Tìm hiểu về hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ dành cho du học sinh

Vũ Quỳnh Mai

(Dân trí) - Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ có thể tương đối phức tạp, tuy nhiên nếu du học sinh tìm hiểu và được hướng dẫn đúng cách, các bạn sẽ yên tâm hơn trong việc đưa ra quyết định để giữ gìn sức khỏe.

International Student (nguồn tài nguyên trực tuyến hàng đầu dành cho sinh viên quốc tế trên toàn thế giới) đã tổng hợp và cung cấp thông tin hữu ích về hệ thống chăm sóc sức khỏe, các loại bảo hiểm, yêu cầu về visa và các dịch vụ y tế tại Mỹ. Bằng việc trang bị đầy đủ kiến thức và đưa ra lựa chọn chăm sóc đúng cách, du học sinh có thể có một sức khỏe tốt cũng như có cuộc sống du học Mỹ đáng nhớ.

Tìm hiểu về hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ dành cho du học sinh - 1

Việc trang bị đầy đủ kiến thức và đưa ra lựa chọn chăm sóc đúng cách, du học sinh có thể có một sức khỏe tốt cũng như có cuộc sống du học đáng nhớ (Ảnh: iStock).

Hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm ở Mỹ

Ở Mỹ, chăm sóc sức khỏe chủ yếu do tư nhân tài trợ. Các chương trình bảo hiểm tư nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhiều bác sĩ và dịch vụ y tế, và thường có thể nhận được các dịch vụ chuyên khoa một cách nhanh chóng.

Một số nhóm dân cư có thể được hưởng dịch vụ chăm sóc từ chính phủ, tuy nhiên sinh viên quốc tế thường không đủ điều kiện để nhận các dịch vụ này do không có quốc tịch Mỹ.

Các công ty bảo hiểm y tế ở Mỹ đóng vai trò như cầu nối giữa khách hàng và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, bệnh viện,... Khi lựa chọn kế hoạch bảo hiểm, sinh viên cần cân nhắc mạng lưới các nhà cung cấp cũng như chi phí có thể phát sinh.

Chi phí tự chi trả là những khoản tiền du học sinh phải tự thanh toán cho các dịch vụ y tế vì chúng không được bảo hiểm chi trả. Việc hiểu rõ các loại chi phí này rất quan trọng, đặc biệt đối với các sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau ở Mỹ, những người có thể lần đầu tiếp xúc với hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Khấu trừ (Deductibles) là số tiền sinh viên phải trả trước cho các dịch vụ trước khi bảo hiểm bắt đầu chi trả phần còn lại. Sau khi đã trả hết số tiền khấu trừ, các bạn sẽ cần phải trả thêm một phần chi phí được biết đến là chi phí đồng bảo hiểm (Coinsurance) cho các dịch vụ y tế tiếp theo và phần này thường được tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng chi phí.

Chi phí đồng thanh toán (Copayments) là các khoản tiền cố định mà du học sinh phải trả cho mỗi lần sử dụng dịch vụ, ví dụ như khám bác sĩ hoặc mua thuốc kê đơn. Nếu sử dụng các dịch vụ bảo hiểm không bao gồm, các bạn sẽ phải tự trả toàn bộ chi phí, có thể kể đến các loại điều trị chuyên khoa đặc biệt hoặc các thủ tục y tế tự chọn.

Tìm hiểu về hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ dành cho du học sinh - 2

Khi lựa chọn kế hoạch bảo hiểm, sinh viên cần cân nhắc mạng lưới các nhà cung cấp cũng như chi phí có thể phát sinh (Ảnh: iStock).

Hướng dẫn lựa chọn bảo hiểm sức khỏe cho sinh viên quốc tế

Việc lựa chọn và sở hữu bảo hiểm phù hợp là điều rất quan trọng để giữ gìn sức khỏe và an tâm khi du học ở Mỹ. Sinh viên quốc tế thường có hai lựa chọn chính: bảo hiểm sức khỏe do trường đại học cung cấp hoặc bảo hiểm sức khỏe riêng từ các công ty bảo hiểm.

Nhiều trường đại học ở Mỹ cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho sinh viên đến từ các quốc gia khác, với các gói bảo hiểm toàn diện, chi phí hợp lý và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc chất lượng cao. Tuy nhiên, điều kiện để tham gia vào các gói bảo hiểm này có thể khác nhau tùy thuộc vào từng trường và các yêu cầu cụ thể của từng gói bảo hiểm.

Bảo hiểm sức khỏe độc lập có thể bao gồm chi phí cho các tình huống khẩn cấp, như tai nạn và cấp cứu, cũng như dịch vụ bác sĩ và điều trị những căn bệnh mới. Bảo hiểm này thường linh hoạt hơn và có thể cung cấp thêm các tùy chọn mà các gói bảo hiểm sức khỏe do trường đại học cung cấp không có.

Khi chọn một kế hoạch bảo hiểm sức khỏe, du học sinh cần xem xét các yếu tố sau: quyền lợi, các dịch vụ hoặc điều trị không được bảo hiểm chi trả, giới hạn bảo hiểm (ví dụ như số lần điều trị hoặc tổng số tiền bảo hiểm), chi phí, danh sách cơ sở y tế nằm trong bảo hiểm, thời gian có hiệu lực, độ tin cậy…

Chia sẻ về trải nghiệm sử dụng hệ thống y tế, Mai Thảo Phạm, nữ sinh Việt đã sống ở Mỹ gần 15 năm và từng chữa trị căn bệnh ung thư máu tại quốc gia này kể lại: "Trải nghiệm của mình tại Massachusetts thực sự rất tốt.

Khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư, bác sĩ đã ưu tiên cho mình nhập viện điều trị ngay lập tức vì mạng sống là điều quan trọng hơn cả. Mình đã nằm viện điều trị trong vài tuần trước khi họ giúp mình hoàn thành thủ tục xin bảo hiểm.

Thời điểm đó, mình vẫn đang là sinh viên và đã trên 18 tuổi, chưa có việc làm ổn định. Do đó, mình được xếp vào diện người có thu nhập thấp và được nhận bảo hiểm Medicaid, hay còn gọi là MassHealth Standard tại bang này. Điều đó có nghĩa là chính phủ đã chi trả toàn bộ chi phí điều trị, nên mình không phải lo lắng về bất kỳ khoản phí nào, kể cả phí bảo hiểm hàng tháng như trước đây.

Hệ thống thiết bị ở đây rất hiện đại, và đội ngũ y bác sĩ đều có chuyên môn rất cao. Vào buổi sáng, bác sĩ chính trực và nhiều bác sĩ thực tập ra vào để theo dõi bệnh nhân. Ban đêm cũng luôn có bác sĩ trực để kiểm tra tình trạng của mình.

Các y tá thì thật sự yêu nghề và tận tâm, nên mình cảm thấy rất thoải mái khi trao đổi hoặc chia sẻ về tình trạng bệnh để họ ghi chép và báo cáo lại cho bác sĩ. Vì mỗi y tá chỉ phụ trách một vài bệnh nhân trong mỗi ca trực nên họ thường xuyên ghé thăm và hỏi thăm sức khỏe của mình".

Tìm hiểu về hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ dành cho du học sinh - 3

Du học sinh cũng nên tìm hiểu trước khi sử dụng các dịch vụ y tế tại Mỹ vì chúng thường được cho là khá phức tạp (Ảnh: iStock).

Yêu cầu về visa và tìm hiểu các dịch vụ y tế tại Mỹ

Sinh viên có visa J-1 phải tuân thủ các yêu cầu bảo hiểm sức khỏe nghiêm ngặt do Bộ Ngoại giao Mỹ quy định. Bảo hiểm cần bao gồm ít nhất 100.000 đô la cho mỗi tai nạn hoặc bệnh tật, với khấu trừ không vượt quá 500 đô la, chi phí vận chuyển y tế về nước lên đến 50.000 đô la, và chi phí hồi hương thi hài lên đến 25.000 đô la. Nếu không duy trì mức độ bảo hiểm này, visa J-1 có thể bị hủy bỏ.

Các yêu cầu bảo hiểm sức khỏe cho sinh viên visa F-1 thường ít nghiêm ngặt hơn so với visa J-1. Tuy nhiên, nhiều trường đại học và cao đẳng yêu cầu sinh viên quốc tế (bao gồm cả visa F-1) phải tham gia bảo hiểm sức khỏe của trường, trừ khi sinh viên có thể chứng minh rằng bảo hiểm độc lập đủ và tương đương.

Du học sinh cũng nên tìm hiểu trước khi sử dụng các dịch vụ y tế tại Mỹ vì chúng thường được cho là khá phức tạp.

Trung tâm cấp cứu (Urgent Care) thường xử lý các vấn đề không đe dọa tính mạng nhưng cần được chăm sóc nhanh chóng. Trung tâm cấp cứu đặc biệt hữu ích khi các bạn không thể chờ đợi để có một cuộc hẹn với bác sĩ đa khoa. Trung tâm thường có giờ hoạt động kéo dài, bao gồm cả buổi tối và cuối tuần. Chi phí tại đây thường thấp hơn so với việc đến phòng cấp cứu.

Phòng cấp cứu tại bệnh viện (Emergency Room - ER) được trang bị để xử lý các tình trạng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, có thể kể đến các triệu chứng đau ngực nghiêm trọng, khó thở, triệu chứng đột quỵ hoặc chấn thương lớn...

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc đến ER có thể tốn kém hơn nhiều so với trung tâm cấp cứu. Trong một số trường hợp, bảo hiểm của các bạn có thể không chi trả các chi phí này nếu ER được xác định là không cần thiết.

Sức khỏe tâm thần là một phần quan trọng của sức khỏe tổng thể, và sinh viên quốc tế tại Mỹ có thể đối mặt với những thách thức đặc biệt ảnh hưởng đến tâm lý của bản thân.

Nhiều trường đại học cung cấp dịch vụ tư vấn và tâm lý, cùng với các đường dây nóng và dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần sẵn sàng giúp đỡ ngay khi cần.

Việc sử dụng hệ thống chăm sóc của Mỹ có thể là một trải nghiệm phức tạp đối với sinh viên quốc tế. Sinh viên nên duy trì sức khỏe thông qua chăm sóc phòng ngừa như khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng, điều trị sớm các tình trạng hiện có,...

Bằng cách hiểu rõ sự khác biệt giữa chăm sóc sức khỏe tư nhân và công cộng, tìm hiểu các lựa chọn bảo hiểm khác nhau, biết cách tiếp cận dịch vụ y tế và lập kế hoạch cho các chi phí, các bạn có thể có một trải nghiệm chăm sóc sức khỏe suôn sẻ và hiệu quả tại Mỹ.

Điều quan trọng là luôn đặt sức khỏe của bản thân lên hàng đầu, bảo vệ quyền lợi và giao tiếp hiệu quả với các chuyên gia y tế.