vi rộng như quốc gia, quốc tế thì không nằm trong đối tượng được xét chọn giải thưởng. Để làm rõ hơn nữa thì tính mới ở đây còn lưu ý tác giả khi tham gia chương trình phải đảm bảo không vi phạm quyền tác giả. Tính mới ở đây còn thể hiện ở mức độ khả thi của dự án.
Những công trình dự thi đã đạt giải thưởng ở cấp trường, cấp tỉnh, có được xem là đã vi phạm tính mới không? Vì sao, thưa ông?
Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” là một chương trình dành cho trí trức trẻ không chỉ ở trong mà ngoài nước, với phạm vi rộng như vậy các công trình, sáng kiến đã đạt giải thưởng ở phạm vi quốc gia, quốc tế được xem là vi phạm tính mới vì sự phổ biến của nó. Tuy nhiên, ở phạm vi cấp tỉnh hay nhỏ hơn, thường ít được phổ biến, hơn nữa nó có khả năng là nơi thực nghiệm cho tính mới của công trình, sáng kiến trước khi quyết định có nhân rộng được hay không, nên ở các cấp này sẽ được chấp nhận. Tất nhiên, với các giải cao như giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh thì sẽ không được xét chọn do đã được khen thưởng.
Ngoài ra, các công trình đã xuất bản thành sách bởi các nhà xuất bản, được bán ở các nhà sách, hoặc đã nhượng quyền xuất bản thì không hợp lệ.
Ngoài tính mới, một tiêu chí quan trọng khác của chương trình là tính khả thi (tức là khả năng ứng dụng và nhân rộng trong thực tế của công trình). Vậy việc hỗ trợ các công trình đạt giải thưởng cao trong năm 2016 đang diễn ra như thế nào?
Với cam kết của các bên tổ chức từ khi nung nấu ý tưởng cho đến khi bắt tay vào thực hiện chương trình, các công trình đạt giải công trình, sáng kiến tiêu biểu đã được chúng tôi hỗ trợ. Cụ thể: Đối với công trình sách giáo dục giới tính dành cho các bậc học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của tác giả Lê Thị Bé Nhung ở Bến Tre đã được chúng tôi kết nối với nhà xuất bản Trẻ để xuất bản thành sách, trước mắt sẽ xuất bản một số lượng nhỏ để tặng miễn phí và thăm dò nhu cầu, sau đó có thể sẽ sản xuất thương mại, dự kiến cuối năm 2017 tập sách gồm 3 cuốn sẽ được xuất bản.
Còn đối với bộ thí nghiệm vật lý gồm 10 thiết bị của thầy giáo Nguyễn Quốc Huy (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thì chúng tôi cũng đã kết nối với một doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị, dụng cụ trường học để đo đạc, sản xuất vật mẫu. Tuy nhiên, việc có thể đưa vào sản xuất hàng loạt hay không sẽ do hai bên thống nhất với nhau sau khi đạt được những thỏa thuận phù hợp.
Ngày 10/10/2017, hết hạn nộp hồ sơ dự thi “Tri thức trẻ vì giáo dục 2017”
Thời hạn nộp bài dự thi chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017 kéo dài đến hết ngày 10/10/2017.
Dự kiến, vào đầu tháng 11/2017 tại Hà Nội, ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục sẽ lựa chọn 12 - 15 công trình, sáng kiến vào vòng Chung khảo.
Kết quả chung cuộc sẽ được quyết định bởi ban giám khảo uy tín gồm:
- TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
- GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông
- TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
- PGS.TS Trần Quang Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
- PGS.TS. Phạm Đức Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục phổ thông, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021.