Trẻ em học được gì ở Tết?
(Dân trí) - Tết không phải là một cuộc chơi/ Tết cũng không phải để nghỉ ngơi/Tết là lúc con học được nhiều nhất! Từ mẹ cha và ở cuộc đời.
Tôi viết những dòng này bày tỏ suy nghĩ của một người mẹ có hai con nhỏ, một người đã được trưởng thành nhờ những dòng ký ức ngọt ngào và sống động mà mình đã được trải qua ở những năm tháng tuổi thơ.
Bây giờ, là một người mẹ, một người thầy, tôi thấy chẳng có gì quan trọng hơn đối với bản thân mình bằng sự trưởng thành của con cái, của học trò mà tôi luôn hỏi: tôi có thể làm gì cho chúng?
Hôm trước, tôi có đọc được một bức thư được lan truyền trên mạng xã hội. Bức thư đó của một đứa trẻ, em nói rằng em ghét Tết. Em ghét cả món ăn truyền thống, vì em thấy sự vất vả của mẹ để nấu những món ăn đó. Với em, trong ngày Tết, sẽ chẳng có niềm vui vì mẹ vất vả nhiều quá. Tôi đã rất xúc động vì bức thư đó.
Lúc tôi đọc bức thư, trong đầu tôi lại vang lên những câu thơ của bài “Hạt gạo làng ta”, câu thơ như được đọc bởi một cậu bé.Cậu ấy nâng niu bát cơm, vì biết rằng, có bao nhiêu giọt mồ hôi của mẹ đã rơi xuống, để có hạt gạo trắng ngần, để thấy cả những thứ khó nhọc, đậu được thành một hạt gạo bé nhỏ, dù rằng giá trị vật chất chẳng đáng là bao.
Rồi tôi nhớ đến Tết của tôi. Những năm giữa thập kỷ 80 cho đến thập kỷ 90, tôi, cô bé lên năm, lên 10, … năm nào cũng nhìn đôi bàn tay mẹ đỏ ửng để rửa lá, rồi thấp thỏm thức từ 4h00 sáng cùng mẹ nhóm lò bánh chưng. Rồi ngồi sau xe đạp của bố, của mẹ đi biếu những chiếc bánh gai. Nồi thịt đông của mẹ được nấu cầu kỳ, thơm phức của thịt gà, của móng giò, … Sự thô sơ thời ấy khiến mẹ tôi vất vả, cả nhà tôi vất vả. Mẹ và Bố luôn làm trước mặt chúng tôi, làm cùng chúng tôi. Vừa làm, chúng tôi vừa nói chuyện.
Những ngày gần Tết là những ngày ấm cúng vô cùng, dù có năm trời lạnh đến phát cước. Tôi, đứa trẻ đó đã học được cách nấu ăn, đã biết được các mối quan hệ họ hàng, trên dưới, đã học được cách bền bỉ, đã học được cách bày tỏ tình cảm, trách nhiệm của mình trong những ngày được nhìn thấy, được chia sẻ cùng sự vất vả của mẹ.
Rồi đến ngày Tết thật sự. Tôi luôn cho đó lúc ăn bữa cơm chiều 30. Mọi bữa cơm khác phải tính đến thời gian (vì chúng tôi còn phải học, phải làm thêm vào những ngày thường), nhưng bữa cơm chiều 30 thì luôn thú vị. Bố mẹ không thúc giục mà cùng chúng tôi “lề mề”. Bố tổng kết lại một năm của cả nhà. Bố cho chúng tôi nói về một năm của mình. Cho đến khi giao thừa, cả nhà vẫn ngồi bên nhau.
Khi tôi lớn lên, tôi đi học, tôi đi làm, tôi đi trải nghiệm ở cuộc đời, tôi bỗng nghiệm ra rằng, thật may, lúc tôi còn nhỏ xíu đã được đón những cái tết như thế, để được cảm nhận và được học từ Tết. Chứ đợi lớn lên như bây giờ, thế giới quá rộng, trách nhiệm cũng nhiều lên, chẳng có cơ hội cho tôi được học như thế. Tôi thấy thật may, là tuổi thơ đã học được bao điều từ Tết.
Tết là lúc bố mẹ dạy tôi về phong tục, tập quán.
