Trầm cảm tuổi teen: "Hãy đối xử vết thương lòng như vết thương ngoài da"
(Dân trí) - "Vết thương ngoài da có thể nhanh lành nhưng có những vết thương lòng khiến các bạn cảm thấy tổn thương, trầm cảm. Hãy đối xử với vết thương lòng như những vết thương ngoài da".
PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐHKHGD, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ như vậy khi nhận xét về sức khỏe tâm thần của trẻ em sau đại dịch. Đặc biệt qua đại dịch, vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em rất nghiêm trọng nhưng nhiều người chưa ý thức được điều này.
Hãy đối xử với vết thương lòng như vết thương ngoài da
PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, thống kê mới nhất từ các chuyên gia, tỉ lệ lo âu trầm cảm tăng từ 3-5 lần, ý nghĩ tự sát trong giới trẻ tăng lên do các em ít tương tác và tiếp xúc nhiều thông tin chưa chính thống trên mạng.
Thời gian qua, nhiều học sinh bằng cách hay cách khác đã tìm đến chuyên gia tư vấn để được hỗ trợ khủng hoảng tâm lý bởi các em không có nơi giải tỏa.
Nhiều em rơi vào trạng thái hoảng loạn, không làm được những việc trước đây, thậm chí nghi ngờ về khả năng của bản thân và muốn trốn thoát khỏi trạng thái này.
Đấy là biểu hiện của việc stress quá mức và đưa đến trạng thái "tê liệt" tạm thời do thời gian học trực tuyến kéo dài.
Việc học online khiến học sinh thấy căng thẳng, cô đơn, không thể tập trung để học trong môi trường thiếu tương tác. Nhiều em cho biết, mình bị thiếu ngủ nghiêm trọng nhưng gia đình chưa biết cách giúp đỡ để các em vượt qua.
Sau khi kết thúc thời gian học online kéo dài, việc các em được trở lại trường cũng không phải trải nghiệm thoải mái với tất cả học sinh. Với những em hướng ngoại sẽ hội nhập nhanh hơn nhưng số học sinh khác lại gặp khó khăn và thích ứng chậm.
Khi trở lại trường học trực tiếp, một số em tự tạo áp lực cho bản thân khi thấy điểm số chưa cao làm cho các em căng thẳng. Một số em lo lắng, áp lực về các kì thi khiến các em thất vọng, chán nản.
Trong khi đó nhà trường chỉ chú trọng ôn tập bồi dưỡng kiến thức nhưng chưa có kế hoạch kích hoạt lại hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường.
Nhà trường chưa chú ý đến các quy trình phòng chống khủng hoảng cho học sinh và chưa đưa điều này vào chương trình chính thống.
Trong khi đó, chính bố mẹ nhiều khi chưa ý thức được về lời nói, đẩy các em đến hành vi mất kiểm soát. Thay vì hỏi và chia sẻ với các em khi có bất ổn tâm lý, bố mẹ có những câu nói vô tình đẩy con cái đến chỗ nguy hiểm.
"Tôi hiểu những chia sẻ của các em. Vết thương ngoài da có thể rất nhanh lành lặn nhưng có những vết thương lòng khiến các bạn cảm thấy tổn thương, trầm cảm. Hãy đối xử với những vết thương lòng như những vết thương ngoài da vậy. Sẽ có người rất khéo léo giúp vết thương của các bạn lành lặn hơn.
Các bạn có thể nói cha mẹ không lắng nghe, nhưng hãy tìm nhiều cách thức hơn để cha mẹ thấu hiểu mình như chọn thời gian cha mẹ không bận rộn, viết email... Hoặc tìm đến người thân, người bạn, thầy cô mà các bạn có thể tin tưởng. Họ có thể mang đến cho bạn những phản hồi tích cực.
Ngay lúc này, cảm xúc của các bạn có thể rất vui nhưng chỉ được một thời gian ngắn và chúng ta nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Vì vậy, nếu có tư tưởng tiêu cực tự làm hại bản thân mình, nên nhớ đó chỉ là những cảm xúc đó chỉ là nhất thời thôi, hãy cố gắng kiểm soát để vượt qua sự tiêu cực đó.
Cuộc gọi tư vấn tâm lý tăng 1,5-2 lần sau dịch
"Mới đây chúng tôi vừa tiếp nhận câu chuyện của một học sinh lớp 9. Gia đình em có truyền thống học tập, bố mẹ là giáo viên, chị gái học trường cấp 3 chuyên và hiện đang là sinh viên Trường ĐH Ngoại thương.
Bản thân em học sinh này luôn xuất sắc, đứng đầu lớp nhưng em bị áp lực phải thi vào trường chuyên giống chị gái.
Em bắt đầu căng thẳng, áp lực, mất ngủ thường xuyên, học tập sa sút và rất lo lắng, dần mất hứng thú với việc học tập. Em đã tìm đến chúng tôi với mong muốn được giải tỏa áp lực tâm lý".
Trên đây là câu chuyện mà bà Lê Thị Thảo, Phó trưởng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 chia sẻ khi nói về tình trạng trẻ bị gia tăng áp lực sau thời gian học trực tuyến vì dịch Covid-19.
"Đến với chúng tôi, nhiều em có biểu hiện trầm cảm. Có em cho biết, mình từng rạch tay cách đây 2 năm và tìm đến việc tự làm hại bản thân để thỏa mãn về mặt tinh thần mà không ý thức được về hành vi.
Có em nói rằng mình có nhu cầu muốn đi khám tâm lý nhưng bố mẹ gạt đi. Có em mong muốn tổng đài gọi điện cho bố mẹ để con được đi khám tâm lý.
Mong các em mạnh dạn chia sẻ
TS. BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe trẻ vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: "Mong muốn của các em là sự thấu hiểu từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Thoạt nghe thì dễ nhưng thực tế lại rất khó.
Chúng tôi muốn các em hiểu rằng việc chia sẻ đôi khi rất khó khăn nhưng các em hãy tiếp tục chia sẻ thì thầy cô, cha mẹ mới hiểu và chia sẻ được với các em để các bên cùng hiểu nhau. Mong các em sẽ tham gia phối hợp để giúp cho mình có một sức khỏe tâm lý thực sự khỏe khoắn".
Nhiều trường hợp, các em gọi đến và bắt đầu bằng những tiếng khóc, có em rất xúc động. Bằng nghiệp vụ, chúng tôi trấn an các em dừng lại bình tĩnh, uống chút nước để cân bằng, sau đó mới tư vấn", bà Thảo nhớ lại.
Theo chuyên gia này, do thời gian học online dài, không được đến trường, mức độ giao tiếp xã hội giảm, không có hoạt động thể chất, giải trí... dẫn đến trẻ ức chế về tâm lý.
Đặc biệt, những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình khiến các em mệt mỏi, không được lắng nghe. Nhiều cha mẹ dù vẫn hỏi chuyện, tâm sự hàng ngày nhưng sự chia sẻ này đôi khi không đúng cách, đúng phương pháp khiến cho các em cảm thấy bị áp đặt, dần thu hẹp giao tiếp với phụ huynh.
"Nhiều em cảm thấy cuộc sống không ý nghĩa, không ước mơ, hoài bão hay mục tiêu, nói đúng hơn là vô định và lạc lõng. Các em chỉ mong được ba mẹ lắng nghe, thấu hiểu, được làm theo sở thích của bản thân và không bị áp lực điểm thi cuối kỳ.
Có em mong bố mẹ đừng đặt quá nhiều kì vọng khiến các em áp lực, có em muốn bố mẹ không so sánh với các bạn bè khác…", Phó trưởng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nói.
Bà Thảo cho biết thêm, cả nước có khoảng 13 triệu học sinh, sinh viên, trong khi số lượng chuyên gia tâm lý và tình nguyện viên của tổng đài 111 có hạn, không đủ đáp ứng hết các cuộc gọi, dù làm việc hết công suất.
"Học sinh có rất ít kênh để có thể chia sẻ tâm tư nguyện vọng và tìm sự giúp đỡ từ người lớn. Các em cần nhiều sân chơi hơn nữa để có thể giải tỏa áp lực về mặt kinh tế", bà Thảo nhấn mạnh.