Tiêu chuẩn mới về xét thăng hạng giáo viên lên hạng II và I

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư 13 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học.

Thông tư 13 không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng đối với giáo viên như Thông tư 34 trước đây do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng.

Thông tư mới chỉ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với giáo viên mầm non, phổ thông, giáo viên dự bị đại học. 

Theo đó, đối với giáo viên mầm non, để được dự xét từ hạng III lên hạng II, giáo viên cần có 2 năm công tác liền kề được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Tiêu chuẩn mới về xét thăng hạng giáo viên lên hạng II và I - 1

Giáo viên coi thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Thành Đông).

Để được dự xét hạng II lên hạng I, giáo viên cần có 5 năm công tác liền kề xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm xếp loại hoàn thành xuất sắc.

Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và dự bị đại học, điều kiện xét thăng hạng II là 3 năm liền kề được xếp loại hoàn thành tốt trở lên. Điều kiện xét thăng hạng I giống như với giáo viên mầm non.

Thông tư 13 cũng quy định cụ thể việc xác định thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tương đương tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc tính thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi giáo viên đăng ký dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Đây là nội dung từng gây tranh cãi và khiến nhiều giáo viên không được xét thăng hạng theo quy định cũ do khái niệm "tương đương" không được làm rõ.

Cụ thể, Điều 13 nêu rõ thời gian được tính vào thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tương đương bao gồm cả thời gian giữ ngạch giáo viên, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thời gian khác được cơ quan có thẩm quyền xác định.

Thời gian tập sự và thử việc không được tính.

Liên quan tới các tiêu chuẩn chuyên môn khi xét thăng hạng, các tiêu chuẩn không có minh chứng bằng văn bằng, chứng chỉ, quyết định, giấy khen… thì có thể thay thế bằng biên bản đánh giá nhận xét của tổ chuyên môn, tổ bộ môn và có xác nhận của người đứng đầu nhà trường trực tiếp quản lý giáo viên.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/12.

Các nội dung quy định tại Thông tư 13 là căn cứ pháp lý quan trọng để địa phương tiếp tục triển khai việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo.

Bộ GD&ĐT cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tỷ lệ chức danh nghề nghiệp hạng I tối đa không quá 10%, tỷ lệ chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương tối đa không quá 50%. 

"Do đó, tiêu chuẩn về xếp loại chất lượng tại Thông tư là phù hợp với yêu cầu về cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, bảo đảm lựa chọn được những giáo viên xứng đáng, có đóng góp được ghi nhận và có sự nỗ lực phát triển nghề nghiệp trong thời gian giữ hạng", Bộ GD&ĐT nhận định.