Trà giảm âu lo, tủ đồ thông minh và những dự án khởi nghiệp táo bạo của sinh viên
(Dân trí) - 14 dự án tiềm năng "made by" sinh viên đã khiến nhiều doanh nhân từ các công ty hàng đầu ngồi ghế giám khảo cuộc thi "Từ sáng tạo đến khởi nghiệp" (MEP) phải ngỡ ngàng vì tính thực tiễn và sáng tạo.
Sự kiện do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, vừa được Đại học Arizona (ASU), Chương trình STEM của Dow Việt Nam phối hợp tổ chức.
Bước ra thị trường từ phòng thí nghiệm
Được đánh giá cao nhất và giành được phần thưởng đầu tư 1.000 USD là nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) khi "thổi" sức sống mới vào loài cỏ dại vùng cao nguyên. Sinh viên Nguyễn Long Hoàng - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết trong một chuyến đi thực tế đến thành phố Đà Lạt, nhóm chú ý những cây cỏ dại thường được người dân địa phương dùng để pha nước uống giúp dễ ngủ.
Sau hơn một năm phân tích trong phòng thí nghiệm, nhóm xác định loại cây được dùng - tên khoa học là Assamica - có thể được chiết tách thành những thành phần có ích, mang hiệu quả giải stress và không gây tác dụng phụ.
"Assamica được nuôi dưỡng và phát triển từ mong muốn tạo ra một sản phẩm trà định tâm thế hệ mới không chỉ giảm căng thẳng, chống mất ngủ vượt trội mà còn giúp người dùng "quay trở về với giấc ngủ tự nhiên", không gây ra tác dụng phụ", Nguyễn Long Hoàng nói.
Hoàng cho biết thêm sản phẩm hiện đã dần hoàn tất quá trình đăng ký bằng sáng chế, đánh giá về mặt kỹ thuật cũng như một số kiểm định về hàm lượng các chất theo tiêu chuẩn Bộ Y tế. Nhóm cũng phát triển thành 4 dạng sản phẩm phù hợp với nhu cầu người dùng như: Trà túi lọc, trà hòa tan, trà chai và trà ly tiện lợi.
Hơn cả một cuộc thi
MEP năm 2022 thu hút 14 đội sinh viên đến từ các trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam. Các đội đã phát triển những dự án đổi mới sáng tạo trong quá trình tham gia chương trình EPICS - Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng. Nhờ sự tư vấn của các chuyên gia đầu ngành, nhiều nhóm sinh viên đã nâng tầm các dự án EPICS thành các sản phẩm thực tiễn giàu tiềm năng kinh doanh trong MEP.
Có thể kể đến như mô hình khóa tủ thông minh của nhóm sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai). Được thiết kế với mục đích giúp người dùng có nhu cầu tăng tính bảo mật, độ riêng tư, những chiếc tủ khóa thế hệ mới do các bạn trẻ sáng chế còn có thể ứng dụng quy mô lớn khi áp dụng cho các tủ đồ cá nhân của các khách sạn.
ThS Nguyễn Minh Sơn - giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Lạc Hồng, hướng dẫn nhóm nghiên cứu - chia sẻ người dùng khóa có thể cài đặt vân tay trực tiếp trên mô hình và được quản lý trên số lần, thời gian mở khóa. Sản phẩm còn kèm theo chức năng thông báo đến người dùng thông qua camera khi có người lạ thực hiện mở khóa bằng vân tay hoặc nhập sai mật khẩu.
Một dự án đáng chú ý và mang ý nghĩa nhân văn là chiếc áo dành cho trẻ tự kỷ của các bạn trẻ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Được thiết kế tinh gọn và tối ưu, áo có thể giúp những người trông trẻ tự kỷ nhanh chóng khoác cho các em trong nhiều trường hợp khẩn cấp.
TS Nguyễn Thị Anh Thư - giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), hướng dẫn nhóm nghiên cứu - cho biết việc chăm sóc trẻ tự kỷ ngày càng trở nên khó khăn, đòi hỏi tinh thần kiên nhẫn cao,… bởi tự kỷ là một hội chứng phức tạp, đa dạng các phổ tự kỷ. Vì vậy, những sản phẩm như của nhóm sinh viên sẽ góp phần giúp giải tỏa căng thẳng và giảm áp lực trong việc trông nom các em.
Tại sự kiện MEP, thông qua những góp ý, nhận xét từ các doanh nhân giàu kinh nghiệm, hơn 100 sinh viên có mặt đã tích lũy thêm nhiều kiến thức và bài học thực tiễn về khởi nghiệp. Các bạn hiểu rằng khởi nghiệp mang nhiều tiềm năng cho tương lai nhưng để từ ý tưởng thành hiện thực không phải đơn giản, đòi hỏi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, việc có được một sản phẩm, mô hình giàu sức cạnh tranh còn phải đi kèm với những chiến lược kinh doanh, phân phối, marketing,… hữu hiệu.
Những năm qua, BUILD-IT đã tận dụng hơn 7 triệu USD do doanh nghiệp đóng góp để hỗ trợ các trường đại học đối tác đổi mới chương trình giảng dạy, áp dụng những công nghệ và dự án học tập mới,… Những chuyển biến này đảm bảo các tân cử nhân phát triển được những kỹ năng về kỹ thuật và kỹ năng mềm cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng Việt Nam trong những thập kỷ tới.