Tranh cãi nảy lửa mô hình đại học phi lợi nhuận

(Dân trí) - Sáng ngày 22/8, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã tổ chức hội thảo Hội thảo điều lệ trường ĐH phi lợi nhuận, nhiều ý kiến phát biểu trái chiều về mô hình đại học phi lợi nhuận này.

Hai mô hình đại học phi lợi nhuận

Tại hội thảo, Ban tổ chức chưa đưa ra văn bản cụ thể nào nói về đại học phi lợi nhuận nhưng đưa ra Quy chế tổ chức hoạt động của Trường ĐH Phan Châu Trinh theo mô hình hoạt động không vì nhuận.

Theo mô hình không vì lợi nhuận này của ĐH Phan Châu Trinh (PCT) là nhà trường không phân phối nguồn thu và thặng dư đạt được trong quá trình hoạt động cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, mà sử dụng các quỹ này để tài trợ cho các mục tiêu của nhà trường hướng đến lợi ích người học và cộng đồng. Sở hữu tài sản chung hợp nhất được các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật. Tài sản chung hợp nhất của trường là tài sản không phân chia mà đại diện là Hội đồng quản trị quản lý, sử dụng định đoạt tài sản chung theo quy định.

Cũng theo mô hình này, trong Hội đồng Quản trị (HĐQT), các thành viên bên ngoài trường chiếm tỉ lệ không thấp hơn 51%; HĐQT không được kiêm nhiệm Hiệu trưởng, Hiệu phó, kế toán trưởng của nhà trường; trường thành lập Ban Kiểm soát giám sát hoạt động của nhà trường và chịu trách nhiệm trước cộng đồng, Hội đồng quản trị và cán bộ giáo viên nhưng ban kiểm soát này lại độc lập với HĐQT và ban giám hiệu nhà trường. Đối với nhà hiến tặng tài sản, tiền cho nhà trường thì thuộc quyền sở hữu của trường. Tài sản hiến tặng vĩnh viễn không hoàn lại. Đối với nhà tài trợ cho nhà trường vay trong thời gian nhất định không cần thế chấp tài sản…

Cùng mô hình trường không vì lợi nhuận, trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội lại hoạt động khác với mô hình của trường ĐH PCT.

GS Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ngay từ khi thành lập trường, chúng tôi đã xác định mục đích là không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, chúng tôi đã từ chối những khoản vốn góp lớn của các nhà đầu tư. Từ chối các khoản vốn góp lớn của các nhà đầu tư thì chỉ có cách ‘góp gió thành bão” dựa vào những khoản vốn góp nhỏ bé của các sáng lập viên, các cán bộ nhân viên và cộng tác viên của trường. Năm đầu tiên thành lập trường, tổng vốn góp chỉ đạt 500 triệu đồng, 5 năm sau với đạt 9 tỷ đồng. 10 năm sau mới đạt 20 tỷ đồng. Hiện nay, tổng số vốn góp của 820 cổ đông trong tường là 120 tỷ. Quỹ tích lũy không chia của trường tích tụ nhiều năm qua đến nay đạt 800 tỷ đồng. Quỹ này là tài sản của tập thể các cổ đông.

Không đồng tình với mô hình phi lợi nhuận của ĐH PCT, GS Phương cho rằng, không thể 51% cổ đông là người ngoài trường được như vậy, đã là trường đại học ở Việt Nam phải là trường có chủ. Nếu 51% cổ đông là người ngoài trường thì áp dụng hoạt động thế nào…?

Ông Phương tiếp tục bảo vệ mô hình trường phi lợi nhuận của mình, cho hay, ở trường tôi, có người góp 1 - 2 tỷ cũng hưởng lợi nhuận như người đóng góp 10 triệu đồng như vậy mới phi lợi nhuận được. Chứ không phải người nhiều tiền là làm chủ. Đây là một trò chơi phải sòng phẳng, ai muốn chơi thì vào. Nguyên tắc hoạt động là “mỗi cổ đông là một phiếu biểu quyết”, cho phép thực thi dân chủ đối với toàn thể cổ đông để từ đó bầu ra người có tâm, có tài vào các vị rí lãnh đạo của nhà trường. Bên cạnh đó, vì là trường phi lợi nhuận nên không phải nộp lợi nhuận cho ai và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước nên quy tích lũy không chia của trường ngày càng lớn mạnh cho phép tái đầu tư vào giáo dục.

Theo ông Phương, trường phi lợi nhuận, không có gì khác biệt lớn với trường công lập và ngoài công lập khác có lợi cho học trò, cho xã hội. Do đó, ông Phương đề nghị điều chỉnh lại quy chế của trường ĐH tư thục 2 điểm: 1. Nguyên tắc biểu quyết theo trọng lượng vốn chỉ nên áp dụng đối với loại trường do các nhà đầu tư lập ra; Đối với loại trường phi lợi nhuận như trường chúng tôi thì nguyên tắc “mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết” mới là thích hợp. 2, Hội đồng quản trị của trường đại học tư thục, ngoài chức năng HĐQT còn phải đảm nhiệm vai trò của Hội đồng trường vì vậy không nên khống chế số thành viên.

