Tranh cãi quanh "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP vào đề thi Ngữ văn lớp 11

(Dân trí) - Đề thi Khảo sát chất lượng THPT Quốc gia lần 3 năm học 2016-2017 môn Ngữ Văn 11 của trường THPT chuyên Vĩnh Phúc vừa yêu cầu học sinh đưa ra thông điệp của bài hát “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP khiến nhiều người tranh cãi.

Đề thi trích dẫn một phần lời bài hát với câu hỏi liên quan phương thức biểu đạt của văn bản, tìm từ Hán Việt trong đoạn trích.

Ngoài ra, đề bài còn yêu cầu học sinh hiểu thế nào về hai câu "Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời / Ta lạc trôi giữa trời". Học sinh phải tìm ra thông điệp của đoạn trích này.

Cụ thể, phần đọc hiểu (3 điểm) nêu trích đoạn:

"Người theo hương hoa mây mù giăng lối
Làn sương khói phôi phai đưa bước ai xa rồi
Đơn côi mình ta vấn vương hồi ức trong men say chiều mưa buồn
Ngăn giọt lệ ngừng khiến khóe mi sầu bi
Đường xưa nơi cố nhân từ giã biệt li, cánh hoa rụng rơi
Phận duyên mong manh rẽ lối trong mơ ngày tương phùng.

Tiếng khóc cuốn theo làn gió bay
Thuyền ai qua sông lỡ quên vớt ánh trăng tàn nơi này
Trống vắng bóng ai dần hao gầy.
Lòng ta xin nguyện khắc ghi trong tim tình nồng mê say
Mặc cho tóc mây vương lên đôi môi cay
Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời
Ta lạc trôi giữa trời".

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích trên?

Câu 2: Chỉ ra các từ Hán Việt được sử dụng ở 6 dòng đầu của đoạn trích?

Câu 3. Theo anh, chị vì sao tác giả lại cho rằng: Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời / Ta lạc trôi giữa trời?

Câu 4: Thông điệp mà đoạn trên muốn gửi tới mọi người là gì?

Phần còn lại của đề thi là câu hỏi nghị luận xã hội và cảm nhận đoạn thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu.

Bài hát Lạc trôi được đưa vào đề thi
Bài hát "Lạc trôi" được đưa vào đề thi

Theo độc giả Trọng Thái (Hà Nội), môn Ngữ văn từ trước đến giờ luôn bị bó hẹp và giới hạn bởi những tác phẩm và kiến thức từ rất lâu, năm nào học đi học lại cũng chỉ có những tác phẩm như vậy. Do đó, đề văn như thế này mới chính là những luồng sáng mới cho văn học Việt Nam. Không những học sinh ban C mà ban A như mình còn thấy bị thu hút bởi những đề văn như vậy. Theo mình những đề văn như thế này, sẽ là "nam châm" để các bạn học sinh quay lại với văn học nhiều hơn, chứ không phải xu hướng chạy theo những môn tự nhiên như hiện giờ.

Độc giả Tùng Nguyễn (Hà Nam) cũng cho hay, quan điểm của mình là văn chương phải phục vụ cho đời sống. Thế thì có gì sai khi lấy những thứ trong đời sống ra để làm đề văn? “Một phần lý do mà học sinh ghét, lười học văn là vì những thứ có trong những bài văn trong sách giáo khoa quá xa so với thực tế mà họ biết”, độc này này nhận xét.

Tuy nhiên, một số người cho rằng, việc đưa một bài hát như “Lạc trôi” vào đề Văn khiến đề Văn ngày càng chạy theo trào lưu. Cái gì cũng nên có giới hạn. “Lạc trôi sử dụng từ ngữ hay có sức gợi tả. Nhưng về tầng ý nghĩa thì hầu như không có gì. Đem nó ra làm hình mẫu cho giáo dục là không tương xứng”, độc giả Ngọc Giàu (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Một học sinh trao đổi sau khi làm bài thi: “Ngồi mãi vẫn không đúc rút được thông điệp của bài hát, khổ thật”.

Được biết, bài hát “Lạc trôi” được phát hành đúng 0h ngày 1/1/2017. Chỉ sau gần 24 giờ, video đạt 4 triệu lượt xem trên kênh Youtube. Đến 4/1, Lạc trôi đạt 13,5 triệu lượt xem.

Trên bảng xếp hạng quốc tế những MV được xem nhiều nhất trong ngày phát hành đầu tiên của Youtube, "Lạc trôi" đứng vị trí thứ sáu, vượt mặt nhiều tên tuổi nổi tiếng như Ricky Martin, Bruno Mars, Justin Bieber... Trong danh sách 20 MV của bảng xếp hạng này, Sơn Tùng là cái tên duy nhất đại diện cho châu Á.

MV gây sốt vì nhiều lý do, trong đó có sức nóng từ bản thân cái tên Sơn Tùng M-TP.

Video “Lạc trôi” được xây dựng theo phong cách cổ trang. Bài hát kể về một ông vua dù đứng ở đỉnh cao quyền lực vẫn cô đơn vì không thể sở hữu một tình yêu đích thực. Ông ta che giấu con người của mình bằng vẻ ngoài lạnh lùng, bất cần.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm