Tiến sĩ Stanford bàn chuyện "phẫu thuật thẩm mỹ" hồ sơ du học
(Dân trí) - Tiến sĩ tại ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, việc một vài tổ chức tư vấn khuyên học trò "mông má", "phẫu thuật thẩm mỹ" hồ sơ du học chẳng khác nào gieo mầm tham lam, lừa lọc nơi bạn trẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu kể rằng, ngày trước (bây giờ thì ít rồi), anh thường đi chia sẻ ở hội thảo hay sự kiện về du học, đặc biệt là du học Mỹ.
Ở đó, anh đã giật mình "không hề nhẹ" khi nghe "một vài" người lớn/ tổ chức tư vấn khuyên bạn trẻ phải "mông má" và "phẫu thuật thẩm mỹ" hồ sơ du học thế này thế kia - sửa điểm học bạ, nhờ người làm thay bài để nâng điểm, ghi giả chức vụ giải thưởng, bỏ tiền làm cái này cái kia cho có thứ ghi vào hồ sơ...
Tất cả, theo lời của các "chuyên gia", là để đảm bảo có được một chỗ trên giảng đường xứ người, và sau đó là cả một tương lai rộng mở.
"Vẽ đường cho hươu chạy" kiểu đó thật ra chẳng khác nào đánh thức lòng tham trong những đứa trẻ, nếu không muốn nói là gieo mầm lừa lọc vào trong tính cách và sự nông cạn, hời hợt trong cách nghĩ của lũ trẻ chuẩn bị ra biển lớn, bước vào đời", TS Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh.
Báo Dân trí đăng tải bàn luận của TS Nguyễn Chí Hiếu xoay quanh thực trạng này.
TS Chí Hiếu tâm sự rằng, nếu có tổ chức tư vấn du học khuyên học trò "phẫu thuật thẩm mỹ" hồ sơ ứng tuyển thì anh lại thích "quăng chục sợi dây thừng" để kéo bong bóng ước mơ của chúng bớt đụng trần và về với thực tại…
Điều ta mang theo suốt đời không phải tên trường hay tấm bằng đại học
"Mình thích cho chúng... một "gáo nước lạnh" để tỉnh giấc vì mình tin chúng đã đủ lớn để hiểu con đường đến với ước mơ du học ấy không đẹp như nhiều người tô vẽ.
Mình mong chúng hiểu chính những chông gai, ổ gà, gập ghềnh và "lên voi xuống chó" của con đường ấy mới làm nên cái đẹp thật sự của ước mơ.
Tất cả giống như bông hoa tuyết liên không hồng cũng chẳng thắm như những bông sen thường thấy, nhưng có thể hiên ngang, kiêu hãnh bung những cánh hoa xanh trắng trong cái lạnh mùa đông cắt da cắt thịt của dãy Himalaya.
Mình chia sẻ kiểu "ném đá thẳng tay" để tụi nhỏ hiểu rằng có thể nhiều thứ chúng đang học trong trường mỗi ngày và ở những lò luyện thi có thể sẽ không giúp ích mấy cho chúng ngày du học. Chúng sẽ cần nhiều hơn thế để có thể tự bước đi với đầy bản lĩnh.
Chúng cần biết học cách dùng đôi đũa của tinh thần và lý trí để gắp mình đứng dậy mạnh mẽ hơn sau mỗi lần sụp hố - và chắc chắn là sẽ có nhiều cái hố để sụp lắm.
Chúng cần biết cách sống và làm việc ra sao để những người xung quanh nhìn vào mà chẳng hoài nghi, chứ không phải "leo lên đầu" người khác ngồi chỉ bằng cái tên trường hay tấm bằng.
Chúng cần biết cách đi tìm ý nghĩa và mục đích thật sự của cuộc đời để tránh mai kia mải mê theo đuổi một con đường rồi có lúc chợt hối tiếc về một con đường khác, cứ loanh quanh như vậy hoài không dứt.