Mỗi năm đều những thói quen, những cách cư xử đều được nhắc lại, để tôi được trải nghiệm.Tôi nhớ cảm giác run run khi biết mình lỡ làm sai mà có thể bị “dông” cả năm. Trái tim non nớt của tôi đập thình thịch, tay toát mồ hồi, đêm cũng trăn trở đến phải ôm chị thật chặt để hỏi, mà lúc đó, thế nào tôi chỉ sợ cái “dông” của mình lây cho cả nhà.
Bố tôi bảo, như thế là con đã biết đến “trách nhiệm”, đến “tôn trọng”. Ai không biết sợ khi không tôn trọng những thứ vô hình thì sau này sẽ làm sai nhiều. Sự tôn trọng chính là tuân thủ những quy định chung, những gì tốt đẹp có thể dành cho người khác, cho người khác có cơ hội vui vẻ, hạnh phúc.
Ngày Tết là lúc bố mẹ rèn cho chúng tôi thái độ sống. Dù mấy chị em muốn cãi nhau cũng kìm lại được. Vì ngày Tết nói to tiếng là không hay. Có lúc tôi bảo điều đó là hình thức, nếu không vui thì gọi gì là Tết. Mà giữ ấm ức trong lòng thì cũng làm sao vui được.
Nhưng lúc lớn lên rồi, tôi càng thấm thía rằng, lúc cần nhịn mà không nhịn được, thì cũng chẳng giải quyết được điều gì. Thái độ giữ gìn trong lời nói, trong cư xử, đợi đến khi biết mới dạy, mới rèn thì khó lắm. Nhưng cái hay hơn cả, là lũ trẻ không phải học thứ giáo điều. Mà chúng học qua cư xử của người lớn, của cha mẹ.
Lễ nghĩa không phải là sự trói buộc
Tôi luôn tâm niệm như thế. Nếu dạy con người, bắt con người tuân theo lễ nghĩa mà không thấu hiểu thì chỉ có tác dụng ngược. Có lẽ ngày càng nhiều người không tuân thủ, phản bác lễ nghĩa vì lễ nghĩa đã trở nên hình thức. Tết, tụi nhỏ học lễ nghĩa bằng sự thấu hiểu sẽ khiến chúng duy trì và nâng lễ nghĩa lên thành văn hóa của chúng.
Người lớn chúng ta cứ ngạc nhiên khi nước ngoài làm được những lễ nghi long trọng, những sự kiện tầm cỡ, … Đó đúng là sản phẩm của sáng tạo, nhưng sẽ không thể có nếu tuổi thơ của họ không được trải nghiệm những sự kiện, những nội dung làm tiền đề cho sự sáng tạo ấy.
Háo hức tạo ra Tết của mình
Khi người lớn nghĩ đến: Tết này Trẻ học được điều hay gì? Trẻ cần trải nghiệm gì ở Tết thì chúng ta sẽ hiểu được rằng: Sự ngại Tết của người lớn là trở ngại, và gia tăng sức ì trong tụi nhỏ và làm chúng thiệt thòi nếu không học được gì, trải nghiệm được gì ở Tết. Nếu vì tụi nhỏ, người lớn ngại gì tạo ra một Tết đặc biệt cho con mình. Thế nên, việc tôi làm được cho con mình đó là làm cho chúng có được sự háo hức và có sự chuẩn bị Tết của riêng mình.
Tôi thường gợi ý con xem có thể cùng bố mẹ làm gì để chuẩn bị Tết, chuẩn bị quà gì cho Ông Bà, cho những người xung quanh. Lúc cháu bi bô tập nói, tập hát đó là những bài ca xuân vui vẻ. Lúc 4,5 tuổi, cháu bắt đầu học cách làm bao lì xì, vẽ thiệp.
Năm trước, cháu tham gia gói bánh chưng ở trường, mang bánh về tặng ông bà, minh họa sách ở hội chợ và gấp tặng mọi người những ngôi sao bằng giấy.
Năm nay, các con tôi có thêm những ca khúc tiếng Anh, những vở kịch, các cháu cũng tập viết truyện (ngăn ngắn) để tặng ông bà và còn đi nhiều nơi cùng bố mẹ để tặng sách và tặng những ngôi sao may mắn được gập từ những mảnh ghép “toán học” và nghệ thuật Origami.
Tết là cuộc chơi thú vị nhất trong năm, nó mang đến sự hân hoan, mới mẻ cho trẻ trên nền tảng văn hóa truyền thống. Tết là trải nghiệm của cả gia đình, cùng nhau ấm cúng, hạnh phúc!
PGS. TS Chu Cẩm Thơ