TPHCM: Những điểm “nóng” kẹt xe, tai nạn, sĩ tử cần chú ý
(Dân trí) - Hầu hết sĩ tử tham gia thi tuyển sinh ĐH-CĐ đều đến từ các tỉnh. Do đó, các điểm "đen" giao thông là điều mà các sĩ tử cần lưu ý khi đi đến địa điểm thi để tránh gặp kẹt xe, hoặc gặp tai nạn bất ngờ mà ảnh hưởng đến cuộc thi.
Người từ các tỉnh về TPHCM đều có thể dễ nhầm lẫn là đi đâu cũng thấy người xe đông đúc và mối lo ngại lớn nhất là gặp cảnh kẹt xe. Thực ra hầu hết các tuyến đường của TPHCM tuy đông nhưng vẫn có thể lưu thông bình thường, ngoại trừ 1 số tuyến đông vượt quá sức tải nên thường xảy ra ùn tắc cần chú ý. Ngoài vấn nạn kẹt xe, TPHCM cũng tồn tại nhiều điểm đen tai nạn giao thông mà các sĩ tử đến từ các tỉnh cũng cần lưu ý.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông nhất trên địa bàn TP tập trung ở khu vực ngoại thành ven trung tâm, đặc biệt là trên các tuyến giao thông trục. Các tuyến đường này đồng thời cũng là những cung đường có tình trạng giao thông phức tạp, dễ xảy ra ùn tắc khi xảy ra tai nạn.
Đứng đầu danh sách là tuyến Quốc lộ 1 (đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến ranh giới Tỉnh Đồng Nai, nằm trên địa phận quận 9). Đoạn đường này có lưu lượng xe lưu thông rất cao, nhất là xe tải nặng và xe container do đây là tuyến đường huyết mạch kết nối TPHCM, các tỉnh miền Nam với các tỉnh thành miền Trung, miền Bắc, cụm cảng Cát Lái…
Ngoài ra, mặt đường đoạn này hẹp nên không đủ điều kiện để làm dải phân cách tách làn xe hai bánh với làn xe ô tô. Do đó, tai nạn va quẹt giữa ô tô và xe máy rất thường xảy ra ở đây.
Đường Tỉnh Lộ 10 (quận Bình Tân) cũng nằm trong danh sách đen vì lưu lượng xe lưu thông cao và mặt đường rất hẹp, tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xuyên xảy ra. Đây là tuyến đường chính kết nối với các khu công nghiệp của TPHCM và tỉnh Long An nên tập trung nhiều xe tải chở hàng và xe khách (xe bus) chở công nhân lưu thông vào giờ cao điểm.
Đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) với lưu lượng xe lưu thông cao, mặt đường hẹp và đang xuống cấp trầm trọng, với nhiều đoạn cong và thường bị ngập do triều cường. Hiện Dự án xây dựng đường đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài cũng đang rào chắn để thi công dọc tuyến đường này, nhiều xe tải chở vật liệu ra vào nên tình trạng giao thông cũng hết sức phức tạp, sĩ tử phải đặc biệt lưu ý khi lộ trình đến địa điểm thi có đi qua tuyến đường này.
Đối với các sĩ tử ở Đồng Nai thi tại các địa điểm ở quận 2 có ý định lưu thông trên đường Đồng Văn Cống (quận 2) cũng phải chú ý. Vì cung đường này nổi tiếng với nhiều “khúc cua tử thần” liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là giao lộ Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ.
Trong khu vực nội đô, thí sinh và phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các vị trí đang xây dựng 3 cầu vượt bằng thép là giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, giao lộ Nguyễn Tri Phương - 3/2 - Lý Thái Tổ và bùng binh Cây Gõ (Hồng Bàng - 3/2). Vào giờ cao điểm sáng và chiều, muốn đi qua 3 điểm ùn này người dân thường phải mất chừng 30 phút. Tốt nhất là nên bố trí lộ trình đi lại tránh 3 vị trí này.
Ngoài ra còn có các điểm nóng “kinh niên” như: vòng xoay Cộng Hòa (3/2 - Cách Mạng Tháng 8 - Võ Thị Sáu - Lý Chính Thắng), ngã tư Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai, ngã ba Hoàng Văn Thụ - Hồ Văn Huê, cổng chợ Tân Bình, các tuyến đường nhỏ bao quanh chợ Lớn…
Khu vực cửa ngõ Đông Bắc phải chú ý ngã tư Bình Triệu (quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân) dưới chân cầu Bình Triệu và các giao lộ phức tạp như: Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, Nguyễn Xí - quốc lộ 13, cầu Kinh Thanh Đa… Ở cửa ngõ Tây Bắc phải chú ý đến khu vực vòng xoay An Sương, đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Cách Mạng Tháng Tám…
Tùng Nguyên