Chúng cần tìm hiểu những điểm mù, hạn chế của chính đại học mình đang học và cách mình học so với guồng chạy của thế giới và cuộc đời, để ngay từ khi đại học đã nỗ lực để khắc phục những điều này bằng những thói quen mà trường lớp, giáo sư không cho được.
Chúng cần biết cách đặt cái tôi xuống và chấp nhận mình sai mình kém (nếu đúng thế thật), vì chỉ có thế thì chúng mới thật sự... lớn. (Nghiệt ngã là khi ngôi trường chúng theo học càng nổi tiếng thì chúng càng khó đặt cái tôi ấy xuống).
Chúng cần hiểu rằng điều quan trọng nhất không phải là tên trường mà chính là bản thân của chúng - là tư duy, thái độ học tập và cách sống của chúng.
Ngày chúng tốt nghiệp, điều chúng mang theo không phải là một tên trường, tấm bằng hay thứ hạng, mà chính là quá trình chúng trưởng thành, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá thế giới bao la bên ngoài và cả thế giới sâu thẳm bên trong mỗi đứa.
Chỉ có bản thân mỗi người mới có thể thực hiện được cả hai cuộc viễn chinh nội - ngoại ấy, để tìm kiếm, thấu hiểu và hoàn thiện bản thân.
Mỗi ngày, rất nhiều người lớn "làm giáo dục" cứ thích nhồi vào đầu tụi nhỏ những điều nghe rất "bay" nhưng lại chẳng giúp cho chúng luyện đôi cánh thật vững vàng trước những gió mưa khi chúng tách bầy và tự bay giữa trời cao.
Thần chú "Pay it forward" là chân giá trị
Đại học không phải là một bước tiếp theo chúng phải đi, mà chỉ là một sự lựa chọn. Đi như thế nào thì còn tùy mỗi đứa. Với mỗi lựa chọn, chúng cần tìm hiểu xem bản thân có gì, được gì, mất gì, quên gì, đánh đổi gì, cho đi gì và nhận lại gì, và vì vậy chúng cần làm gì, làm như thế nào và vì sao.
Tất cả đều phải do chính bước chân và bàn tay, khối óc và con tim của chúng tự tìm câu trả lời.
Có khi đang mải mê sẻ chia với đám đông, mình bất chợt nhận ra, đâu đó trong những gương mặt đang hì hục chạy ngược xuôi để hỗ trợ cho hội thảo có vài gương mặt thân quen. À, mấy đứa nhỏ hồi xưa đây mà, nay đã lớn hơn nhiều quá!
Nhìn chúng tất tả ngược xuôi phục vụ cho hội thảo, mình mỉm cười, tìm cách trò chuyện cùng chúng khi giải lao hoặc cuối giờ rảnh rỗi, trong lòng lại thấy bao cảm xúc ùa về nhưng giờ đây thêm chút tự hào, viên mãn. Tụi nhỏ đang làm được điều mà mình cứ "tụng" suốt như niệm thần chú khi dạy tụi nó: "Pay it forward" (đáp đền tiếp nối).
Ngày xưa, mình giúp tụi nhỏ viết luận, nộp đơn du học mà chẳng nghĩ đến việc mất thời gian, hao tổn sức lực mà không thu được tiền bạc, để giúp những ước mơ du học được cất cánh bay cao.
Ngày xưa, mình ngồi trò chuyện hàng giờ với tụi nhỏ để gửi gắm, gieo vào bên trong tâm hồn chúng những lẽ sống đẹp.
Để hôm nay, và cả những ngày mai, mình có thể vui vẻ, mãn nguyện nhìn ngắm những người trẻ ấy "trả nợ" cho mình bằng cách giúp lại người khác, đúng tinh thần Pay it forward.
Trong 11 năm du học bằng học bổng và nguồn tiền của những con người mình chẳng bao giờ biết mặt hoặc chỉ gặp một lần, chính mình đã tự hứa sẽ tìm cách trả lại cho đời cũng bằng sự tử tế và hai chữ "tình người" nếu như cuộc đời đưa đẩy cho mình một chữ "duyên". Chứ ở đời mà cái gì cũng đưa lên bàn cân tính toán tiền bạc, được mất thì sống nó mệt mỏi lắm, ít ra là với mình.
Trong những đứa trẻ mình giúp ngày xưa ấy, giờ đây có đứa mải mê đi gieo chữ cho những đứa trẻ mồ côi đang đói khát tri thức.
Lại có đứa đem ánh sáng của khoa học để khơi gợi ước mơ trong các nhà khoa học nhí mồ côi.
Có đứa dùng âm nhạc để thắp lên ánh sáng tâm hồn cho những đôi mắt không còn thấy ánh sáng.
Lại có đứa rong ruổi khắp nẻo quê hương theo chân đoàn bác sĩ thiện nguyện phẫu thuật cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh hoặc đem lại nụ cười cho những đứa bé sinh ra với đôi môi không khép và lòng cũng chưa mở.
Có đứa theo đuổi con đường giáo dục, vì cũng muốn thay đổi cuộc đời những đứa trẻ như chúng đã từng được thay đổi.
Lại có đứa mỗi năm vẫn cứ nhắn tin thủ thỉ mỗi năm: "Anh cho em mỗi năm trích tiền lương ra góp quỹ xây trường cho lũ trẻ con nhé. Không nhiều, nhưng giúp được chút là vui rồi".
Tất cả những "thiên thần" ấy đang theo đuổi một lẽ sống: Pay it forward. Chúng làm vì trong thật tâm, chúng mong muốn được trả lại những gì chúng đã nhận - chứ cũng chẳng phải vì cái CV hay thành tích, mình cứ tin và cứ hy vọng vậy.
Chúng đang pay it forward theo cách riêng của mỗi đứa. Để mỗi cuộc sống chúng chạm đến được tốt hơn và đẹp hơn, một chút thôi cũng được.
Và mình mong trong định nghĩa thành công lẫn hạnh phúc của mỗi đứa đều có một phần chúng dành cho người khác, như trong định nghĩa thành công và hạnh phúc của mình có một phần "to bự" dành cho chúng. Như đã từng, vẫn đang và sẽ mãi như thế.
Với mình, cuộc sống như vậy đã là quá đẹp, để pay it forward trở thành một chân giá trị của đam mê.
Vì ta chỉ sống một lần thôi...
TS Nguyễn Chí Hiếu có bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Stanford, bằng MBA tại Đại học Oxford và bằng cử nhân ngành Kinh tế và Khoa học Chính trị tại Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE).
Anh được các bạn trẻ Việt Nam biết tới như một trong những du học sinh xuất sắc với nhiều thành tích và giải thưởng danh giá như top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới (2006), tốt nghiệp thủ khoa LSE, thủ khoa MBA Đại học Oxford, 5 lần đạt giải thưởng dành cho giảng viên và trợ giảng xuất sắc của Đại học Stanford…
Sau một thời gian làm việc cho các tổ chức tài chính quốc tế như Barclays Capital, Goldman Sachs, IMF,… TS. Nguyễn Chí Hiếu có một bước rẽ lớn trong sự nghiệp khi trở thành một chuyên gia giáo dục.
Trong gần 10 năm qua, anh trực tiếp tư vấn xây dựng, chuyển đổi và nâng tầm mô hình giáo dục cho hơn 100 trường học phổ thông, đại học, công ty giáo dục và tổ chức phi lợi nhuận, từ những mô hình trường học nhỏ cho đến các hệ thống giáo dục lớn nhất nước. Anh có kinh nghiệm giảng dạy hơn 5.000 học sinh và đào tạo hơn 25.000 giáo viên.