Nữ giáo viên trường y từng gửi 3 con nhỏ cho mẹ chồng để đi chống dịch
(Dân trí) - Hai năm trước, giữa cao điểm đại dịch Covid-19, cô giáo Đỗ Thị Thanh Vân - Trưởng Bộ môn Giải phẫu sinh lý, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai - đã rời giảng đường cùng sinh viên đi vào tâm dịch.
Những ngày tháng không thể nào quên của nữ giảng viên trường y
Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam với nhiều "điểm nóng", cô Đỗ Thị Thanh Vân hòa vào hàng nghìn y bác sĩ và sinh viên trường y tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch tại Bắc Giang, Hà Nội và TPHCM. Đó là những tháng ngày không thể nào quên trong cuộc đời của một giảng viên y khoa như cô.
Cô Đỗ Thị Thanh Vân là Trưởng Bộ môn Giải phẫu sinh lý, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai. Mùa hè hai năm trước, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã cử hơn 1000 lượt giáo viên, sinh viên đi vào tâm dịch. Cô Vân khi đó có 3 con nhỏ, hai con đầu sinh đôi, con thứ ba mới 2 tuổi.
Không suy nghĩ gì nhiều, cô gửi cả ba con cho mẹ chồng ở quê nhờ bà chăm sóc và khoác ba lô lên đường cùng các sinh viên của mình.
Những ngày ròng rã trong tâm dịch ở Bắc Giang, cô Vân chứng kiến biết bao đồng nghiệp gục xuống. Có đồng nghiệp phải điều trị tâm thần, những sinh viên trở thành F0, nhiều học trò của cô ngất đi vì nóng và vì làm việc đến kiệt sức. Còn đại dịch không biết khi nào mới kết thúc.
Nhưng hoàn thành nhiệm vụ trở về, khi người bạn đời cũng là đồng nghiệp tiếp tục lên đường vào tâm dịch TPHCM, cô Vân lại viết đơn xin đi.
Cô tâm sự, lúc đó không nghĩ đến chuyện sống chết, chỉ nghĩ rằng đó là nhiệm vụ của mình. Giảng đường đã đóng cửa, sinh viên vào "tiền tuyến", lẽ nào cô ở lại. Nhưng cấp trên không đồng ý, thuyết phục cô nghĩ đến ba con nhỏ để ở lại Hà Nội, làm công tác chống dịch tại thủ đô.
Vừa lo khám chữa bệnh cho bệnh nhân, vừa tranh thủ giảng dạy online cho sinh viên năm cuối để đảm bảo tiến độ ra trường, cô Vân nhiều lúc quá tải. Có những ngày dài đằng đẵng 11-12 giờ đêm mới trở về nhà, lại thức tới 2-3 giờ sáng để soạn bài giảng, giáo trình cho học trò.
Áp lực công việc bủa vây. Nhiều đồng nghiệp bỏ nghề. Nhưng cô Vân hoàn toàn không nghĩ đến chuyện từ bỏ. Cứ kiên nhẫn từng ngày với từng đầu việc ngổn ngang, chờ cuộc sống trở lại bình thường, để lại được lên giảng đường cùng sinh viên, được chăm sóc và điều trị người bệnh cùng đồng nghiệp.
Xem thành công của học trò là sự nghiệp nối dài của mình
Cô Đỗ Thị Thanh Vân chia sẻ, dạy học là công việc mà cô yêu thích từ nhỏ. Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp ở bậc phổ thông, cô đã chọn nghề y theo định hướng và truyền thống gia đình.
Song, nghề chọn người, sau khi tốt nghiệp, cô sinh viên y khoa được Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận để giảng dạy tại Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai. Cô Vân trở thành cô giáo, như ước mơ thuở nhỏ.
Giảng dạy ở trường nghề có đặc thù riêng. Sinh viên phần lớn chưa xác định được ước mơ, sở thích, lý tưởng của mình, cũng chưa hiểu gì về công việc mà mình sẽ làm trong tương lai. Kiến thức y khoa nặng và khó. Nhiều sinh viên xin bảo lưu, thậm chí xin bỏ học để chọn con đường khác.
Do đó, với mỗi lứa sinh viên mới vào trường, cô Vân luôn dành nhiều thời gian để gần gũi, tâm sự với các em nhằm giúp các em hiểu về nghề và cố gắng nhóm một ngọn lửa của nhiệt huyết và tình yêu với nghề y.
Cô chia sẻ: "Làm nghề y khác các nghề khác ở chỗ nó không thuần túy là một công việc kiếm sống. Tôi vẫn nói với sinh viên của mình rằng, nếu các em sửa tivi, ô tô mà lỡ tay làm hỏng thì có thể đền, nhưng "sửa" một con người mà lỡ tay thì không đền được.
Công việc này vì thế rất vất vả, hiểm nguy nhưng cũng mang lại nhiều giá trị mà không nghề nào có được.
Có sinh viên của tôi đã xin nghỉ học rồi nhưng quyết định quay lại và sau đó còn giành được học bổng du học. Có sinh viên đã bảo lưu học một năm cũng tìm về giảng đường vì nhận ra ước mơ thật sự của bản thân.
Được gặp lại học trò của mình trên giảng đường, dõi theo sự trở về của các em, chứng kiến các em ra trường đi làm và gặt hái thành công trong nghề, tôi vô cùng hạnh phúc như chính mình đạt thành quả.
Tôi xem thành công của học trò chính là sự nghiệp nối dài của mình".
Cô Vân thừa nhận, không phải lúc nào cũng say sưa với nghề. Ngoài xã hội, những người phụ nữ khác xúng xính váy áo, trang điểm xinh đẹp đến công sở, còn những giảng viên kiêm bác sĩ như cô hay đùa với nhau rằng: "Có mặc đẹp đến đâu cũng chỉ để gặp nhau ở nhà gửi xe". Bởi trong viện chỉ có đồng phục blouse trắng và mũ trùm đầu.
Rồi việc gia đình con cái không thể chu toàn. Đối mặt với những bộn bề thường nhật, ba con nhỏ ngày một lớn khôn, nỗi lo cơm áo gạo tiền, cô Vân có lúc nản, nhưng tính chuyện bỏ nghề thì không. "Bởi cứ bước chân lên giảng đường, nhìn thấy sinh viên của mình, tôi lại thấy tràn đầy hứng khởi", cô Vân tâm sự.
15 năm công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, cô Vân duy trì nhịp công việc đều đặn: sáng lên khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống làm việc, chiều sang giảng đường. Những bài học thực tế sinh động được cô mang về giảng cho sinh viên, gắn lý thuyết với thực hành.
Trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Đỗ Thị Thanh Vân là 1 trong 20 nhà giáo được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp vinh danh là Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc.