Top 5 đột phá công nghệ sẽ thay đổi hoàn toàn cách dạy và học trong 10 năm tới

Trường Thịnh

(Dân trí) - Metaverse, AR/VR, deep-neural network, Personalized Learning... được đánh giá sẽ thay đổi hoàn toàn cách dạy và học trực tuyến tại Việt Nam và thế giới.

20 chuyên gia hàng đầu đến từ ĐH Harvard, Oxford, Stanford và các startup Earable, Clevai Math, Elsa… đã cùng quy tụ và thảo luận về tương lai và xu hướng của công nghệ giáo dục tại sự kiện "TechForStudy" vừa qua.

Top 5 đột phá công nghệ sẽ thay đổi hoàn toàn cách dạy và học trong 10 năm tới - 1

Hệ thống deep-neural network mô phỏng não bộ con người

Deep-neural network được xây dựng với mục đích mô phỏng hoạt động não bộ của con người. Đi đầu ứng dụng deep-neural network vào sản xuất ô tô tại Việt Nam, TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng VinAI - Vingroup, Nguyên NCCC Google Deepmind phân tích: "Hệ thống deep-neural network bắt được những hình ảnh, thông tin từ camera cũng như góc lái, cách người lái tương tác... tập hợp lại và đưa ra đánh giá về mức độ tập trung, hướng nhìn".

TS. Hưng khẳng định: "Công nghệ này hoàn toàn có thể tùy biến và áp dụng cho giáo dục". Cụ thể, công nghệ này giúp xác định mức độ tập trung, thái độ, cách tương tác của người học. Từ đó mà người dạy định hình phong cách truyền tải phù hợp và hiệu quả nhất.

Metaverse - "xu hướng không thể cưỡng lại" dự báo soán ngôi Internet

Metaverse (vũ trụ ảo/vũ trụ số) là nơi hội tụ của thế giới vật lý, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) giúp con người thực hiện toàn bộ hành vi như ở đời sống thực. Facebook, Microsoft, Tencent hay Nvidia,... đều đặt mục tiêu chiếm lĩnh metaverse.

TS. Vũ Duy Thức (ĐH Stanford), Co-Founder & CEO Ohmnilabs nhận định: "Metaverse là một xu hướng không thể cưỡng lại trong xu thế xã hội và nhu cầu con người. Nó giúp con người xóa khoảng cách về địa lý, khoảng cách về định danh, định tính".

Dưới góc độ nhà phát triển hệ sinh thái về toán học, Th.S. Trần Mạnh Thắng, Co-Founder & CEO Clevai Math đánh giá: "Metaverse sẽ khiến AR/VR trở nên phổ biến như Internet giúp phổ biến điện thoại thông minh, và sẽ mở ra vô số cơ hội cho giáo dục. AR/VR mà không có metaverse thì cũng giống như điện thoại thông minh mà ngắt kết nối Internet".

Với sự phổ biến của metaverse, người dùng thế hệ Z và Alpha có khả năng sẽ xóa sổ "lối mòn" của nền giáo dục đúc ép trong khuôn mẫu truyền thống nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Top 5 đột phá công nghệ sẽ thay đổi hoàn toàn cách dạy và học trong 10 năm tới - 2

Thiết bị theo dõi sóng não sẽ thay đổi giáo dục một cách cơ bản

PGS. TS Vũ Ngọc Tâm (ĐH Oxford), Founder & CEO Earable cũng chia sẻ: "Thiết bị theo dõi sóng não sẽ đo các chỉ số như cơ mặt, sự di chuyển của mắt, nhịp tim, nồng độ oxi trong máu, tiếng nói và sự di chuyển của đầu. Từ các thông tin quan trọng này chúng ta có thể đánh giá được mức độ tập trung của người học, học sinh có đang hiểu bài và hứng thú với nội dung đang được học hay không, từ đó suy ra được kiến thức mà học sinh đã thu nạp được Thiết bị này có tiềm năng thay đổi giáo dục một cách cơ bản."

Học bằng AR/VR… tốt hơn học trên lớp truyền thống?

GS.TS Lê Anh Vinh (ĐH Harvard) - Phó Viện trưởng phụ trách Viện khoa học giáo dục Việt Nam nhận định: "STEM, Lý, Hóa, hay Lập trình công nghệ, thầy cô nhiều khi thực hành trên lớp đâu bằng thực hiện thí nghiệm ảo…Buổi học nếu thiết kế tốt thì tính hiệu quả rất cao. Ta thấy không khác gì, thậm chí tốt hơn khi dạy offline mà ít ứng dụng công nghệ".

Các nền tảng giáo dục bằng công nghệ thực tế ảo, thí nghiệm ảo được đánh giá cao trên thế giới hiện nay gồm Labster, PHET hay PNX Lab - mở ra cho người học nhiều hơn ở khía cạnh công nghệ những môn về Năng lượng, Thủy năng, Nhiệt lực học... bên cạnh các môn học chủ đạo.

Top 5 đột phá công nghệ sẽ thay đổi hoàn toàn cách dạy và học trong 10 năm tới - 3

Cá nhân hóa học tập với Machine learning, DILIVE và Amazon Rekognition

Personalized Learning - Cá nhân hóa học tập là hình thức cho người học quyền chủ động trong quá trình học tập theo mạch tư duy cá nhân. "Các ví dụ về Personalized Learning bao gồm Quizlet Learning, sử dụng "machine learning" để tạo ra lộ trình hợp lý nhất cho người học, và có tới 92% học sinh cải thiện điểm số. Hay startup Cognii tạo ra 1 trợ lý ảo, đặt câu hỏi cho người học, từ đó phân tích và gợi ý, hướng dẫn để người học nắm bắt kiến thức" - anh Nguyễn Phan Dũng, CTO Clevai Math chia sẻ.

Tại Việt Nam, Clevai Math cũng là nền tảng đầu tiên ứng dụng thành công hệ thống DILIVE (live streaming 2 thầy 1 trò) hay công nghệ Amazon Rekognition giúp nhận diện 8 loại cảm xúc của học sinh. Đây được đánh giá là tương lai của giáo dục Việt Nam với tiềm năng lọt top 5 hệ sinh thái đào tạo trực tuyến tại khu vực trong 5 năm tới.

Chuỗi sự kiện "TechForStudy: Giải quyết nhức nhối khi học Online - bằng Sức mạnh công nghệ & Phong cách mới" bao gồm 4 sự kiện được tổ chức vào 10:00 sáng Chủ Nhật hàng tuần, do Startup Grind phối hợp với Clevai Math - nền tảng học toán trực tuyến, FIIS - Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Đại học Ngoại thương, và các đối tác cộng đồng TFI, Global Shapers, NEU-Andrews MBA, Jobhopin, TopCV phối hợp tổ chức.

Xem thêm những chia sẻ ấn tượng của các diễn giả trong TechForStudy tại: https://clevai.edu.vn/techforstudy