"Toán học cần thiết giống như không khí"
(Dân trí) - "Ta dùng điện thoại, dùng thẻ tín dụng - những ứng dụng của toán - nhưng cảm thấy "trong suốt", không nhìn thấy toán học từ đó. Điều này rất giống với không khí", GS. TS Hà Huy Khoái ví von.
Chiều ngày 18/6, tham dự một sự kiện truyền cảm hứng về dạy và học toán tại Hà Nội, GS. TS Hà Huy Khoái - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam chia sẻ rằng ông đã dành cả cuộc đời để học toán. Qua quá trình nghiên cứu, GS Khoái nhận thấy rằng những năm đầu đời có ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình học toán.
"Từ những năm đầu đời, khi tư duy của trẻ phát triển nhanh nên các phụ huynh hiện nay rất chú trọng cho con học toán sớm", GS Khoái nói.
GS Khoái cũng lý giải vai trò quan trọng của toán học đối với xã hội. Ông thấy rằng, ứng dụng của toán học trong đời sống hiện nay rất rộng rãi. Ông lấy ví dụ việc tất cả mọi người hiện nay đều đang gắn liền với thiết bị điện thoại di động, đây là một trong những ứng dụng của toán học.
"Toán học rất có ích dù người dùng không nhìn thấy toán học. Tức là khi ta dùng điện thoại, dùng thẻ tín dụng - những ứng dụng của toán - nhưng cảm thấy "trong suốt", không nhìn thấy toán học từ đó. Điều này rất giống với không khí. Toán học và không khí đều rất có ích, rất cần thiết với tất cả mọi người nhưng đều "trong suốt", thầy Khoái ví von.
GS Khoái mong rằng trẻ em được rèn luyện, trưởng thành nhiều hơn qua toán học, học cách vượt qua thử thách.
"Nói như thế nhưng cũng phải khiến trẻ em vui vẻ khi học toán, bởi các em thích thì các em mới học", GS Khoái chia sẻ.
Tại sự kiện này, GS. TS Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tầm quan trọng của toán học và tiếng Anh.
GS Nhung lý giải vì sao toán học quan trọng, ông cho rằng thời đại ngày nay là thời đại của chuyển đổi số, những thuật toán thông minh sẽ khiến cho rất nhiều người thất nghiệp. Phụ huynh cần phải nhìn xa trông rộng, dự đoán được rằng 10-20 năm nữa con em mình ra đời sẽ làm công việc gì.
GD Nhung khuyên rằng, toán học - cha đẻ của công nghệ AI - sẽ là công cụ cho mọi người khi thế giới có nhiều sự biến động. Ông Trần Văn Nhung tin rằng: "Toán học sẽ giúp cho em con chúng ta xoay sở được trong mọi tình huống. Mặc dù có thể sau này các em không theo ngành toán, không làm toán nhưng nếu có tư duy toán tốt, các em sẽ giỏi xoay sở".
Ông Phạm Tuấn Anh - người sáng lập Trường Toán Minh Việt (Minh Việt School of Math) chia sẻ trải nghiệm học toán của chính ông.
Ông Tuấn Anh cho rằng, hàng chục năm qua, phương pháp dạy toán tại Việt Nam còn nhiều vấn đề, khiến đa số học sinh sợ học toán. Trong khi đó, việc lựa chọn học sinh vào trường chuyên chưa tối ưu nên đã bỏ lỡ nhiều tiềm năng toán.
Ông Tuấn Anh chỉ ra, cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp toàn cầu, với thế mạnh toán của Việt Nam, đây là cơ hội để "đất nước hình chữ S" có thể bắt kịp với thế giới. Nếu tận dụng được cuộc cách mạng này, Việt Nam có cơ hội phát triển kinh tế đột phá, đi kèm với rất nhiều lợi ích mang tính chiến lược khác cho tương lai của đất nước và dân tộc.
Và để làm được điều đó, Việt Nam cần chuẩn bị lực lượng lao động tri thức sở hữu những kỹ năng tương đồng với thế giới, đặc biệt là toán và tiếng Anh ngay từ bây giờ.
"Cũng như hầu hết học sinh Việt Nam, bản thân tôi không phải là người giỏi Toán và ở trường phổ thông thì ông sợ lượng giác và hình học không gian. Tuy nhiên, khi đến Mỹ học kinh tế học, tôi thấy rằng cách nước Mỹ dạy toán rất khác với Việt Nam. Sự khác biệt lớn nhất là thay vì sợ toán như khi học tại Việt Nam, tôi đã yêu học toán khi học nó ở Mỹ.
Mặc dù lúc đó tuổi tác đã lớn hơn, nhưng tôi nhận ra rằng, nếu như có thể mang phương pháp dạy toán của Mỹ và nhất là cách dạy toán rất tiện dụng và thực tiễn của Mỹ đến cho trẻ em Việt Nam thì khả năng cao là sẽ làm cho các em bớt sợ toán giống y hệt như trải nghiệm của tôi khi được học toán kiểu Mỹ", ông Tuấn Anh bày tỏ.
Qua sự kiện truyền cảm hứng về học toán này, hàng trăm vị phụ huynh cùng các em nhỏ đã có thêm được những kiến thức bổ ích, hiểu được vì sao toán học lại cần thiết với cuộc sống. Từ đó, các em nhỏ được kích thích sự tò mò, niềm yêu thích đối với toán học.