Trào lưu tiếng lóng, ngôn từ tự chế của Gen Z - Hiểu sao cho đúng?

Mỹ Hà

(Dân trí) - Tiếng lóng không hoàn toàn tốt hay xấu. Nếu biết tiết chế, tiếng lóng giúp giao tiếp bớt tẻ nhạt nhưng nếu lạm dụng và sử dụng tiếng lóng sai hoàn cảnh, sẽ trở nên lố lăng, khó kiểm soát.

Thông tin trên do TS Mouk Khemdy, Trường Đại học Ngôn ngữ, Đại học Quốc gia Lào, đưa ra tại hội thảo quốc tế "Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam - Hội nhập và Phát triển", do hai trường ĐH Hà Nội và Đại học Quốc gia Lào tổ chức ngày 30/10 tại Hà Nội.

"Trẹo lưỡi" với ngôn ngữ tự chế

Cách đây không lâu, báo Dân trí đã đưa ra chủ đề tiếng lóng và ngôn ngữ "tự chế" đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

"Hong bé ơi. Em không follow anh mà em xin in tư của anh", đây là đoạn bình luận vô tình của một Gen Z (bạn trẻ sinh từ năm 1997 đến 2012) trên mạng xã hội.

Nguyên văn của câu này: "Không bé ơi, em không theo dõi anh mà em xin "in4"- viết tắt của info hay information, có nghĩa là thông tin cá nhân.

Có thể thấy, từ một câu thông thường, giới trẻ đã dùng tiếng lóng biến thành câu khác, trở thành trào lưu mới trên mạng xã hội.

Trào lưu tiếng lóng, ngôn từ tự chế của Gen Z - Hiểu sao cho đúng? - 1

"Hong bé ơi" được cư dân mạng sử dụng rộng rãi như một câu nói từ chối đầy dễ thương (Ảnh: Tuệ Nhi)

Hoặc một đoạn hội thoại của hai sinh viên như sau: "Khum bit nữa, hum nay kao bỗng nhiên thít mặc kỉu bánh bèo"- dịch nghĩa: "Không biết nữa, hôm nay tao bỗng nhiên thích mặc kiểu bánh bèo (tức yểu điệu)"….

Những cụm từ "tự chế" trên đây ngày càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống. Theo TS Mouk Khemdy, các cụm từ tiếng lóng ngày càng trở nên phổ biến thông qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, ... bằng việc kết hợp nhiều ký tự, ngôn ngữ, biểu tượng hay pha tạp với các loại ngôn ngữ khác nhau, không theo bất kỳ quy tắc nào.

Tiếng lóng trong giới trẻ đang trở thành chủ đề tranh cãi bởi ngày càng nhiều người lạm dụng trong các văn bản hành chính, giao tiếp hay thậm chí là các kỳ thi của thế hệ trẻ.

Đặc biệt, tiếng lóng cũng được biến tấu bằng từ ngữ của người lớn nhằm qua mắt chính sách kiểm duyệt của các nền tảng mạng xã hội.

Theo nghiên cứu, khảo sát mà TS Mouk Khemdy đưa ra trong báo cáo "Tiếng lóng trên mạng xã hội Tik Tok và Facebook của giới trẻ Hà Nội hiện nay", giới trẻ Hà Nội sử dụng tiếng lóng rất nhiều trong giao tiếp hàng ngày.

Tiếng lóng không chỉ được dùng trong ngôn ngữ nói mà còn thể hiện cả trong ngôn ngữ viết, được sử dụng phổ biến trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Hai quá trình tạo nên tiếng lóng

Cũng theo TS Mouk Khemdy, có nhiều cách tạo ra từ lóng khi sử dụng giao tiếp trên Tik Tok và Facebook.

Theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia này, hệ thống tạo từ lóng của giới trẻ Hà Nội được chia thành 2 quá trình chính: quá trình tạo từ lóng bằng cách ghép từ và quá trình tạo từ lóng bằng các tính năng đặc biệt khác.

Quá trình này có thể chia thành các loại: sử dụng từ lóng qua việc thay đổi chính tả, sử dụng tiếng lóng cử chỉ, sử dụng các từ bắt chước âm thanh tự nhiên và sử dụng ký hiệu và con số của việc sử dụng tiếng lóng trong giới trẻ hiện nay.

Chẳng hạn: "Bánh bèo" là tiếng lóng nhờ việc ghép từ; "Oppa", tiếng lóng nhờ việc vay mượn từ tiếng nước ngoài; "của kao", lóng bằng cách thay đổi phụ âm cuối; "Cảm ơn rất nhìu", lóng bằng cách thay đổi nguyên âm…

"Tiếng lóng không phải hoàn toàn tốt cũng không hoàn toàn xấu. Nếu sử dụng đúng mục đích, tiết chế, tiếng lóng phần nào giúp việc giao tiếp trở nên bớt tẻ nhạt hơn.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng và sử dụng sai hoàn cảnh sẽ khiến tiếng lóng trở nên lố lăng, tùy tiện, khó kiểm soát.

Vì vậy tôi cho rằng, cần định hướng giới trẻ giao tiếp theo chiều hướng tích cực, đúng cách, đúng nơi và đúng chuẩn. Có như vậy kho tàng ngôn ngữ của Việt Nam sẽ ngày càng phong phú và giàu đẹp hơn", TS Mouk Khemdy nói.

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: Tiếng Việt trong quá trình hội nhập và phát triển; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển; Giao thoa ngôn ngữ - văn hóa giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ khác; Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ truyền thống và hiện đại; Biên soạn học liệu, giáo trình giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ; Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam; Đào tạo biên - phiên dịch.

Theo TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, trong thời kỳ hội nhập, Tiếng Việt đồng thời là công cụ quan trọng để giao tiếp, đối thoại văn hóa để đi vào chiều sâu văn hóa Việt. 

"Đây không chỉ là dịp kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế mà còn lan tỏa, truyền cảm hứng, cùng nhau xây dựng cộng đồng các nhà nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam trong khu vực và trên thế giới", TS Minh nói. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm