Trao giải thưởng WISE 2011 cho nhà cải cách giáo dục Bangladesh
Giải thưởng toàn cầu Sáng kiến đổi mới giáo dục (WISE) do Quỹ Qatar về giáo dục, văn hóa và phát triển cộng đồng tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến giáo dục toàn cầu.
"Trong bốn thập kỷ làm việc với tổ chức Ủy ban cải tiến nông thôn Bangladesh, tôi nhận ra rằng giáo dục là chất xúc tác cơ bản cho sự thay đổi. Tôi theo đuổi lý tưởng về một thế giới không có bất kỳ hình thức bóc lột và phân biệt đối xử nào. Và giáo dục là câu trả lời cho tôi". Đó là phát biểu của ông Fazle Hasan Abed, người đầu tiên vinh dự được nhận giải thưởng giáo dục toàn cầu danh giá WISE 2011 vừa diễn ra tại Doha, Qatar từ ngày 1/11 đến ngày 3/11 vừa qua.
40 năm bền bỉ cho sự nghiệp cải tiến giáo dục
Fazle Hasan Abed sinh năm 1936, học trung học ở Dhaka và sau đó theo học tại Đại học Glasgow. Ông đã được đào tạo chuyên ngành kế toán quản lý tại London và cuối cùng trở lại quê hương mình quản lý bộ phận tài chính của công ty dầu khí Shell. Trong cuộc chiến tranh Bangladesh giành độc lập từ Pakistan năm 1971, ông trở lại Anh và đã vận động gây quỹ cho cuộc đấu tranh của đất nước ông. Sau cuộc xung đột, đất nước ông chỉ còn lại một đống đổ nát.
Hội nghị WISE 2011 diễn ra ở Doha, Qatar từ ngày 1/11 đến ngày 3/11 với sự tham dự của hơn 1.300 đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới.
Vào năm 1972, sử dụng tiền tiết kiệm riêng của mình, Abed sáng lập tổ chức Ủy ban cải tiến nông thôn Bangladesh (BRAC) để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân chủ nghĩa nhân đạo xảy ra sau cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ Pakistan. Ông đã phát động một chiến dịch bền bỉ để cải thiện cuộc sống bằng cách giáo dục người nghèo ở nông thôn. Sau hơn bốn thập kỷ, ông đã xây dựng nên một tổ chức phi chính phủ lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới với 120.000 nhân viên dựa trên dựa trên nguyên tắc trao quyền cho người dân để tự do phát triển cá nhân, để quản lý phúc lợi của gia đình và đóng góp cho xã hội.
Dưới sự hướng dẫn của Abed, BRAC đã áp dụng nguyên tắc tự hỗ trợ thông qua giáo dục cho một loạt các lĩnh vực phát triển, bao gồm chăm sóc sức khỏe thiết yếu, hỗ trợ nông nghiệp, nhân quyền và các dịch vụ pháp lý, cũng như tài chính vi mô và phát triển doanh nghiệp. Để đạt được điều này, ông thành lập và nuôi dưỡng một mạng lưới quốc tế liên kết các cá nhân, tổ chức và cơ quan chính phủ. Tổ chức BRAC cũng là một trong những nhà cung cấp dịch vụ phi chính phủ về giáo dục lớn nhất trên thế giới, đóng góp trực tiếp cho giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cho hơn 10 triệu học sinh. Tổ chức tập trung vào việc mang giáo dục đến với trẻ em và thanh thiếu niên không có điều kiện tiếp cận hệ thống giáo dục truyền thống.
Hiện nay, khoảng 750.000 trẻ em trong đó 70% là nữ - được theo học tại 25.000 trường tiểu học BRAC ở Bangladesh. Tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn đáng kể so với hệ thống giáo dục tiểu học chính quy và hầu như tất cả trẻ em này đều tiếp tục học lên trung học. BRAC đã mở rộng ra giáo dục tiền tiểu học, sau tiểu học và giáo dục thường xuyên, và đã thành lập một trung tâm phát triển thanh thiếu niên cho trẻ em gái.
Hoạt động học tập và giảng dạy này đã tiếp cận gần 140 triệu người ở 10 nước châu Á, châu Phi và Trung Mỹ tại 11.000 trường học. Chỉ tính tại Afghanistan, BRAC đã thành lập hơn 4.000 trường tiểu học. Hơn 122.000 học sinh trong đó 84% là nữ - đã tốt nghiệp và hơn 125.000 em hiện đang theo học tiểu học.
Và giải thưởng WISE 2011 trị giá 500.000 đô la
Ông Fazle Hasan Abed, người sáng lập tổ chức BRAC được Hoàng thân Sheikh Hamad bin Khalifa Al-Thani, Amir của Qatar đã trao một huy chương vàng được thiết kế đặc biệt với từ “giáo dục” trong 50 ngôn ngữ khác nhau cho Abed tại Doha vào ngày 1/11 trước 1.300 đại biểu tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao “Giáo dục để đổi mới thế giới” lần thứ 3 cùng giải thưởng trị giá 500.000 đô la.
Ông Fazle Hasan Abed nhận giải nhất WISE 2011 từ quốc vương Qatar, Cheikh Hamad bin Khalifa Al-Thani.
Chủ tịch tổ chức WISE, Tiến sĩ Ali bin Abdulla Al-Thani, đã nhận xét: "Cuộc đời và sự nghiệp của Fazle Hasan Abed là hiện thân cho giá trị của WISE. Ông công nhận rằng giáo dục là hộ chiếu để giúp hòa nhập xã hội. Ông khám phá ra một công thức thành công, và ông đã tiếp thu và mở rộng nó - đầu tiên ở Bangladesh và sau đó là ở các nước khác. Như một hệ quả trực tiếp, hàng triệu người trên thế giới có được cuộc sống khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn và hữu ích hơn. Tầm nhìn, sự tháo vát và quyết tâm của ông là những thành phần quan trọng của quá trình đổi mới và ông là một tấm gương điển hình cho tất cả chúng ta, những người tin rằng giáo dục, chứ không phải bất cứ điều gì khác, quyết định số phận của cá nhân và xã hội. Hội đồng thẩm định nhất trí cho rằng ông đạt giải thưởng WISE là hoàn toàn xứng đáng.”
Giải thưởng toàn cầu Sáng kiến đổi mới giáo dục (WISE) do Quỹ Qatar về giáo dục, văn hóa và phát triển cộng đồng tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến giáo dục toàn cầu. Năm nay, giải thưởng WISE 2011 tiếp tục tôn vinh những sáng kiến đóng góp cho giáo dục và xã hội với chủ đề “Giáo dục để đổi mới” gồm: Đầu tư, đổi mới và bổ sung. Đây là một giải thưởng lớn để vinh danh những đóng góp nổi bật mang đẳng cấp thế giới cho giáo dục của một cá nhân hoặc một nhóm.
Đỗ Quyên