Trẻ em được tiếp cận các dịch vụ giáo dục mầm non còn thấp
Về tỉ lệ trẻ em tiếp cận các dịch vụ giáo dục mầm non, trên toàn quốc chỉ có khoảng 15% trẻ 0-3 tuổi đi nhà trẻ (bao gồm các loại hình nhà trẻ và nhóm trẻ gia đình), 60% trẻ 3-5 tuổi đi mẫu giáo, hơn 2/3 trẻ em dưới 6 tuổi không tham gia các dịch vụ này.
Sáng nay 25/5, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tổ chức hội nghị công bố kết quả Dự án Tư vấn kỹ thuật Phát triển trẻ thơ trong các gia đình nghèo ở Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.
Đây là dự án nhằm tăng cường hiểu biết về nhu cầu của trẻ em nghèo tại Việt Nam và thúc đẩy chương trình Phát triển trẻ thơ (ECD) cho người nghèo. Cụ thể, dự án giúp đánh giá thực trạng tình hình trẻ thơ trong các gia đình nghèo; xác định đúng hoàn cảnh và các nhu cầu phát triển của trẻ em trên nhiều phương diện như: sức khỏe, dinh dưỡng, học tập, vui chơi giải trí…Từ đó, Dự án kiến nghị các giải pháp can thiệp trong xây dựng chiến lược phát triển trẻ thơ toàn diện đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.
Theo kết quả đánh giá ban đầu của dự án, công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em ở Việt Nam đã đạt được một số thành quả như: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng đáng kể khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu…Tuy nhiên, nhiều chỉ số sức khỏe của nhóm trẻ em nghèo vẫn ở mức đáng quan tâm.
Cụ thể, nếu như tỉ lệ suy dinh dưỡng cân nặng ở trẻ em của cả nước vào khoảng 26,6% (số liệu năm 2004) thì ở các vùng nghèo vẫn ở mức trên 40%; chất lượng các dịch vụ giáo dục mầm non còn thấp, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết trong chăm sóc trẻ thơ của các trường, lớp mẫu giáo, mầm non ở các vùng nông thôn, miền núi còn nghèo nàn.
Về tỉ lệ trẻ em tiếp cận các dịch vụ giáo dục mầm non, trên toàn quốc chỉ có khoảng 15% trẻ 0-3 tuổi đi nhà trẻ (bao gồm các loại hình nhà trẻ và nhóm trẻ gia đình), 60% trẻ 3-5 tuổi đi mẫu giáo, hơn 2/3 trẻ em dưới 6 tuổi không tham gia các dịch vụ này. Trẻ em nghèo đi học mầm non vẫn phải đóng học phí và các khoản đóng góp để nuôi dưỡng trẻ làm cho chi phí của việc gửi trẻ tăng, hạn chế sự tiếp cận của người nghèo; chưa có chính sách đủ mạnh để hỗ trợ về dinh dưỡng cho nhóm trẻ em nghèo, cả ở nhà và ở trường, để giúp các em phát triển toàn diện...
Sau khi đánh giá ở giai đoạn đầu, Dự án đã đưa ra bản dự thảo Chiến lược Phát triển trẻ thơ giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn 2020, gồm 6 phần: Thực trạng tình hình phát triển trẻ thơ, các quan điểm và định hướng chính, mục tiêu chiến lược, các giải pháp chính, tổ chức thực hiện chiến lược, kết quả mong đợi và dự báo hiệu quả kinh tế của việc thực thi chiến lược Phát triển trẻ thơ.
Theo N.H
Hà Nội Mới