Tranh luận đề Văn mở "nếu em ở trong nước sôi": Mục tiêu cuối cùng là gì?
(Dân trí) - Với sự thay đổi tích cực trong việc dạy và học môn Ngữ văn, vài năm trở lại đây, đội ngũ biên soạn đề thi đã rất "mạnh tay" trong việc đổi mới đề Văn trong nhiều kỳ thi.
Đề Văn mở, lạ: Kích thích sự sáng tạo của học sinh
Với sự thay đổi tích cực trong việc dạy và học môn Ngữ văn, vài năm trở lại đây, đội ngũ biên soạn đề thi đã rất "mạnh tay" trong việc đổi mới đề Văn trong nhiều kỳ thi.
Thay vì sử dụng những tư liệu quen thuộc có trong sách giáo khoa, nhiều thầy cô giáo đã chịu khó "cập nhật xu hướng", đưa những hiện tượng, sự kiện và nhân vật được các bạn học sinh quan tâm vào đề thi, bài giảng.
Mới đây, ở đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) năm học 2021-2022, có nội dung: Trong cuốn sách "Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng", Lu-Mannup đã chia sẻ: "Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu.
Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên. Sau khi đề thi được chia sẻ trên mạng xã hội, đề thi này đã tạo nên luồng tranh luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, đề thi tuyển sinh vào 10 của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chứa nhiều "sạn" bởi cách đặt vấn đề còn thiếu tính trong sáng và nông cạn. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, đề thi này lại là một đề mở đầy hấp dẫn, mang đậm tính nhân văn.
Hay như trong đề thi Văn, tỉnh Đắk Nông đã trích dẫn bài viết "Loài người có bớt ngạo mạn" của tác giả Sương Nguyệt Minh nhằm hướng học sinh đến tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng.
Trước đó, lời bài hát "Đi về nhà" của rapper Đen Vâu được đưa vào nội dung đề thi thử tốt nghiệp của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP.HCM) đã khiến các thích thú và giảm bớt áp lực trong thi cử.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết cho biết: "Xu hướng đề mở được thể hiện trong hầu hết các kiểu bài, từ câu hỏi Đọc hiểu, câu lệnh của Nghị luận xã hội hay Nghị luận văn học. Cụ thể, đề thường yêu cầu học trò tự chủ nêu những suy nghĩ, cảm xúc hoặc trình bày, lý giải quan niệm đánh giá độc lập của mình trước một vấn đề, một sự việc, hiện tượng, dù trong văn chương hay trong cuộc sống xã hội".
Là tổ trưởng tổ Văn của một trường THPT tại Hải Phòng, cô Phạm Thị Gấm cho biết, nhiều năm gần đây, cô và đồng nghiệp của mình rất tích cực trong việc đổi mới, hướng đề thi môn Ngữ văn theo hướng mở.
"Không đứng ngoài các vấn đề cuộc sống, đặc biệt là liên quan đến giới trẻ như tình yêu thương, sai lầm tuổi trẻ… khi ra đề, chúng tôi sẽ cố gắng chọn ra những dữ liệu giá trị, vừa mang tính thời sự, vừa đảm bảo yếu tố văn học. Ngoài ra, cách diễn đạt của đề cũng được trau chuốt, tỉ mỉ, sao cho các em học sinh cảm thấy dễ hiểu nhất" - cô Phạm Thị Gấm chia sẻ.
Cũng theo cô giáo viên này, việc ra đề thi môn Ngữ văn theo hướng mở, vừa "lạ" vừa đầy chất tư duy đã kích thích sự sáng tạo của học sinh.
Có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn, nhà giáo Khổng Hà cho rằng: "Khác với đề Văn truyền thống nặng nề về học thuộc, học tủ, đề Văn theo hướng mở sẽ tạo điều kiện cho học sinh được sáng tạo và độc lập trong tư duy. Đề không áp đặt quan điểm mà học sinh có thể tự chọn góc độ để bàn luận. Điều này còn giúp các em rèn luyện khả năng giải thích, chứng minh hay biện luận".
Đồng quan điểm, TS.Trịnh Thu Tuyết khẳng định, việc ra đề Ngữ văn theo hướng mở là một trong những cách phát huy tính độc lập, sáng tạo cho học trò khi học văn, làm văn, trả lại cho các em tình yêu với môn văn lâu nay dường như đã mai một.
Không nên lợi dụng tâm lý đám đông
Nhằm phát huy năng lực của người học, nhiều giáo viên đã bắt nhịp xu hướng xây dựng đề Văn theo hướng mở. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra muôn vàn khó khăn cho đội ngũ giáo viên khi phải tìm những hướng ra đề hay, vừa giúp phát huy tính sáng tạo của học trò, nhưng cũng phải đảm bảo tính giáo dục, thẩm mỹ.
