Trăn trở của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong năm mới
“Ngày Tết, tôi chỉ mong có những lúc được tắt điện thoại di động, không nghĩ đến công việc để dành thời gian cho gia đình. Từ khi nhận chức Bộ trưởng, tôi đã không hoàn thành trách nhiệm đối với gia đình”, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tâm sự.
Với một vẻ chân tình ông nói: “Tôi rất thương vợ (là bác sĩ) vì tôi là con một, bố tôi năm nay đã 88 tuổi, mẹ cũng 84. Lẽ ra tôi phải ở gần bên để chăm sóc gia đình, nhưng trọng trách đã nhận khiến tôi thường xuyên phải xa nhà”.
Tuy nói vậy, nhưng ông vẫn không quên nhắc đến những dự định, trăn trở muốn làm cho giáo dục Việt Nam trong năm 2007.
“Hai không” sẽ có hiệu quả sau 4 năm
Theo Bộ trưởng, sau mấy tháng thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, dù chưa có hiệu quả rõ rệt nhưng bước đầu cho thấy việc kiểm tra học kỳ I sát thực tế hơn. Việc học thật, dạy thật, thi thật đã được phát huy, nhiều tiêu cực được phát hiện và xử lý kịp thời.
Khi Việt Nam gia nhập WTO, hội nhập quốc tế thì việc “dạy thật, học thật, chất lượng thật” là yêu cầu sống còn của giáo dục - đào tạo Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, “hai không” làm được đã khiến nhiều người bất ngờ ngoài việc tất cả 64 tỉnh, TP đều có văn bản hưởng ứng cuộc vận động, thì năm nay không có tỉnh nào giao chỉ tiêu phải có bao nhiêu học sinh khá, giỏi như trước.
Thậm chí có tỉnh không công nhận số liệu báo cáo của Sở GD-ĐT vì kiểm tra thực tế kém hơn.
Đó chỉ là những “tín hiệu vui” ban đầu vì ngành đã xác định cuộc vận động này không thể có kết quả trong một thời gian ngắn mà phải kéo dài từ 4-5 năm.
Quyết tâm chấm dứt “xin điểm”
Với những trường ĐH, CĐ, TCCN triển khai cuộc vận động “hai không” chưa đồng đều và sâu rộng, Bộ trưởng yêu cầu phải sớm triển khai và báo cáo về Bộ trong tháng 3/2007.
Các trường có đủ điều kiện cần thành lập Trung tâm Khảo thí, công khai các điều kiện thi, quản lý chặt chẽ và khoa học các khâu then chốt của việc thi, kiểm tra kết quả học tập.
Cần kiểm soát chặt chẽ việc sao chép luận văn, luận án, bài tập, bài kiểm tra bằng cách đưa luận văn, luận án công khai trên mạng; chấm dứt việc sinh viên lập danh sách gặp thầy cô giáo trước khi đi thi để xin điểm và tránh các hiện tượng tiêu cực.
Trong tháng 3-4/2007, Bộ GD-ĐT và các tỉnh sẽ tổ chức một số đoàn đi khảo sát, kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động và tình hình học tập của học sinh, sinh viên ở các cơ sở.
Theo lãnh đạo Bộ thì cần tạo và thực hiện cơ chế giám sát cộng đồng xã hội tham gia kiểm tra giám sát hoạt động giáo dục, đảm bảo công khai, công bằng trong đánh giá, xếp loại các trường, công nhận thương hiệu của trường gắn với thực hiện tốt cuộc vận động, gắn với đổi mới phương pháp dạy và học.
Trăn trở với thu nhập của giáo viên
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tâm sự, khi nhận công việc mới ông rất lo lắng nhưng sau khi nhậm chức được đồng nghiệp chia sẻ; tiếp xúc với giáo viên, lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh… ông thấy mọi việc tốt đẹp hơn, không thấy bế tắc dù chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, hiện tại còn nhiều việc ngổn ngang.
Bộ GD-ĐT cũng rất trăn trở với vấn đề thu nhập của giáo viên. Chắc chắn không chỉ ngành giáo dục mà bất kỳ ai quan tâm đến giáo dục đều phải suy nghĩ khi cuộc sống của nhà giáo còn khó khăn, thưởng tết chưa cao.
Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ lộ trình tăng lương cho giáo viên đến năm 2010. Vấn đề này không thể giải quyết ngay một lúc cho cả 1 triệu giáo viên được mà sẽ làm từng bước để đến năm 2010 mọi giáo viên đều có thể sống được bằng nghề.
Theo Lâm Phúc
VTC