Tranh luận về đáp án 2 câu hỏi môn lịch sử, Bộ nói "sẽ trao đổi lại"

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà cho biết sẽ cập nhật thông tin này để trao đổi với ban ra đề.

Trả lời phóng viên Dân trí về đáp án gây tranh luận trong đề thi lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà cho biết "đây là lần đầu nghe thấy".

Ông Hà khẳng định sẽ cập nhật thông tin này cũng như mọi thông tin phản hồi liên quan về đề trong quá trình làm thi ở tất cả các môn thi, bài thi để trao đổi chuyên môn và có phương án thích hợp.

Tranh luận về đáp án 2 câu hỏi môn lịch sử, Bộ nói sẽ trao đổi lại - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Nam Anh).

Trước đó, phóng viên Dân trí đã tham vấn các giáo viên dạy lịch sử về đáp án câu hỏi số 40 mã đề 319.

Theo đó, các giáo viên được tham vấn đã chọn 2 đáp án khác nhau trong số 4 phương án trả lời của câu hỏi này. Mặc dù theo định dạng trắc nghiệm của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, chỉ có 1 đáp án đúng duy nhất.

Câu hỏi dẫn một đoạn trích trong sách mang tính nhận định như sau: "Cuộc đàm phán Paris là cuộc đấu tranh cực kỳ gay go, quyết liệt giữa ta (Việt Nam) và Mĩ… 

Phía Mĩ phản ứng quyết liệt. Họ buộc phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mĩ về nước, nhưng vẫn ngoan cố đẩy mạnh chiến tranh "Việt Nam hóa", thương lượng trên thế mạnh…

Bị thất bại thảm hại trong cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B.52 cuối năm 1972, âm mưu đàm phán trên thế mạnh của Mĩ bị phá sản, ý chí xâm lược của Mĩ bị bẻ gãy. 

Không còn con bài nào nữa để mặc cả, Mĩ buộc phải kí Hiệp định Paris, chấp nhận đơn phương rút hết quân Mĩ và quân các nước phụ thuộc về nước…"

Từ đoạn trích này, đề bài đặt ra câu hỏi: Việc Mĩ không thành công về "thương lượng trên thế mạnh", "bị thất bại thảm hại" trong cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng… cuối năm 1972, phải trở lại bàn đàm phán và kí Hiệp định Paris (1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chứng tỏ điều gì?

Có 4 phương án trả lời gồm:

A. Nước Mĩ đã suy yếu và không còn là cường quốc giàu mạnh nhất thế giới.

B. Sau những thất bại về quân sự, Mĩ đã từ bỏ các mục tiêu chiến lược ở Việt Nam.

C. Sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam trong việc "đánh và đàm" với Mĩ.

D. Những điều kiện, thời cơ tiến công chiến lược cho giải phóng miền Nam đã đến.

Cô Đinh Thị Trang Nhung - Trưởng Bộ môn lịch sử Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp - chọn đáp án C. Lý do cô chọn đáp án "sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam trong việc đánh và đàm" căn cứ trên dữ liệu đoạn trích của đề bài và loại trừ phương án không hợp lý.

Tuy nhiên cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo - Giáo viên lịch sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM - cho rằng B mới là đáp án đúng nhất.

Cô Thảo phân tích: Thí sinh sẽ phân vân giữa hai đáp án B  và C. Song, theo đề bài, chữ Mĩ nằm ở đầu câu hỏi "Việc Mĩ không thành công... chứng tỏ". Cùng với đó, toàn bộ nội dung đoạn trích đề cập phía Mĩ.

Do đó, giáo viên cho rằng nước Mĩ sẽ là đối tượng chính của câu hỏi và đáp án B với góc nhìn từ phía Mĩ sẽ là đáp án cuối cùng.

Một giáo viên dạy sử ở quận 3 TPHCM lại cùng quan điểm với cô Đinh Thị Trang Nhung rằng đáp án cần chọn ở câu 40 là C. 

Người này lý giải, nhìn từ đoạn tư liệu cho phía trên cho thấy nội dung nhấn mạnh đến yếu tố đàm phán. Với 4 phương án lựa chọn, chỉ phương án C là có nhắc tới yếu tố đàm phán mà những câu trả lời khác không có.

Do đó, giáo viên này chọn đáp án C.

Tranh luận về đáp án 2 câu hỏi môn lịch sử, Bộ nói sẽ trao đổi lại - 2

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).

Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, phóng viên đặt câu hỏi về vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT khi áp lực của những "nhân vật chính" của kỳ thi dường như không còn nữa do rất nhiều học sinh đã trúng tuyển sớm.

Vậy trong tương lai, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT có còn nhiều giá trị hay không?

Hồi đáp, ông Huỳnh Văn Chương nêu lại 3 mục tiêu của kỳ thi gồm: xét tốt nghiệp; đánh giá quá trình dạy và học trên diện rộng, từ đó có chiến lược cho từng vùng miền, đặc biệt các vùng miền khó khăn; xét tuyển đại học.

Tranh luận về đáp án 2 câu hỏi môn lịch sử, Bộ nói sẽ trao đổi lại - 3

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Chương khẳng định, tuy các trường tự chủ tuyển sinh, vẫn có 45-60% thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT cho xét tuyển đại học.

Theo định hướng, đề thi càng ngày càng có sự phân hóa cao. Các trường đại học tốp cao có thể sử dụng được kết quả kỳ thi này cho việc xét tuyển đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết sẽ yêu cầu các trường cao đẳng, đại học nghiên cứu tăng tỷ lệ xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm