Tranh cãi quanh câu hỏi "học làm sao để có lương khởi điểm 2.000 USD?"

(Dân trí) - Câu hỏi "Em phải học tập và làm việc như thế nào để có lương khởi điểm 2.000 đô la/tháng?" trở thành chủ đề tranh cãi trên mạng xã hội trong những ngày gần đây.

Trong buổi tọa đàm "Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin" diễn ra tại Học viện Kỹ thuật mật mã chiều ngày 29/11, sinh viên năm 3 ngành An toàn thông tin Phạm Thị Thanh đã đặt câu hỏi cho các nhà tuyển dụng: "Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/tháng?".


Sinh viên Phạm Thị Thanh đặt câu hỏi: Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/ tháng? (ảnh: Vietnamnet)

Sinh viên Phạm Thị Thanh đặt câu hỏi: "Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/ tháng?" (ảnh: Vietnamnet)

Câu hỏi này không chỉ “đốt nóng” bầu không khí hội trường buổi tọa đàm với nhiều tham luận mà còn trở thành chủ đề tranh cãi trên mạng xã hội trong những ngày gần đây.

Có vẻ như, câu hỏi của Thanh đã gợi lên một chủ đề rất được xã hội nói chung và người trẻ nói riêng quan tâm. Trên mạng xã hội, có người nói rằng sinh viên Phạm Thị Thanh là một điển hình của những thanh niên có tinh thần cầu tiến và tự tin.

Nhưng cũng có người cho rằng nữ sinh này quá tham vọng, thiếu thực tế. Lại có người thẳng tay “ném đá” Thanh rằng cô quá “ảo tưởng sức mạnh” bởi sinh viên mới ra trường có được mức lương 2.000 USD là quá xa vời.

Một trong những người ủng hộ sự tự tin của Thanh là chị Bạch Hoàn. Chị này chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Câu hỏi của Thanh khiến tôi nghĩ lại những tháng năm tuổi trẻ đời mình. Tôi là con nông dân, nhà nghèo.

Thời trẻ, tôi luôn đau đáu làm sao có được một chỗ làm tốt, thu nhập cao để chắt bóp gửi về quê cho bố mẹ. Lương cao, tôi nghĩ rằng đó là ước mơ chân chính của mọi người lao động trên thế giới này, chứ chẳng riêng tôi.

Tôi thực sự không thể nào hiểu nổi, tại sao người lớn lại cười cợt ước mơ chính đáng của một bạn trẻ.

Bạn trẻ này không hề hỏi rằng em phải xin việc ở đâu để có lượng 2.000 đô la Mỹ để bị người lớn mắng nhiếc là loại ảo tưởng, hoang tưởng, là loại chưa làm gì cho xã hội đã đòi hỏi... Bạn ấy hỏi nhà tuyển dụng chứ không nói về lý tưởng sống, các anh chị ạ. Các anh chị không có bản lĩnh đòi hỏi, tìm kiếm và nỗ lực thay đổi, thì cũng đừng vùi dập một que diêm vừa được quẹt lửa".

Một trong những bình luận về câu hỏi của sinh viên Phạm Thị Thanh nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Một trong những bình luận về câu hỏi của sinh viên Phạm Thị Thanh nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Thành viên Hoàng Anh bình luận: "Nhà tuyển dụng cần kinh nghiệm tích lũy dần chứ không cần một cô sinh viên mới ra trường toàn kiến thức trên giấy. Em ấy mang lại bao nhiêu lợi ích cho nơi làm việc để nhận lại 2.000 USD?".

Thành viên Phạm Bằng nói: "Cách tốt nhất là bạn ấy đi hỏi chủ doanh nghiệp sẽ sẵn sàng chi trả 2.000 USD cho một nhân viên cần có những tố chất, kỹ năng như thế nào? Xong trở thành người nhân viên có đủ tố chất, kiến thức, kỹ năng, thái độ đó là được. Muốn nhận được mức lương bao nhiêu thì tạo cho mình giá trị sử dụng xứng đáng với mức lương đó thôi. Không có gì là dễ dàng".

Thành viên Nguyễn Đức Anh cho rằng: "Giá của mỗi người là do tự họ đặt ra. Còn nếu họ không xứng đáng với giá đó thì họ sẽ bị đào thải và về với đúng giá trị thực của mình thôi".

Một người bạn của Thanh nói: “Đặt ra ước mơ của mình chằng có gì là sai. Mơ không mất tiền mà. Tại sao cứ xoay quanh con số 2.000 USD khởi điểm khi ra trường mà không tìm hiểu, bàn luận câu hỏi: Phải làm thế nào? Phải học ra sao? Đó mới là trọng tâm của câu hỏi mà.

Nếu biết được mình đang đứng ở đâu và cần phải làm gì đừng nói 2.000USD mà 10.000USD cũng có thể đạt được. Tự mình thấy xấu hổ vì không có ước mơ. Vì nếu có ước mơ sẽ có cố gắng để đạt được ước mơ của mình. Cố lên nhé. Rất nhiều ng ủng hộ Thanh. Bỏ ngoài tai những lời nói thiếu tôn trọng nhau đi”.

Chủ nhân của câu hỏi gây “sốt” là Phạm Thị Thanh tiếp nhận rất nhiều lời đáp của dư luận. Cô cảm ơn những ý kiến đóng góp và bày tỏ trên Facebook cá nhân: “Có rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng bên cạnh đó cũng không ít ý kiến đồng thuận, ủng hộ em. Bản thân em khi đưa ra câu hỏi này cũng đã suy nghĩ rất kỹ”.

M.C (tổng hợp)