GS Trần Hồng Quân (
GS Trần Hồng Quân (bên phải): "Lẽ ra các chính sách ưu đãi đối với các trường phi lợi nhuận phải gần giống với trường công, nhưng chưa có điều đó".

Nhiều trường sẽ “chết” nếu không bảo vệ trường phi lợi nhuận

Ghen tỵ với trường của GS Trần Phương là không phải nộp thuế và được nhà nước cấp đất. Nhiều lãnh đạo trường khác cho rằng, họ không thể làm được điều này.

Ông Trương Quang Mùi, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đề nghị: “Cần phải có quy định phải rõ thế nào là phi lợi nhuận và thế nào là lợi nhuận. Khi quy định rõ rồi thì các trường tự khắc sẽ làm theo quy định”.

Đại diện trường ĐH Phương Đông đề nghị: “Bộ GD-ĐT nên có một chương trong Quy định nói về trường phi lợi nhuận”.

Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng: “Nếu Luật Giáo dục không có bảo vệ trường phi lợi nhuận thì nhiều trường đại học phát triển mạnh sẽ chết điển hình là trường ĐH Hoa Sen”.

Bà Phượng dẫn dụ, trường chúng tôi ra mục tiêu là không vì lợi nhuận. Khi thành lập trường, một công ty xin thành lập trường và xin miễn thuế hoạt động nhưng không được, trường vẫn hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận nên lỗ nhiều năm, may mà giám đốc Công ty là người tâm huyết với giáo dục. Tuy nhiên, khi trường gặp khó khăn thì TPHCM đứng ra bảo lãnh, sau đó trường nhận ủng hộ đóng góp từ phía Pháp và của lãnh đạo công ty nên mới hoạt động tốt.

Theo bà Phượng, theo như hoạt động hiện nay của nhiều trường ngoài công lập, tài sản sẽ có nguy cơ trở thành tài sản cá nhân nếu trường không chuyển sang hoạt động phi lợi nhuận. Bởi, hiện nay, người nhiều tiền thì được bỏ nhiều phiếu do dồn phiếu từ các cổ đông khác. Quyền lực của nhà đầu tư rất mạnh, nếu chúng ta không kiến quyết sửa sẽ mất nhiều thứ. Nếu không làm chặt, nhà đầu tư sẽ chuyển giá, lập ra công ty moi ruột từ trường đại học, họ lợi dụng trường đại học để xin đất, mua đất.

“Tôi tha thiết kiến nghị nhà nước nghiên cứu kỹ về mô hình trường phi lợi nhuận, có thể như mô hình của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Trường phi lợi nhuận hiện nay chưa ràng buộc chặt chẽ pháp lý. Do vậy, phải có những quy định rõ ràng về vốn sở hữu chung không chia. Phải cấm những trường từ phi lợi nhuận trở thành lợi nhuận trong quá trình phát triển của trường” - bà Phượng kiến nghị.

Các trường ngoài công lập cần nhìn lại mình

GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: “Các chính sách của nhà nước như thuế, đất đai đều hướng các trường hoạt động vì lợi nhuận, không có ưu đãi cho các trường hoạt động không vì lợi nhuận. Lẽ ra các chính sách ưu đãi đối với các trường phi lợi nhuận phải gần giống với trường công, nhưng chưa có điều đó”.

Ông Quân đề nghị, sắp tới cần gấp rút xây dựng hệ thống phân biệt các trường vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, kèm theo đó cần có hàng loạt chính sách của nhà nước để tương xứng với từng loại trường. Các trường thành lập vì lợi nhuận là không nên tồn tại, bởi loại hình trường đó có vai trò riêng của nó. Nhưng với các trường hoạt động không vì lợi nhuận là nguyện vọng của rất nhiều nhà giáo, những người tâm huyết làm giáo dục, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH vừa qua, Bộ GD-ĐT cho rằng: “Quy định hiện hành của các trường ĐH ngoài công lập phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trên thực tế hiện nay ở nước ta chưa có những mạnh thường quân hiến tặng tài sản để xây dựng các cơ sở giáo dục phi lợi nhuận. Cơ sở phi lợi nhuận theo đúng nghĩa là cơ sở giáo dục của xã hội tự sở hữu chính mình, không ai là chủ sở hữu. Vì tất cả lợi nhuận có được sẽ được tái đầu tư để phát triển trường. Mô hình như hiện nay khó thực hiện ở nước ta. Vì vậy Luật Giáo dục đại học xác định trường đại học tư thục không vì lợi nhuận khi không chia lợi nhuận nhưng không quá mức lãi của trái phiếu chính phủ. Nhà đầu tư vấn là chủ sở hữu của nhà trường. Khung pháp lý hiện nay đủ để các trường ngoài công lập hoạt động. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh khó khăn, mâu thuẫn nội bộ… những khó khăn này không phải lỗi ở cơ chế chính sách mà thuộc về điều kiện cụ thể của từng trường. Các trường cần nhìn lại mình, học tập kinh nghiệm của những trường cùng loại hình nhưng phát triển thành công ”.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm