Tổng lãnh sự Anh: Tuyên bố của Sở GD-ĐT TPHCM gây hiểu nhầm

(Dân trí) - Ngày 4/7, Tổng lãnh sự Anh tại TPHCM đã có thông cáo khẳng định lại không có sự hợp tác giữa Sở GD-ĐT TPHCM hay EMG với Bộ Giáo dục Anh (DFE). Tuyên bố về sự hợp tác này của Sở GD-ĐT TPHCM đã gây hiểu nhầm.

Tổng Lãnh sự Anh tái khẳng định: Không có sự hợp tác           

Trong thông cáo phát đi, ông Douglas Barnes, Tổng lãnh sự Anh tại TPHCM tái khẳng định: “Tuyên bố của Sở GD-ĐT TP HCM về chương trình đào tạo tiếng Anh tích hợp tại buổi họp báo ngày 23/6/2014 liên quan đến sự hợp tác giữa Sở GD-ĐT/ EMG với Bộ Giáo dục Anh (DFE)/ Cơ quan khảo thí quốc gia Anh (STA) đã gây hiểu nhầm”.

Tuyên bố này được đưa ra khi phúc đáp Công văn số 2163/GDDT-VP đề ngày 1 tháng 7 năm 2014 của Sở GD-ĐT TPHCM.

Tổng lãnh sự Anh: Tuyên bố của Sở GD-ĐT TPHCM gây hiểu nhầm
Tổng lãnh sự Anh tại TPHCM tái khẳng định không có sự hợp tác giữa Sở GD-ĐT TPHCM hay EMG với Bộ Giáo dục Anh (DFE) và cho rằng tuyên bố về sự hợp tác này của Sở GD-ĐT TPHCM đã gây hiểu nhầm.

Tại Công hàm ngày 4/7/2014 của Tổng lãnh sự quán Anh gửi Sở GD-ĐT TPHCM, ông Douglas Barnes cho biết thêm:
 
Sở GD -ĐT TPHCM thông báo đến công chúng về mối quan hệ hợp tác mà Sở đã thiết lập với một cơ quan chính phủ của Anh quốc (Bộ Giáo dục) và một Ban ngành (Cơ quan Khảo thí) của Anh mà không tham vấn với Tổng lãnh sự quán Anh để làm rõ về mối quan hệ với Bộ Giáo dục Anh (DFE) và Cơ quan khảo thí quốc gia Anh (STA).

Điều này dẫn tới việc Tổng lãnh sự Anh không còn bất cứ sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm rõ vấn đề theo quan điểm của DFE and STA. Vì vậy, đại sứ quán Anh đã ra Thông cáo Báo chí ngày 30 tháng 6 năm 2014.

Hơn nữa, Sở GD-ĐT TPHCM và EMG đã viện dẫn cuộc gặp gỡ với DFE/ STA hồi tháng 12/2011 và cho rằng cuộc gặp gỡ đó thể hiện sự hỗ trợ của DFE và STA đối với chương trình đào tiếng Anh tích hợp của Sở.

Trong khi trên thực tế tại buổi gặp đó đại diện DFE/STA chỉ giới thiệu về chương trình giảng dạy của Anh và chia sẻ thông tin truy cập chương trình học và thi tiếng Anh của STA trên mạng internet. Một buổi làm việc như vậy với một phái đoàn quốc tế đứng đầu là một bộ ngành của chính phủ như Sở GD-ĐT TPHCM chỉ là một sự kiện thông thường để DFE và STA cung cấp thông tin về chương trình giảng dạy tiếng Anh của Anh ra toàn cầu. Cuộc gặp này không có nghĩa là đã có thỏa thuận giữa DFE/STA và Sở GD-ĐT/EMG.

Công hàm này cũng xin lưu ý với Sở GD-ĐT về chính sách của DFE: DFE/STA không bao giờ tham gia vào việc tổ chức thi cử của các quốc gia khác hoặc của chính quyền địa phương ngoài vương quốc Anh. Tương tự, Chính phủ Anh cũng không có bất cứ vai trò nào trong việc giám sát thực hiện chương trình giảng dạy của CIE hay của bất cứ chương trình dạy tiếng Anh nào ở nước ngoài.

Công hàm của Tổng lãnh sự quán còn cho biết thêm rằng khi Tổng lãnh Sự quán nhận yêu cầu làm rõ từ báo chí địa phương về những tuyên bố của Sở GD-ĐT ngày 23/6. Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Anh chỉ đơn thuần nêu lên thực trạng.

Tổng lãnh sự quán Anh TPHCM không hề đề cập đến một văn bản thảo thuận đã ký kết hay chưa ký giữa Bộ Giáo dục Anh hay Cơ quan Khảo thí vương quốc Anh với Sở GD-ĐT TPHCM. Vì vậy, Tổng Lãnh sự quán Anh không cần phải đính chính thông tin đã nêu tại Thông cáo Báo chí ra ngày 30/4/2014.

Tổng lãnh sự quán Anh cũng nhấn mạnh rằng vương quốc Anh vẫn mong muốn tiếp tục làm việc với Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra, Tổng lãnh sự quán Anh vẫn rất mong có một cuộc gặp gỡ để thảo luận với Sở GD-ĐT TPHCM về vấn đề này và tìm phương thức để tăng cường hơn nữa sự hợp tác về giáo dục giữa hai bên trong thời gian sắp tới.

Phát biểu gây hiểu nhầm?

Có việc phản hồi qua lại giữa lãnh sự quán Anh và Sở GD-ĐT TPHCM trong những ngày qua xuất phát từ những phát biểu của ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM trong buổi họp báo ngày 23/6/2014 về việc triển đề án Tích hợp. Khi đó ông Lê Hồng Sơn có nói rằng, đây (chương trình Tích hợp - PV) là một chương trình của Bộ Giáo dục Anh, được sự đồng ý của các chuyên gia Bộ Giáo dục Anh.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD - ĐT TPHCM trả lời báo giới trong buổi họp báo ngày 23/6/2014
Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD - ĐT TPHCM trả lời báo giới trong buổi họp báo ngày 23/6/2014.

Sau đó, ngày 30/6, Tổng lãnh sự quán Anh đã gửi đi thông cáo khẳng định không có sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục Anh với Sở GD-ĐT TPHCM trong chương trình Tích hợp của TPHCM.

Ngày 4/7/2014, tại buổi giao ban báo chí TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM không nói là đã có sự ký kết hợp tác với Bộ Giáo dục Anh trong buổi họp báo ngày 23/6. Mà chỉ nói có chuyến đi tham quan làm việc với Bộ Giáo dục Anh và đại diện tiếp đón là tổ chức STA và đơn vị khảo thí của Bộ Giáo dục Anh.

Buổi làm việc diễn ra rất tốt đẹp và STA đã giới thiệu chương trình và đầu ra của Bộ Giáo dục Anh. Vấn đề này có liên quan đến việc cấp chứng chỉ. Đây là chương trình thí điểm, mặc dù tài liệu và chương trình lấy từ trên mạng nhưng được sự cho phép của STA. Vì vậy chúng ta không thể tổ chức thi chứng chỉ quốc tế mà là thi theo nội dung quốc tế và chúng ta chấm qua từng  năm học và do Sở cấp giấy chứng nhận.

Chỉ có lớp cuối cấp, học sinh nào muốn thi thì phải đăng ký phải đóng tiền và STA sẽ cấp chứng chỉ. EMG đã có bản hợp tác và được sự đồng ý của STA để có đầu ra cuối cấp khi học sinh muốn lấy chứng nhận để chuyển đi học chương trình khác thì học sinh sẽ được thi để lấy chứng chỉ quốc tế.
 

Nội dung phát biểu của ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM trong buổi họp báo ngày 23/6/2014 dẫn đến sự hiểu nhầm kể trên:

 
Việc chuẩn bị đề án tích hợp này là từ tháng 12/2011, khi mà tôi đã làm việc với Bộ Giáo dục Anh để bàn chương trình mà Sở GD-ĐT mong muốn có chương trình tích hợp. Lý do vì sao? CIE Cambridge là một trong những hệ thống khảo thí của Anh quốc cũng như của thế giới, khi mà họ xây dựng chương trình thì đây là một trong những chương trình mang tính chất tiên tiến, nhất là dạy các môn Toán, khoa học bằng tiếng Anh.
 
Tôi xin nhấn mạnh khi thực hiện chương trình này cũng mang tính chất thí điểm sau khi được Bộ GD-ĐT đồng ý.  
 
Khi thực hiện chương trình, đã là thí điểm thì chúng ta phải dừng đánh giá lại. Từ năm 2011 tôi đã có ý tưởng này và làm việc với Bộ Giáo dục Anh. Không thể thực hiện chương trình hoàn toàn từ nước bản ngữ, thuộc trường ĐH Cambridge một cách vĩnh viễn. Vì không đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước.

Trong việc học chuyên môn của mình, các em học sinh có quyền tiếp cận những nội dung đổi mới, tiên tiến đó nhưng phải có bản sắc của Việt Nam. Đây là việc đổi mới chúng ta cần làm vì quyền lợi của học sinh.  

 
Tôi khẳng định không phải chương trình thực hiện một cách gấp gáp mà cách đây 3 năm. Trong 3 năm quá trình chúng tôi thực hiện, tất nhiên phải có cơ chế, có chỉ đạo và chờ thời điểm chín muồi.
 
Khi dự các hội thảo khoa học cấp trung ương, của Bộ định hướng cho việc thực hiện này. Và đặc biệt là khi Nghị quyết 29 ra đời, cơ cơ chế giao TPHCM thí điểm, thời điểm chín muồi thì chúng tôi thực hiện triển khai thực hiện chương trình.
 
Đây là một chương trình của Bộ Giáo dục Anh, được sự đồng ý của các chuyên gia Bộ Giáo dục Anh. Ở Sở đã có hai hội đồng chuyên môn thẩm định. Bộ GD-ĐT cũng đã thẩm định và có văn bản chính thức đồng ý triển khai chương trình theo thẩm định của Bộ GD-ĐT.
 
Khi thực hiện đề án, có những ưu điểm: Đây là chương trình có nội dung và phương pháp tích hợp phù hợp với Việt Nam. Đảm bảo được những kiến thức, khoa học, Toán, Tiếng Anh, ngôn ngữ, học thuật để đáp ứng chuẩn đầu ra như các hội đồng khảo thí trên thế giới và ở Anh.
 
Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm