Tranh cãi câu chuyện nữ sinh tiêu 25 triệu/tháng cho "lối sống tối giản"
(Dân trí) - Câu chuyện một nữ sinh viên chi 25 triệu đồng mỗi tháng cho những "sinh hoạt cơ bản" đã tạo nên những tranh luận trái chiều trên mạng xã hội.
Một video chia sẻ về chi phí sinh hoạt của nữ sinh viên tên Thư đang gây chú ý trên mạng xã hội. Theo chia sẻ đó, Thư hiện là sinh viên tại trường đại học ở quận Bình Thạnh, TPHCM.
Do không có nhà ở TPHCM, nữ sinh cùng bạn thuê một căn chung cư 2 phòng ngủ giá 8,5 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền điện nước, số tiền này chia đều thành 5 triệu đồng/người/tháng.
Các khoản chi phí cần thiết khác được cô liệt kê gồm: Chi phí ăn uống, cà phê, xăng xe 4,5 triệu đồng/tháng; tiền học phí đại học 5 triệu đồng/tháng, học thêm kỹ năng 2 triệu đồng/tháng; tập thể hình 4,5 triệu đồng/tháng, gội đầu dưỡng sinh 500.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, do đặc thù công việc làm thêm liên quan tới hình ảnh nên nữ sinh này dành 2 triệu đồng cho chi phí quần áo, mỹ phẩm và 2 triệu đồng cho trang điểm đi sự kiện.
Tổng chi phí mỗi tháng cho cuộc sống của Thư khoảng 25 triệu đồng.
"Đây là mình đang tiết kiệm lắm vì công việc liên quan tới hình ảnh và mình cũng đang theo đuổi lối sống tối giản", nữ sinh này cho hay.
Kết thúc video, nữ sinh bày tỏ do đặc thù công việc và yếu tố khác nữa nên chi phí này đối với sinh viên hơi nhỉnh hơn một chút nhưng với các bạn khác chỉ tốn khoảng 5-7 triệu đồng/tháng cũng đã thảnh thơi rồi.
Chưa xác định được mức độ chính xác trong lời kể của nhân vật trong clip, song không lâu khi được chia sẻ trên mạng, video đã thu về 4,6 triệu lượt xem, 58.000 lượt tương tác và 2,7 triệu bình luận.
Đa số ý kiến đều bình luận nếu lời kể của cô gái là thật thì đây là chi phí cho sinh viên nhà giàu, VIP, ở vạch đích…
Không ít bình luận cũng cho biết tiền thuê nhà đã bằng cả tháng lương của nhiều người hay chi phí 25 triệu này ngang chi cho cả một hộ gia đình.
Bình luận của Loan Yến Trần nêu: "Sinh viên tiêu một tháng bằng gia đình mình tiêu 2 tháng cho 4 người, 2 con nhỏ".
Tài khoản Đỗ Thu Hằng bày tỏ: "Nghĩ thế nào đi làm 10 năm vẫn chưa có tiền như các em sinh viên flex nhỉ".
Còn Nhật Hào chia sẻ: "Nghe mà tự nhiên áp lực ngang vai luôn".
Chia sẻ về chi phí sinh hoạt của sinh viên hiện nay, TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Gia Định, cho hay tùy vào điều kiện hoàn cảnh, địa lý, ngôi trường theo học, công việc làm thêm mà mỗi sinh viên sẽ có mức chi tiêu sinh hoạt khác nhau.
Song, để không bị áp lực kinh tế trong khoảng thời gian học đại học, TS Toàn khuyên rằng mỗi gia đình cần chọn môi trường học tập phù hợp với điều kiện gia đình, không nên quá cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Ông cho hay, ngoài học phí hàng tháng, những khoản cần thiết khác như: Tiền thuê trọ, điện nước, ăn uống, đi lại, chăm sóc sức khỏe, giải trí… Chưa kể, quá trình học tập đại học sẽ phát sinh thêm tiền giáo trình, tiền máy tính, tiền học thêm kỹ năng…
"Với những gia đình chưa có nhiều điều kiện nên lựa chọn trường có mức học phí vừa phải, địa điểm trung tâm để thuận tiện đi làm thêm. Tạo áp lực kinh phí sẽ phần nào ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên, khó khăn cho cha mẹ", ông Toàn nói.
Còn với những gia đình có điều kiện, TS Mai Đức Toàn cho rằng bố mẹ nên cân nhắc mức chi phí phù hợp khi cung cấp cho con để vừa giúp con an tâm học hành nhưng không tạo tâm thế tiêu xài hoang phí, ỷ lại vào cha mẹ.
"Một môi trường tốt và phần áp lực nhỏ sẽ giúp sinh viên "con nhà giàu" trưởng thành và biết cách quản lý tài chính hơn", TS Mai Đức Toàn nhấn mạnh.