TPHCM: Nhiều phụ huynh định hướng cho con vào trường nghề ngay từ đầu
(Dân trí) - Ở TPHCM hiện có xu hướng phụ huynh lựa chọn cho con em mình theo nghề ngay từ khi tốt nghiệp THCS, rút ngắn thời gian học tập và tham gia thị trường lao động sớm.
16.000 học sinh chọn con đường khác ngay từ đầu
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngày thi tuyển lớp 10 tại TPHCM liên tục bị dời lại khiến không ít phụ huynh học sinh có con vừa tốt nghiệp THCS lo lắng. Nhiều phụ huynh thậm chí đang tìm kiếm hướng đi khác cho con mình ngoài việc chờ đợi thi vào lớp 10 để lên THPT.
Trao đổi tại buổi tọa đàm trực tuyến "Hướng đi lớp 10 công lập có phải con đường duy nhất?", do trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn tổ chức tối 21/6, các chuyên gia, khách mời đánh giá hiện có xu hướng phụ huynh học sinh lựa chọn cho con em mình theo học nghề ngay từ khi tốt nghiệp THCS.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho biết: "Nhiều năm gần đây, tỷ lệ bình quân sức chứa của các trường THPT khoảng 70% số lượng học sinh tốt nghiệp THCS. Như vậy, 30% số em không vào được lớp 10 công lập phải tìm con đường khác".
Ông Tuấn ví dụ tại TPHCM năm học 2020-2021 có hơn 99.500 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng 114 trường THPT công lập của thành phố chỉ tuyển gần 68.000 học sinh. Như vậy, hơn 30.000 em phải tìm đường khác ngoài con đường học lớp 10 công lập.
"Ngoài thi vào lớp 10 công lập, các em có thể tiếp tục học THPT ở trường tư thục, hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, con đường thứ 4 rất rộng lớn và đang có xu thế rất mạnh là tham gia giáo dục nghề nghiệp với nhiều trình độ đa dạng, như: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp…", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ một chi tiết mới trong năm học 2020-2021 tại TPHCM là trong số hơn 99.500 học sinh tốt nghiệp THCS, chỉ có hơn 83.300 em đăng ký thi lớp 10. Điều này đồng nghĩa 16.000 em xác định ngay từ đầu không đăng ký thi lớp 10 mà chọn hướng đi khác.
"Đây là điểm thú vị trong năm 2021. Mọi năm hầu hết các em muốn thi lớp 10 công lập, nhưng chờ khi không đạt mới chuyển hướng sang đường khác. Nhưng nay đã có hơn 16.000 em được cha mẹ ủng hộ chọn hướng khác ngay từ đầu" - ông Tuấn dẫn chứng.
Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM đánh giá đây là xu hướng tích cực, thể hiện sự tôn trọng sở thích, lựa chọn nghề nghiệp của con cái chứ không vì cái bằng đại học để đi khoe khoang với người khác.
Xu hướng của thị trường lao động
Theo ông Trần Anh Tuấn, vào trường nghề sau khi tốt nghiệp THCS đang là xu hướng ở nhiều địa phương chứ không chỉ riêng tại TPHCM.
"Phát triển giáo dục nghề nghiệp là xu hướng của thế giới và cũng là chính sách lớn của Nhà nước ta. Đó là con đường đi thẳng vào học nghề, chọn nghề nghiệp của mình ngay từ khi mới tốt nghiệp THCS" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM lưu ý, khó khăn của người tham gia thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 là mức cạnh tranh rất gay gắt, giữa nguồn nhân lực cũ và mới.
"Yêu cầu sau đại dịch là phải có nguồn nhân lực bổ sung rất nhiều để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Nhưng lúc này thị trường nhân lực sẽ cạnh tranh rất gay gắt, ai có năng lực, kỹ năng nghề nghiệp chuẩn mới thành công".
Theo Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, xu hướng hiện nay thị trường cần 90% lao động có nghề, dần tiến tới 100%.
Trong đó, 75% nhu cầu nhân lực trình độ giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp).
Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Hồng Loan, Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Công nghệ Bách Khoa, cũng khẳng định, nếu để chọn lao động cùng một vị trí làm việc bà ưu tiên nhân lực có trình độ cao đẳng.
Nguyên nhân là sinh viên cao đẳng được đào tạo kỹ năng thực hành nhiều, có thể làm việc ngay, không tốn thời gian và tiền bạc để đào tạo lại.
Bà Hồng Loan cho biết: "Nhiều trường dạy nghề như Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn còn có chương trình học kỳ doanh nghiệp, gửi học sinh đến doanh nghiệp thực tập từ 6 - 8 tháng. Họ chỉ cần vài tháng là có thể làm việc như một nhân viên thực thụ nên khi ra trường, doanh nghiệp có nhu cầu là tuyển dụng ngay".