Tranh cãi giải nhất viết thư UPU: Niềm tin là dưỡng chất nuôi dưỡng mơ ước
(Dân trí) - "Trong những tình huống bất định, hãy tin vào năng lực của trẻ. Niềm tin ấy là dưỡng chất để đứa trẻ tiếp tục mơ ước và hiện thực hóa những giấc mơ trong tương lai".
Trên đây là chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục- ĐHKH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) về những luồng ý kiến trái chiều liên quan đến bức thư đoạt giải nhất viết thư quốc tế UPU năm 2022 của em Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1, THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội).
Vượt qua gần 1 triệu bài thi, bức thư của Nguyễn Bình Nguyên giành giải nhất cuộc thi Viết thư quốc tế UPU 2022.
Với chủ đề "Viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu", Nguyễn Bình Nguyên lựa chọn ý tưởng hóa thân thành ngọn gió gửi thư cho nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Bức thư được dịch sang tiếng Pháp, gửi đi dự thi quốc tế.
Ngay sau khi bức thư đoạt giải, nhiều luồng ý kiến tranh cãi đã nổ ra trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, bức thư có giọng văn quá "già" so với tuổi. Liệu có thực sự do Nguyên viết hay người lớn "mớm lời"? Nào là bức thư có câu từ sáo rỗng, thiếu chân thành…
Và mới hôm qua thôi, khi chúng tôi liên lạc với mẹ bé, chị đã khóc bởi không thể tin, có nhiều lời lẽ cay nghiệt đang lan truyền trên mạng xã hội đến vậy.
Một Facebooker chia sẻ, các em cần thêm thời gian để hoàn thiện mình, đừng khen chê quá lời mà làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường đó.
Những người là "dân viết", hãy cứ tận hưởng thành quả của bản thân hiện thời nhưng cũng đừng khắt khe với người khác thái quá như vậy- nhất là với những mầm non mới nhú. Viết là tự do, hãy tôn trọng nhau", nữ Facebooker này viết!
Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, với vai trò là nhà tâm lý, anh thường sử dụng các trắc nghiệm trí tuệ để đánh giá nhận thức cho các bạn trẻ.
Và có một nguyên tắc để tiết kiệm thời gian: Nếu đứa trẻ trả lời sai liên tục và nhận điểm 0 trong 4 câu liên tiếp thì dừng tiến hành trắc nghiệm. Tất cả những câu khó hơn trong trắc nghiệm đó không cần tiến hành và tự động đánh giá điểm 0.
"Tuy nhiên trên thực tế, những người thầy của tôi không bao giờ dừng trắc nghiệm lại sau 4 câu sai liên tiếp mà tiếp tục hỏi thêm 1,2 câu nữa. Điều này khiến nhiều trẻ có cơ hội có thêm 1-2 điểm thành tích so với quy định.
Lúc đầu tôi rất tò mò tự hỏi, tại sao những người thầy lão luyện lại làm sai quy tắc như thế. Liệu rằng hỏi thêm để có thêm vài điểm có làm cho việc đánh giá trở nên thiếu chính xác hay không. Câu trả lời của thầy rất đơn giản nhưng nhân văn: Vì mục tiêu sự nhận xét đánh giá của chúng ta là nâng đỡ và khuyến khích những đứa trẻ.
Điều này giống với việc giáo viên cho học sinh trả lời câu hỏi phụ để "vớt" điểm nếu làm bài thi chưa tốt so với học lực vì mục đích nhân văn", PGS Trần Thành Nam cho hay.
Sở dĩ chuyên gia tâm lý này đưa ra thí dụ thoạt nhìn có vẻ dài dòng trên đây, phần nào để nhấn mạnh tới cách thức chúng ta đang ứng xử nhân sự việc nam sinh đạt giải nhất viết thư UPU 2022.
Thứ nhất, trong những tình huống bất định, hãy tin vào năng lực của trẻ. Niềm tin ấy chính là dưỡng chất để đứa trẻ tiếp tục mơ ước và hiện thực hóa những giấc mơ trong tương lai.
Kể cả trong trường hợp thành tích trẻ đạt được cao hơn một chút so với năng lực thật, cũng đâu có sao. Tại sao lại phải giết chết những ước mơ con trẻ bằng những nghi kỵ của người lớn. Giả sử như bài viết này thực sự của con, hàng ngàn người với những bình luận thiếu thân thiện và không tin tưởng rằng tự con có thể làm được. Ảnh hưởng đến đứa trẻ sẽ là trước áp lực số đông, con sẽ tự nhận mình được định hướng, được giúp đỡ cho câu chuyện qua đi. Và sau đó, đứa trẻ sẽ không bao giờ viết những bức thư như thế nữa.
Thứ hai, cuộc sống của chúng ta sẽ chẳng có gì hoàn hảo 100%. Sự việc luôn có những mặt tích cực và những điều chưa được hài lòng. Tuy nhiên, nếu tiêu điểm chú ý của chúng ta chỉ tập trung vào những điểm tiêu cực, thái độ và ngôn ngữ của chúng ta sẽ trở nên khắc nghiệt, hành vi của chúng ta sẽ trở nên thiếu thân thiện và vô tình chúng ta sẽ gây tổn thương cho những đứa trẻ và gia đình chúng bằng việc gán nhãn một điều chưa rõ ràng trở thành tiêu cực.
Thay vì thế, hãy di chuyển sự tập trung của chúng ta vào những điều tích cực đã đạt được. Bức thư đã làm bạn xúc động như thế nào, bức thư đã làm bạn thay đổi thái độ về các vấn đề phát triển bền vững như thế nào, bạn học được điều gì từ bức thư đó. Lúc đó, chúng ta, đứa trẻ và gia đình chúng đều cảm thấy được tôn trọng, yêu thương. Để chúng tiếp tục ước mơ và nỗ lực thực hiện chúng trong bước đường tương lai.
"Chúng ta cũng nên hiểu rằng, trong cộng đồng cũng sẽ có những người không thể nào nghĩ tích cực về tương lai, không thể nào thôi nghi ngờ về người khác và không tin vào sự công bằng... Chính vì vậy, họ luôn nghi kỵ, bất an, không hài lòng và cay độc tấn công những thành tựu của người khác bằng thái độ hoặc ngôn từ.
Tôi hiểu, họ có thể là những người đáng thương. Họ cần sự giúp đỡ của chúng ta để được chữa lành trước", PGS Trần Thành Nam nói.
… "Có ngọn gió hoảng loạn lao qua những cánh rừng, cuốn theo ngọn lửa tự bùng lên như mất trí. Amazone, châu Úc, Đông Nam Á... tiếng rít lên thê thảm của những loài vật thét gào.
Có ngọn gió điên cuồng giật cấp 16, 17 - siêu bão chồng siêu bão, lũ lụt, sóng thần, nhà sụp, người chết, cả một vùng đô thị, làng mạc bị xóa sổ.
Có ngọn gió vần xuống trước người đàn ông quỳ lạy dòng nước lũ trả lại cho mình người vợ và đứa con chưa kịp chào đời; chẳng khác nào sự hủy diệt của chiến tranh, những đứa trẻ ngơ ngác tìm người thân trong đổ nát. Liệu còn ranh giới nào cho những ngôi nhà, vùng miền, quốc gia, phe phái?
Ông đã nghe về tất cả những điều này? Ông cũng biết, trước khủng hoảng khí hậu, nếu con người không hành động, thảm họa diệt vong cũng sẽ không ranh giới?
"Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!". Hỡi nhạc sĩ tài ba! Cháu khẩn thiết ông lên tiếng kêu gọi con người cứu bầu khí quyển ốm yếu này!
Cháu đã thấy bao trái tim rung lên trước âm nhạc của ông. Bao nhà khoa học, bao chính khách nghiêng mình trước tài năng và nhân cách của ông. Cháu hiểu rằng, ông với âm nhạc của ông mang một tầm ảnh hưởng lạ kỳ, và cháu hy vọng từ ảnh hưởng ấy, hàng triệu người sẽ thay đổi"…
… "Ông ơi!
Cháu có một thỉnh cầu, khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng rằng:
"Tôi, và âm nhạc của tôi, xin góp một hành động chữa lành vết thương của Trái đất này!
"Người bạn của ông - Cơn gió lành từ Đất mẹ!"
(Trích đoạn bức thư gửi danh cầm Đặng Thái Sơn của nam sinh Nguyễn Bình Nguyên).