Top 10 sự kiện Giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu nhất năm 2021
(Dân trí) - Năm qua, Giáo dục nghề nghiệp nước nhà có nhiều dấu ấn thể hiện sự linh hoạt, "vượt bão" Covid-19, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, sứ mệnh của ngành trong điều kiện khó khăn, thách thức.
1. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất
Sáng 18/11/2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương lao động hạng Nhất cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Tại buổi lễ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao danh hiệu cao quý này cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được thành lập từ năm 1998, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về GDNN (trừ sư phạm) trong phạm vi cả nước; quản lý, thực hiện các dịch vụ công về GDNN thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021 trao giải 14 huy chương Vàng
Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021 (lần thứ 12) diễn ra từ ngày 1/12 đến 12/12/2021 đã thu hút 109 thí sinh dự thi với 11 nghề, thuộc 14 đoàn trong nước tham dự. Kết quả, có 14 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc, 15 huy chương Đồng.
Đây là lần đầu tiên các nghề thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên phần mềm do Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long xây dựng và được sự thống nhất của Ban tổ chức để kỳ thi diễn ra an toàn trước diễn biến của dịch Covid-19.
Chiều 12/12/2021, Hội Đồng thi Quốc gia số 1 đã diễn ra Hội nghị tổng kết Kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12, năm 2021.
Kỳ thi đảm bảo tính minh bạch, khách quan và công bằng; hợp tác, đổi mới, an toàn và bảo mật góp phần cho một kỳ thi kỹ năng nghề thành công, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực đổi mới chất lượng các kỳ thi kỹ năng nghề, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ".
"Qua kỳ thi được tổ chức thành công không có tiền lệ này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ban tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021 và trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh long có thể báo cáo với lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với Chính phủ rằng chúng ta đã làm chủ công nghệ số và tổ chức những sự kiện trực tuyến ngang tầm khu vực và thế giới", ông Cao Hùng Phi, Phó chủ tịch Hội đồng thi Quốc gia số 1, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long khẳng định.
3. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạo điều kiện cho trường nghề dạy văn hóa THPT
Vào dịp đầu năm 2021, 1 triệu học sinh "tắc" đường học văn hóa là vấn đề được cộng đồng giáo dục nghề nghiệp quan tâm. Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật ngày 26.3 đã gửi công văn lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "kêu cứu" về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang bị ách lại do Bộ GD-ĐT chậm ban hành thông tư quy định liên quan.
Để tháo gỡ vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành giáo dục các cấp tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở GDNN theo kiến nghị của Bộ LĐ-TB&XH và Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo đúng quy định tại khoản 4, điều 28 Luật Giáo dục 2019, khoản 4 Điều 33 Luật GDNN 2014, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện các cơ sở GDNN, giáo dục đại học, các tổ chức khác đủ điều kiện đều có trách nhiệm tham gia thúc đẩy GDTX theo đúng quy định của pháp luật.
4. Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Startup Kite 2021
Được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2021, cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Startup Kite 2021 đã được phát động và lan tỏa mạnh mẽ đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thông qua cuộc thi học sinh, sinh viên đã chủ động, năng động, sáng tạo tìm tòi các ý tưởng sản xuất, kinh doanh gắn với lợi ích cộng đồng, gắn với bảo vệ môi trường, gắn với chủ trương phát triển kinh tế, xã hội.
Tại Vòng chung kết, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 29 dự án khuyến khích và 1 giải Đội Startup được yêu thích nhất thông qua bình chọn qua fanpage facebook của Ban tổ chức.
5. Lần đầu tiên Việt Nam có nữ Đại sứ Kỹ năng nghề
Ngày 14/07/2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã công bố 10 đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2021. Trong số 10 Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam mới được bổ nhiệm có 3 Đại sứ là nữ.
Như vậy, cùng với 10 Đại sứ Kỹ năng nghề 2021, Việt Nam đã có 20 Đại sứ Kỹ năng nghề.
10 Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2021 được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) công bố là những sinh viên, giáo viên, người lao động... có thành tích xuất sắc trong học tập, giảng dạy cũng như có nhiều hoạt động tích cực truyền cảm hứng Kỹ năng nghề trong xã hội.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), 10 đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2021 là những người trẻ tài năng. Trong thời gian tới đây, các đại sứ kỹ năng nghề sẽ dùng ảnh hưởng cá nhân để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Qua đó, góp phần giúp học sinh, sinh viên có cách hiểu đầy đủ, chính xác về học nghề, lập thân, lập nghiệp, trở thành những người có kỹ năng nghề đóng góp cho xã hội.
6. Mức trần học phí trường nghề năm 2021-2022 giữ ổn định, không tăng
Tháng 8/2021, Chính phủ ban hành quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong đó, có mức học phí đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
7. Hỗ trợ người lao động khó khăn vì Covid-19 tối đa 9 triệu đồng để học nghề
Ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Trong Mục 3 của Nghị quyết quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng khi thỏa mãn một số quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Như vậy mức hỗ trợ tối đa sẽ là 9 triệu đồng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
"Trước yêu cầu trên, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai các nội dung quy định về chính sách hỗ trợ theo trình tự, thủ tục rút gọn", TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay.
8. Sẽ đào tạo, đào tạo lại nhân lực cho 20 ngành nghề mới
Năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 phê duyệt Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0".
Theo đó, mục tiêu của chương trình là đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.
Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 300.000 lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới một năm.
Đối tượng tham gia đào tạo của chương trình là học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đối tượng tham gia đào tạo lại là người lao động trong các doanh nghiệp.
Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2025. Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp các Bộ GD-ĐT, Kế hoạch - đầu tư, Tài chính triển khai thực hiện.
9. Hơn 90.000 nhà giáo trường nghề chính thức được miễn chứng chỉ ngoại ngữ
Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 21/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Với việc ban hành Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020, Bộ LĐ-TB&XH chính thức bỏ yêu cầu nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần giải tỏa áp lực cho hơn 90.000 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
10. Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021
Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 diễn ra từ ngày 12-18/11 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 400 nhà giáo, đại diện cho hơn 83.000 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên cả nước, truyền đi thông điệp "Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Đổi mới - Sáng tạo - Thích ứng - Hội nhập, nhân tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam".
Hội giảng đã huy động được tinh thần, trí tuệ, khả năng tư duy, sáng tạo và tài năng sư phạm của đông đảo các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc.
Nhiều bài giảng thành công trong việc áp dụng công nghệ mới, ứng dụng thành thạo, hiệu quả công nghệ thông tin, các phần mềm mô phỏng vào việc minh họa các kỹ năng khó, đòi hỏi tiêu chuẩn, độ chính xác cao, tạo nên sức hấp dẫn đối với người học, nâng cao hiệu quả giờ giảng.
Ban Giám khảo đã đánh giá, chấm điểm hơn 4.000 lượt bài giảng sáng tạo của hơn 400 thầy, cô giáo dạy giỏi đến từ 55 tỉnh, thành và 6 bộ, ngành. Kết quả, Ban Tổ chức trao 7 giải tập thể, 20 giải Nhất, 40 giải Nhì, 80 giải Ba cho các giảng viên xuất sắc.
Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH trao Bằng khen tặng 7 nhà giáo đạt giải Nhất, giải Nhì và giải Ba tại Cuộc thi Thiết kế bài giảng trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp năm 2021.