Trên đất Mỹ: Sốc văn hóa và phép thử so sánh
(Dân trí) - Người Việt mình đi lỡ có hơi gần nhau chút không sao. Người Mỹ giữ khoảng cách và sự riêng tư, nếu mình vô tình đi vào vùng cá nhân của họ thì phải nói xin lỗi hoặc xin phép, nếu không họ sẽ nhìn mình như... người ngoài hành tinh.
Là một du học sinh bậc thạc sĩ ngành Giáo dục ở trường ĐH California State University, Hoa Kỳ, cô gái Việt Chi Phan có bài viết chia sẻ góc nhìn về một số khác biệt, dễ gây sốc văn hoá cho các bạn du học sinh Việt Nam thời gian đầu đến Mỹ học tập, sinh sống:
Cách giao tiếp:
1. Người Việt mình không quen cảm ơn, ngượng miệng xin lỗi; người khác cảm ơn/ xin lỗi thì hay im lặng chứ không phản hồi/ tha thứ (như nói "không có gì", "không sao đâu"). Người Mỹ thì câu cửa miệng là cảm ơn, xin lỗi, không sao đâu, khỏe không v.v (nói vậy chứ nghĩ vậy không thì chưa chắc).
2. Người Việt mình nói vòng vo, ẩn ý, khách sáo; giải thích lòng vòng cuối câu quên chốt là có hay không. Người Mỹ nói thẳng, Yes or No trả lời trước rồi giải thích sau.
3. Người Việt mình hay hỏi/ quan tâm mấy chuyện cá nhân, hỏi không trả lời là giận, hay bắt ép người ta. Người Mỹ không hỏi trừ khi mình tự muốn nói, hỏi câu vô duyên thì từ chối trả lời.
4. Người Việt mình hay xem mình cao hơn người khác khi tranh luận. Người Mỹ tranh luận bình đẳng.
Khoảng cách cá nhân:
5. Người Việt mình đi lỡ có hơi gần nhau chút không sao. Người Mỹ giữ khoảng cách và sự riêng tư, nếu mình vô tình đi vào vùng cá nhân của họ thì phải nói "sorry", "excuse me" xin phép. Nếu không họ sẽ nhìn mình như người ngoài hành tinh.
6. Người Việt mình có thói quen ăn uống chung đụng thoải mái. Người Mỹ vợ chồng đôi khi cũng không ăn chung một dĩa; chai hay ly uống nước họ hay làm dấu riêng để đừng ai đụng vào.
Suy nghĩ và các mối quan hệ:
7. Người mình hay nhường nhịn sống cho người khác, có một chữ gọi là "hy sinh". Cha mẹ con cái anh em có cái gọi là tình nghĩa, hàng xóm láng giềng thì có văn hóa làng xã. Từ đó hay đỡ đần giúp đỡ nhau nhưng cũng hy vọng hoặc dựa dẫm đòi hỏi người khác.
Người Mỹ sống cho chính họ, suy nghĩ tự lập; nhưng vì thế đôi khi cũng rất cô đơn. Hàng xóm đôi khi không biết mặt nhau. Vợ chồng bồ bịch đôi khi còn có khoảng cách. Người già đôi khi nằm chết một mình.
8. Cha mẹ ở mình hay quản lý và muốn con theo ý mình. Con lo cho nó từ khi đẻ ra đến lúc mình nhắm mắt. Cha mẹ ở Mỹ tôn trọng quyền tự do cá nhân của con, mình nương theo nó chứ nó không theo mình. Con 18 tuổi là tự lo, cha mẹ không có trách nhiệm nữa, cha mẹ về già con cũng không có trách nhiệm lo. Không có chuyện làm dâu.
9. Vợ chồng bên mình ăn ở với nhau có chuyện trục trặc thì cũng thường ráng chịu đựng vì con, vì thể diện người ta nhìn vào.
Vợ chồng ở Mỹ không hạnh phúc nữa, hay yêu người khác: chia tay, có thể đối với nhau như bạn, chia sẻ trách nhiệm nuôi con. Không có hai chữ "chịu đựng".
Làm việc:
10. Ở mình làm việc làng nhàng, có giấc ngủ trưa. Ở Mỹ làm việc rất "hăng", nghỉ trưa ăn cơm được 15-30 phút là nhiều.
11. Ở mình nhiều quán nhậu và thú ăn chơi cho đàn ông, nhiều người chồng vì thế ít dành thời gian cho vợ con. Ở Mỹ tan sở hay cuối tuần là thời gian cho gia đình. Mấy chuyện bếp núc chợ búa đàn ông làm, thậm chí giỏi và thành thạo.
Tiền bạc:
12. Từ điều số 7 phát sinh chuyện người mình hay sống vì bề ngoài, hay đánh giá người khác và ngại bị người khác đánh giá. Người Mỹ không quan tâm bạn là con ông nào, xài điện thoại gì, đi xe gì; ra đường khó biết ai giàu nghèo. Đi làm công việc chân tay không bị khinh miệt nhiều như ở Việt Nam, bởi thời đi học ai cũng từng làm bồi bàn, giao báo - hết sức bình thường. Ở Mỹ người ta còn cày nhiều job (việc) cùng lúc để kiếm tiền trả hoá đơn hàng tháng.
13. Người mình hay lập lờ, cả nể chuyện tiền bạc. Người "giàu" nhất trả. Người Mỹ đi ăn có vụ "separate", "split bill" - ai ăn nấy trả. Hoặc bữa nay người này mời, bữa sau người kia mời lại - không ai muốn mắc nợ.
14. Ở mình vợ chồng xài tiền chung. Ở Mỹ hên xui đôi khi tiền ai nấy xài.
Tóm lại ở Mỹ theo chủ nghĩa cá nhân (individualism) và phấn đấu làm lụng. Ngược lại với bên mình quan niệm "mình vì mọi người", sống nhàn hạ ổn định.
Bởi vậy mấy bạn 18-19 tuổi bên Mỹ có khi còn trưởng thành và bản lĩnh hơn mấy bạn hăm mấy bên mình. Mà Mỹ là cái "nồi lẩu thập cẩm" nên cũng tuỳ nữa, người Mỹ suy nghĩ khác người Á nhiều.
Theo mình, không bên nào tốt hơn bên nào, mỗi xã hội đều có ưu khuyết điểm riêng, cũng không có nơi gọi là thiên đường. Người mình cho là Mỹ tốt, chứ người Mỹ lại cho Châu Âu mới thật sự tốt thì sao?
Thôi trước tiên cứ đi, để mở mang tầm mắt, ai có gì hay thì mình học hỏi.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Chi Phan
(Du học sinh bậc thạc sĩ tại California State University, Hoa Kỳ)