1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

TPHCM nghiên cứu chính sách miễn học phí THPT

(Dân trí) - Một trong các cơ chế đặc thù của TPHCM là được tự quyết về phí, do đó thành phố đã tính đến miễn học phí cho THCS, theo lộ trình sẽ tiến tới miễn giảm học phí cho THPT.

Đó là chia sẻ của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trong buổi đến thăm một số nhà giáo lão thành nhân ngày Nhà giáo Việt Nam trong sáng nay (19/11).

Bí thư Thành uỷ TPHCM cho biết, thành phố luôn quan tâm và đầu tư cho giáo dục. Về giáo dục phổ thông, học sinh của TP hiện nay khoảng 1,6 triệu học sinh (còn nhiều hơn cả dân số của một số tỉnh) và mỗi năm đầu tư xây mới hơn 1.000 phòng học để đáp ứng cho 6.000 - 7.000 học sinh tăng hàng năm (chủ yếu do tăng cơ học).

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và trò chuyện cùng GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và trò chuyện cùng GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Còn ở giáo dục ĐH, CĐ hiện nay TP đang xây dựng đề án phát triển Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông Nam của TP và thu hút 12 trường ĐH khu vực này (trong đó có ĐH Quốc gia TPHCM) và Khu Công nghệ cao TPHCM để phát triển. Song song đó, trong bán kính 50 km giữa TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An phải liên kết giữa gần 100 trường ĐH, CĐ với 100 khu công nghiệp để phát triển, đào tạo. Thành phố xác định nguồn nhân lực chất lượng cao phải là vốn quý nhất.

Trước quan tâm của GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về cơ chế đặc thù của TPHCM có được thuận lợi không. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong các đặc thù thì có nội dung được tự quyết về phí. Trong đó, thành phố tính đến miễn học phí cho THCS, tạo điều kiện để thực hiện phương tập trở thành quyền của mỗi người dân. Nếu làm tốt thì sẽ tiến tới miễn giảm học phí cho THPT.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục sắp thông qua cũng có nội dung này, nên tạm thời thành phố chờ thực hiện chung với cả nước. “Vừa rồi có lẽ ra TPHCM đã trình HĐND đề án miễn học phí THCS từ năm tới, tuy nhiên theo chủ trương của Chính phủ thì chưa làm ngay nên thành phố trước mắt giảm học phí THCS ở tối thiểu. Đây cũng là chính sách nhất quán nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân được đi học, đặc biệt là các em ở gia đình nhập cư, có hoàn cảnh khó khăn", ông Nhân khẳng định.

Trong buổi trò chuyện, GS Trần Hồng Quân cũng băn khoăn sự nghiệp đổi mới của ngành nếu không cải thiện thu nhập, đời sống thầy cô giáo, sẽ không thể tạo ra động lực. Khó khăn lớn nhất của ngành lại là khó chiêu mộ và giữ chân được người tài chỉ vì chính sách tiền lương còn hạn chế. Ông Quân mong muốn Bí thư Thành uỷ TPHCM cần góp tiếng nói cải thiện thực tế này.

Lãnh đạo TPHCM thăm các nhà giáo lão thành nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
Lãnh đạo TPHCM thăm các nhà giáo lão thành nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Đáp lại quan tâm của GS Quân, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Quốc hội đang bàn về hai dự án luật trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có vấn đề thu nhập cho giáo viên. Ông nhìn nhận đây là nhu cầu cấp thiết và xứng đáng với thầy cô, song dù đã được nói nhiều lần mà nhà nước làm còn chậm.

Dịp này, ông Nhân gửi lời chúc nhân ngày Nhà giáo Việt Nam đến GS Trần Hồng Quân và cho biết thành phố mong nhận được những ý kiến quý báu từ các nhà giáo lão thành và mong các thầy cô luôn khỏe mạnh, tiếp tục đóng góp cho ngành giáo dục.

Được biết, GS Trần Hồng Quân năm nay 81 tuổi, từng làm Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM năm 1976-1982. Ông làm Bộ trưởng Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, sau này là Bộ GD-ĐT từ năm 1987 đến 1997.

Cùng ngày, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và chúc mừng GS Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM.

Lê Phương