Tọa đàm “Góc nhìn thẳng” về nghề lập trình viên tại Việt Nam

(Dân trí) - Với mong muốn mang đến một cách nhìn đúng đắn hơn về nghề lập trình, hôm qua 13/4, Trường Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech đã tổ chức buổi tọa đàm “Nghề lập trình: Góc nhìn thẳng”.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Phan Phương Đạt - phó Tổng giám đốc Công ty phần mềm FSoft, ông Bùi Trần Lượng - phó Tổng giám đốc Công ty phần mềm Luvina cùng đông đảo các học viên ngành CNTT...

Tương lai của nghề lập trình viên


Tương lai của nghề lập trình viên

Đánh giá về mức độ phát triển của các công ty xuất khẩu phần mềm trong năm 2012 vừa qua, lãnh đạo của hai công ty phần mềm FSoft và Luvina đều rất lạc quan. Bất kể thị trường kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn, việc kinh doanh của ngành vẫn phát triển. Như công ty phần mềm FSoft trong năm qua đã tăng trưởng hơn 30% doanh số, lượng nhân viên tăng từ 4000 lên 5.000 người. Năm nay, công ty quyết tâm đạt mức doanh số 100 triệu đô la.

Tuy vậy, để có được con số 5.000 nhân viên này, FSoft đã phải cố gắng điều chỉnh tiêu chuẩn tuyển dụng. Cũng như nhiều công ty khác trong ngành phần mềm, họ không chỉ tuyển người đã có kinh nghiệm mà còn chấp nhận tuyển những người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm (fresher) để đào tạo thêm, giúp các “fresher” vừa làm việc vừa nâng cao trình độ.

Đối với công ty phần mềm Luvina, tình hình cũng khá “gay cấn”. Công ty chuyên nhận gia công phần mềm của nước ngoài vì vậy nguồn nhân lực tuy tuyển dụng ở trong nước, làm việc ở trong nước nhưng phải đáp ứng những tiêu chí cao từ phía bạn.

Ông Bùi Trần Lượng - phó Tổng giám đốc Công ty phần mềm Luvina chia sẻ: “Trong khi công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng của phía đối tác không ngừng nâng cao, việc chúng ta có đáp ứng được hay không không phải là vấn đề quan trọng đối với họ. Nếu chúng ta không đủ sức đáp ứng, họ luôn có sự lựa chọn mới ở những thị trường khác. Chỉ bằng cách tạo ra những sản phẩm có chất lượng, ngành phần mềm Việt Nam mới có chỗ đứng tại các thị trường công nghệ rộng lớn ở nước ngoài.

Muốn làm được điều này, chúng ta phải có định hướng đối với sự phát triển của nguồn nhân lực trong ngành CNTT. Hiện nay, các bạn trẻ chịu nhiều tác động từ gia đình và xã hội. Những lựa chọn công việc của các bạn không hẳn xuất phát từ sự yêu thích mà đôi khi là vì định hướng của cha mẹ hoặc những làn sóng nghề nghiệp “hot” trong xã hội.”

Đầu ra luôn rộng mở, đầu vào đóng vai trò quyết định

Ông Phan Phương Đạt và ông Bùi Trần Lượng đều khẳng định thị trường lao động trong ngành CNTT luôn rộng mở chỉ cần nhân lực đầu vào đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Sự phát triển của ngành CNTT không rộ lên như nhiều ngành khác nên thường không tạo thành làn sóng nghề “hot” trong xã hội.

Tương lai của nghề lập trình viên


“Hiện giờ, các bạn trẻ đều muốn làm giàu nhanh, ít phải vất vả mà nghề lập trình viên đòi hỏi một quá trình tích lũy kinh nghiệm nhất định (ít nhất từ 2-3 năm), phải lao động trí óc thường xuyên. Các bạn trẻ nên hiểu mỗi nghề đều có những đặc thù riêng, những khó khăn riêng mà đã theo nghề là phải chấp nhận”, ông Phan Phương Đạt chia sẻ.

“Trong ngành CNTT, khi còn là một “fresher”, các bạn trẻ nên hiểu chân lý làm nghề: kiếm được 1 đồng doanh số sẽ kiếm được 10 đồng tri thức. Những gì bạn tích lũy trong 2-3 năm đầu làm nghề sẽ cho bạn gặt hái thành quả về sau. Đừng sốt ruột vì mức lương khởi điểm không cao như bạn mơ ước, sự tích lũy cần mẫn sẽ cho bạn cơ hội tiến xa trong sự nghiệp.”

Như vậy, có phải việc đào tạo ở nhà trường là không đủ để các sinh viên khi ra trường vào các công ty làm việc? Điều này không chính xác. Các nhà tuyển dụng đều cho rằng học sinh tốt nghiệp ở các trường CNTT ra đã có một lượng kiến thức nền nhất định, đủ để làm nghề.

Nhưng giữa chương trình học ít biến động và thực tế luôn vận động cũng như khoảng trống giữa lý thuyết và thực tế, việc tiếp tục học tập, tích lũy trong quá trình làm nghề là bước phát triển thứ hai sau việc học ở nhà trường. Quá trình trải nghiệm thực tiễn trong công việc là không thể thiếu.

“Làm lập trình viên không quá vất vả”

Đó là chia sẻ tại buổi tọa đàm của bạn Nguyễn Mạnh Linh, cựu sinh viên trường Aptech, hiện đang làm lập trình viên. Theo Linh, áp lực của nghề lập trình viên không phải là quá lớn bởi nó không kéo dài từ ngày này qua ngày khác.

Tương lai của nghề lập trình viên


Áp lực mà họ phải đối mặt là theo từng dự án. Khi đang trong một dự án, để đuổi kịp thời gian, có những ngày lập trình viên phải làm việc 16-20 tiếng. Nhưng bù lại khi dự án kết thúc, họ sẽ có nhiều thời gian rảnh.

Sức ép lớn nhất trong ngành là vấn đề thời gian, trong khoảng thời gian nhất định, bạn phải hoàn thành một khối lượng công việc được giao.

Theo đánh giá của ông Bùi Trần Lượng, áp lực của ngành CNTT đối với một bộ phận lao động Việt Nam là quá tải bởi họ sinh hoạt không có kỷ luật cao, cách làm việc chưa chuyên nghiệp, chưa khoa học.

“Giá trị cạnh tranh trong ngành phần mềm là tốt - nhanh - rẻ, hay nói cách khác yếu tố chất lượng, thời gian và giá thành chính là những điều kiện quyết định để khách hàng tìm tới với công ty. Việc phải làm thêm giờ và đôi khi làm việc ban đêm để kịp tiến độ “giao hàng” là một đặc tính của ngành.

Ngoài ra, ngành CNTT Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định, đa số kỹ sư CNTT của ta còn trẻ nên có thể tiếp cận với công nghệ mới rất nhanh. Việc lệch múi giờ với nước bạn cũng là một lợi thế để ta tranh thủ chạy đua với thời gian nhằm “giao hàng” đúng hẹn. Trong ngành CNTT, tiền lương “cứng” và tiền làm thêm giờ nhiều khi ngang nhau.

Vấn đề của đa số bạn trẻ muốn theo ngành CNTT hiện giờ là niềm tin và đam mê, ngoài ra, nghề này cũng đòi hỏi người học phải đầu tư thời gian và tiền bạc với những khóa học nâng cao có khi lên tới hàng trăm triệu. Nhưng sự đầu tư nào cũng có cái giá của nó, hãy tin rằng nghề sẽ không bạc đãi các bạn.”

Pi Uy