TP.HCM: Nhiều đơn vị giáo dục ngoài công lập có nguy cơ giải thể
(Dân trí) - Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, có tới 879 cơ sở giáo dục mầm non với gần 23.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng về lương, bảo hiểm do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM về đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục không có nguồn thu hoặc nguồn thu bị sụt giảm. Áp lực về tài chính, nhiều cơ sở giáo dục, nhất là các đơn vị ngoài công lập, đứng trước nguy cơ phải giải thể.
Trong khi các đơn vị vẫn phát sinh chi phí để duy trì hoạt động như chi phí thuê mặt bằng, trả lương cán bộ, giáo viên cơ hữu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Đối với một số đơn vị mới thành lập lại càng khó khăn do phải vay vốn ngân hàng để hoạt động, hàng tháng nhà trường vẫn phải chi trả tiền lãi suất; trả lương ngừng việc cho giáo viên... nên rất khó khăn.
Thống kê cho thấy, có tới 879 cơ sở giáo dục mầm non và trên 23.460 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên bị ảnh hưởng về các khoản lương, bảo hiểm theo quy định. Đối với giáo viên, trong thời gian nghỉ học phòng dịch, có tới 80% giáo viên bị ảnh hưởng việc làm, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên làm việc tại các cơ sở mầm non ngoài công lập.
Mới đây, TPHCM cũng có quyết định điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND thành phố để cùng hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Theo điều chỉnh này, thu nhập tăng thêm của giáo viên sẽ giảm mạnh.
Tại cuộc họp bất thường của HĐND TPHCM ngày 27/3 đã thông qua đề xuất hỗ trợ người lao động bị mất việc do dịch Covid-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp) bao gồm cả giáo viên, nhân viên cơ sở mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ.
Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế lao động bị mất việc, tối đa không quá 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6). Theo tính toán, tổng số người lao động được hỗ trợ là 600.000 người, tổng kinh phí hỗ trợ là 1.800 tỷ đồng.
Hoài Nam