Cô Nguyễn Hương Giang (giáo viên cấp 3 môn Ngữ văn) bày tỏ quan điểm: "Thật khó để đặt ra một quy chuẩn riêng. Tuy nhiên, theo tôi, một đề Văn chỉ thực sự hay và thu hút khi nội dung mà đề bài hướng tới phù hợp với năng lực của người học. Điều này yêu cầu người làm giáo dục phải thông hiểu cấu trúc của chương trình, xác định rõ mục tiêu của việc ra đề. Đặc biệt, nhà giáo không nên ra đề theo kiểu đánh đố, cần bám sát nhận thức và năng lực thực tế của học sinh".
Xu hướng đổi mới đề thi môn Ngữ văn theo hướng mở sẽ tạo ra nhiều khoảng trống thuận lợi để giáo viên có thể lựa chọn, đưa những vấn đề mang tính thời sự vào đề.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết, có một vấn đề đáng suy nghĩ khi dựa vào tinh thần ra đề mở, một số giáo viên đã lợi dụng tâm lý đám đông, bỏ qua những yêu cầu chuẩn mực của môi trường sư phạm về đạo đức, thẩm mỹ, để đưa vào đề những phát ngôn, ca từ, hiện tượng không đúng chuẩn mực. Điều này có thể tạo hứng thú cho một bộ phận học trò nhưng lại không mang giá trị định hướng cho xúc cảm thẩm mỹ, xúc cảm đạo đức…
"Tôi cho rằng những phát ngôn ít nhiều gợi sự phản cảm của một số cô gái, từ: "Không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" đến: "Tôi ước mơ có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền"… hoàn toàn có thể xuất hiện trong bài làm của học trò khi các em luận bàn về một vấn đề xã hội mang tính khái quát, ví dụ: quan niệm về văn hóa, về giá trị bản thân, về ước mơ, hoài bão, về đồng tiền… chứ tuyệt đối không thể trở thành bản thân đối tượng luận bàn, nhất là trong những đề thi mang quy mô của một tỉnh, thành phố" - TS.Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh.
Tương tự, cô giáo Khổng Hà cho biết, đề thi mở không có nghĩa là "nhắm mắt" chạy theo các vấn đề thời sự.
"Không thể cứ điều gì nóng, vấn đề nào nổi cộm là người làm đề nhắm mắt bê thẳng vào đề thi. Khi ra đề, thầy cô cần lựa chọn những con người, sự kiện hay hiện tượng mang tính nhân văn, giáo dục; tránh những điều tiêu cực".
Theo nhà giáo này, dẫu mục đích của người ra đề là thông qua một hiện tượng tiêu cực để cảnh báo, học sinh có thể rút ra bài học nhận thức về lối sống, cách hành xử nhưng điều này cũng được ví như "con dao hai lưỡi" đầy nguy hiểm. Bởi một khi đưa vào đề, những cái xấu sẽ có cơ hội được lan truyền, phát tán trong cộng đồng.
Học văn là để phục vụ cuộc sống
Theo TS.Trịnh Thu Tuyết, khi làm đề, đội ngũ biên soạn cần lưu tâm về các câu lệnh. Tiến sĩ phân tích: "Thậm chí ngay trong đề thi tốt nghiệp THPT, vẫn còn một số câu lệnh chứa đựng yếu tố định hướng nội dung khá rõ, khiến học trò không có lựa chọn độc lập khi buộc phải nghĩ/ cảm/ đánh giá theo hướng của câu lệnh.
Ví dụ câu lệnh bài Nghị luận văn học trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020: "Phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến được nhà thơ Tố Hữu thể hiện qua đoạn trích sau..." - nếu bớt đi từ "hùng tráng", có lẽ sẽ giúp học trò có một không gian rộng hơn cho những suy nghĩ, xúc cảm của mình".
Đưa ra một quan điểm khác, giáo viên Phạm Thị Gấm cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở đề thi mà còn ở cách đánh giá của giáo viên.
"Người dạy cần tôn trọng, chấp nhận tư duy, ý kiến của người học. Hãy nhìn nhận các luận điểm, cách lập luận của các em có chặt chẽ, phù hợp hay không chứ đừng nên nhìn nhận một cách nửa vời, khuôn mẫu".
Trước xu hướng ra đề thi theo hướng mở, cô Gấm cho biết, nhiều học sinh tỏ ra lo ngại bởi việc thể hiện suy nghĩ, quan điểm cá nhân sẽ khó hơn việc học thuộc những tác giả, tác phẩm…
"Cứ đi rồi sẽ tới, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua. Bên cạnh việc học kiến thức trong sách vở, các em học sinh hãy trau dồi hơn nữa những kỹ năng và trải nghiệm về cuộc sống. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các em trong quá trình làm bài; bởi văn học rất gần gũi với đời thường. Và mục tiêu cuối cùng của học văn là để phục vụ cuộc sống chứ không chỉ là trở thành nhà văn hay nhà thơ" - cô Phạm Thị Gấm nhắn nhủ.
Kiều Phương
Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi bài viết về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!