Tiếp tục xây dựng ma trận trong kiểm tra đánh giá học sinh
(Dân trí) - “Thời gian qua, việc ra đề mở, xây dựng một ma trận đề trong kiểm tra để đánh giá kiến thức một cách toàn diện, tránh học tủ chúng ta đã làm. Còn kiểm tra hướng tới phát triển năng lực người học thì hiện nay đang làm...”.
Trao đổi với báo chí về đổi mới thi cử thời gian tới theo Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã cho biết như vậy.
Theo Thứ trưởng Hiển, trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục xác định khâu tạo nên sự đột phá là khâu kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục. Sở dĩ coi đó là đột phá vì làm ít tốn kém, không cần đầu tư nhiều, khi thay đổi cách thi thì sẽ tác động quay lại thay đổi nội dung dạy học, phương pháp dạy học, đó cũng là nội dung chính trong lần đổi mới lần này.
Thứ trưởng Hiển cho hay, kế hoạch chi tiết về lộ trình đổi mới hiện nay chưa có vì chưa có Đề án đổi mới chương trình SGK. Tuy nhiên đổi mới thi, kiểm tra đánh giá cũng đang đổi mới rồi. Thời gian qua, việc ra đề mở, xây dựng một ma trận đề trong kiểm tra để đánh giá kiến thức một cách toàn diện, tránh học tủ chúng ta đã làm. Còn kiểm tra hướng tới phát triển năng lực người học thì hiện nay đang làm.
Ngoài ra, chúng ta cũng đã tham gia, đánh giá trên phạm vi cả nước các kỳ đánh giá học sinh phổ thông, đó là những yếu tố đổi mới và đã bắt đầu làm. Nhưng muốn đổi mới thi cử một cách toàn diện hơn, đúng với ý nghĩa của nó thì những yếu tố khác của chương trình phổ thông cũng phải đổi mới theo, ví dụ, thiết kế nội dung dạy học, đảm bảo được nghiệm thu trong quá trình, học đến đâu thi, kiểm tra đến đó, sử dụng kết quả đó trong đánh giá cuối cùng. Do đó, thời gian sắp tới, dạy học sẽ theo hướng tích hợp mạnh lớp dưới và phân hóa mạnh ở lớp trên, đây sẽ là bước chuyển tiếp từ tích hợp cao sang phân hóa mạnh.
Đề thi tập trung đánh giá năng lực học sinh
Theo Đề án đổi mới căn bản toàn diện, Bộ GD-ĐT đề xuất hướng đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng cho giai đoạn tới là Đề thi không chỉ tập trung vào việc đánh giá HS biết cái gì mà quan trọng hơn là đánh giá HS làm được gì từ những điều đã biết, tức là tập trung đánh giá năng lực người học. Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo… của HS.
Việc thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng cần kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình học tập (chủ yếu ở cấp THPT) và kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh).
Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục THPT theo hướng tăng cường phân hóa, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt cho học sinh học tiếp sau giáo dục phổ thông bằng cách có ít môn học bắt buộc, có nhiều môn học hoặc chủ đề để HS tự chọn; đồng thời triển khai phong phú các hình thức kiểm tra, thi và đánh giá trong quá trình dạy học, việc công nhận tốt nghiệp THPT, phải dựa trên kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh và kết quả đánh giá cuối cấp học. Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong môn/lĩnh vực học tập nào thì đánh giá kết quả đạt chuẩn đầu ra môn/lĩnh vực đó; kì thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực/môn học để giải quyết một vấn đề chung theo 2 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn.
Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng: dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiếm tra/ thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.
Hồng Hạnh