Tốt nghiệp ngành Sư phạm, đi bán hàng tạp hóa

(Dân trí) - Đó là một phần thực trạng hiện nay của sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm. Ngoài việc bán hàng tạp hóa, nhiều cử nhân Sư phạm ra trường không tìm được việc phải làm đủ nghề như dạy gia sư, làm nhân viên bảo hiểm, nhân viên bán hàng...

 Là người trong cuộc, hiểu được thực trạng, nắm rõ mọi khó khăn, bất cập trong vấn đề việc làm của sinh viên ngành Sư phạm, giáo viên Thùy Dương, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa đã có bài viết gửi tới báo Dân trí.
 
Tốt nghiệp ngành Sư phạm, đi bán hàng tạp hóa - 1
Cơ hội được đứng trên bục giảng của sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm hiện nay rất khó khăn.

Điểm chuẩn ngày càng giảm

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngành Sư phạm (SP) thu hút khá đông thí sinh hàng năm nhờ chính sách không thu học phí đối với sinh viên. Khi ấy, vào ĐH SP là niềm mơ ước của nhiều học sinh, kể cả học sinh có học lực giỏi. Bởi tại thời điểm ấy, hầu hết sinh viên ra trường đều được phân công công tác. Điều này không chỉ làm tăng số lượng thí sinh vào các trường SP mà chất lượng đầu vào của các trường này cũng được nâng cao rõ rệt. Điểm đầu vào các trường sư phạm những năm 1998, 1999, 2000… tương đối cao so với các trường khác, thông thường 3 môn phải đạt từ 22 - 25 điểm cho khối ngành Xã hội và từ 24 - 27 điểm cho khối ngành Tự nhiên thì mới trúng tuyển.

Những năm gần đây, chất lượng đầu vào của các trường SP đang có xu hướng giảm, điểm chuẩn xét tuyển vào các trường SP tương đối thấp. Ngay cả ở những trường ĐH SP danh tiếng, nhiều ngành điểm chuẩn cũng chỉ bằng điểm sàn. 5 năm nay, điểm sàn của Bộ GD-ĐT luôn ở mức ổn định từ 13 - 14 điểm. Trường ĐH hồng Đức năm 2010 điểm chuẩn cho ngành SP Toán là 13 điểm, SP Sinh là 14 điểm. Trường ĐH SP Vinh - một trường có bề dày lịch sử về giáo dục đại học những cũng lấy điểm chuẩn tương đối thấp: SP Toán (15,5 điểm), SP Lý (13 điểm), SP Hóa( 14,5 điểm), SP Văn (17 điểm), SP Sử (14 điểm). Như vậy, không ít thí sinh thi vào SP có học lực chỉ ở mức trung bình, thậm chí dưới trung bình. Điều này khiến dư luận xã hội lo ngại về chất lượng người thầy.

Việc tuyển sinh đã trở nên khó khăn hơn, chính sách học phí dường nhưu không còn mấy hấp dẫn đối với sinh viên nữa. Mùa tuyển sinh năm 2010, nhiều trường đào tạo ngành SP có tỉ lệ chọi dưới 5. Không ít trường tuyển nguyện vọng (NV) 1 không đủ, phải tìm đến NV2, NV3. Thậm chí có những trường SP không tuyển ở một số ngành như Trường ĐH Hồng Đức, năm 2010 đã không tuyển SP Văn, SP tiểu học và SP mầm non. Năm nay, qua một số buổi tư vấn tuyển sinh có thể thấy sự chú ý của thí sinh dành cho khối ngành SP cũng đã giảm đi rõ rệt.

Chất lượng người thầy giảm sút do không thu hút được người giỏi thi vào ngành SP đang là trăn trở của nhiều người tâm huyết với giáo dục nước nhà. Không quá khó để chỉ ra nguyên nhân của thực trạng bi quan đó.

Thực tế xã hội tác động không nhỏ đến việc lựa chọn ngành SP của giới trẻ hôm nay. Đó là vẫn còn tình trạng chưa giải quyết được việc làm cho nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành SP, thậm chí là những sinh viên khá, giỏi. Phân bổ nhiệm sở còn nặng về chủ quan, quen biết, thiếu công bằng (có trường hợp tốt nghiệp ĐH tại chức, chuyên tu vẫn được phân công dạy tại THPT, trong khi sinh viên tốt nghiệp SP chính quy lại phải chờ). Hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp SP ra trường chưa có việc làm hoặc phải làm việc trái nghề, nhưng chắc chắn số người thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề không ít.

Chờ thì biết đến bao giờ?

Khi được hỏi về công việc sau khi ra trường, nhiều bạn tân cử nhân SP đã tỏ ra chán nản: “Bố mẹ ở nhà khi nghe tin mình tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi đã rất vui mừng, tự hào. Nhưng đi đến đâu, mình cũng chỉ nhận được một câu trả lời “chưa có chỉ tiêu”. Bố mẹ mình ở nông thôn, là sao có thể “chạy” được đủ tiền cho mình đi “cửa hẹp” như một số người khác. Có lẽ mình đành xin tạm một công việc trái ngành nào đó để làm chứ cứ chờ thì biết đến bao giờ?”. Đó là tâm sự của N.T.̣ L., tốt nghiệp ngành SP Lịch sử K51, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Người viết có một người bạn thời ĐH, tốt nghiệp loại khá ngành Ngữ văn, ĐH SP Huế năm 2005, sau 2 năm trời nộp hồ sơ xin việc khắp nơi mà không nơi nào nhận đành chấp nhận làm trái nghề: bán hàng tạp hóa ở chợ huyện, bỏ phí 4 năm học đại học. Còn người viết bài này, cũng tốt nghiệp SP Ngữ văn năm 2005, không xin được việc làm, đã phải trải qua khá nhiều nghề: dạy gia sư, làm nhân viên bảo hiểm, nhân viên bán hàng... để có nguồn thu nhập để tiếp tục học lên cao học. Và hiện nay may mắn đã xin được vào một trường chuyên nghiệp.

Biết bao gia đình ở nông thôn khi nghe tin con thi đỗ ĐH, đặc biệt là ĐH SP đã hết sức vui mừng, đã phải vắt kiệt sức, chắt bóp từng đồng lo cho con cái ăn học. Vậy mà ra trường, sinh viên SP lại chật vật không xin được việc. Thật đáng buồn thay!

Để vào công chức là chuyện vô cùng khó khăn vì các đợt tuyển công chức chỉ tiêu rất ít, trong khi đó đi dạy hợp đồng lương bèo bọt, mà không phải ai cũng xin được dạy hợp đồng. Nhà nước cho sinh viên nghèo vay vốn để học, nhưng học xong ra trường không có việc làm thì họ biết trông cậy vào đâu để trả nợ cho nhà nước? Bởi thế, nhiều gia đình, phụ huynh không muốn con mình thi vào SP, bởi đơn giản các ngành khác dễ tìm việc hơn, lương cao, nhiều cơ hội thăng tiến và chưa kể một số thuận lợi khác. Cũng bởi vậy mà việc nhiều học sinh giỏi chọn ngành nghề khác để lập nghiệp, lập thân là điều đương nhiên.

Thùy Dương
Giáo viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa