Quảng Trị:

Trên 80% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm, thu nhập ổn định

Đăng Đức

(Dân trí) - Trong 10 năm từ 2010-2020, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Quảng Trị đã góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo.

Ngày 25/12, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Đa dạng hình thức đào tạo, chú trọng thực hành

Qua 10 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" đã tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất cả về lượng và chất trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

Trên 80% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm, thu nhập ổn định - 1

UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen cho các cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác đào tạo nghề.

Tỉnh Quảng Trị đã đào tạo nghề cho trên 97.300 người; trong đó, lao động nông thôn chiếm gần 57.500 người (dạy nghề nông nghiệp 33.424 người; dạy nghề phi nông nghiệp 24.058 người).

Những ngành nghề được lựa chọn đào tạo chính tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dịch vụ mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống gồm: trồng nấm; trồng rừng kinh tế; chăn nuôi gà, lợn, thú y; sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật trồng rau an toàn; sửa chữa điện dân dụng...

Các hình thức đào tạo nghề được thực hiện đa dạng hóa như tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lưu động tại các thôn bản, tại các trang trại... 

Trong quá trình đào tạo, các lớp học luôn thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa việc học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ. Qua đó, giúp các học viên sau khi kết thúc khóa học có thể tự tạo việc làm, tăng thu nhập, thay đổi và nâng cao phương thức sản xuất truyền thống góp phần giảm nghèo bền vững.

Trong 10 năm, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả tốt góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 15,43% xuống 6,58% cuối năm 2020, bình quân giảm 1,77%/năm. 

Đặc biệt, có trên 80% lao động sau đào tạo sử dụng đúng nghề, áp dụng có hiệu quả các mô hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá và giàu. 

Trên 80% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm, thu nhập ổn định - 2

Mô hình trồng cam thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả 

Qua thực tiễn từ các lớp dạy nghề đã xuất hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như: trồng và chăm sóc cây ném trên cát ở các xã Hải Dương, Hải Ba, Hải Quế, Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng); chăm sóc các loại hoa ở xã Cam An (huyện Cam Lộ); trồng sắn tại các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa)... 

Đặc biệt, nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học được nhân rộng, như: kỹ thuật nuôi tôm, trồng nấm ở các xã ven biển; kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn, bò các vùng nông thôn; trồng cam K4 (huyện Hải Lăng); hồ tiêu Cùa của huyện Cam Lộ; dưa hấu Vĩnh Tú của huyện Vĩnh Linh; kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn... Qua đó, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập. 

Mục tiêu đào tạo nghề được đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 được xác định: Giai đoạn 2021- 2025, đào tạo nghề cho 40.000 lao động nông thôn. Phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75 - 80%. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85 - 90%. Đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong có 80 % lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

Trên 80% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm, thu nhập ổn định - 3

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong suốt 10 năm qua đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét, thực chất cả về lượng và chất trong phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo nghề nông thôn, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: gắn công tác đào tạo nghề với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với đào tạo nghề; thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo các ngành nghề nông nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGAP… gắn với việc triển khai chương trình OCOP của địa phương theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân…

Dịp này, UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm