1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Tiền làm chương trình GDPT mới bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa

(Dân trí) - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho hay, tổng số tiền làm chương trình GDPT mới là 144 tỷ đồng; tính ra chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam.

Thông tin được GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ tại buổi tọa đàm do Câu lạc bộ Café Số tổ chức với chủ đề "Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì mới?" tại Hà Nội, sáng nay 15/9.

Tại đây, GS. Thuyết có buổi thuyết trình về những vấn đề liên quan đến chương trình GDPT tổng thể (GDPT mới), trong đó có phần tài chính làm toàn bộ chương trình và thù lao của các chuyên gia khi làm chương trình.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, toàn bộ chương trình đổi mới GDPT có nguồn kinh phí vay của Ngân hàng Thế giới để làm nên quản lý tài chính rất chặt chẽ.

Ông chia sẻ: "Có ý kiến cho rằng các ông chỉ nghĩ dự án để… ăn tiền, nhưng tôi phải tâm sự thật, ngay từ khi khởi động dự án, ông Giám đốc đã nêu rất rõ các khoản chi và 80 triệu USD vay vốn này chứ không phải chui lọt vào túi mấy ông làm chương trình".


GS.Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ những vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT mới) tại tọa đàm sáng 15/9.

GS.Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ những vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT mới) tại tọa đàm sáng 15/9.

“Ngân hàng thế giới đề nghị trả lương cho những người làm chương trình, còn muốn làm như thế nào để ra được chương trình tốt là chuyện của chúng ta. Vì thế mới có chuyện có những anh em từ miền Nam, từ Cần Thơ bay ra Hà Nội để làm và triệu tập là phải ra, có những đợt tuần nào cũng ra họp thì coi như chẳng có đồng nào", GS Thuyết kể.

Tổng chủ biên của chương trình GDPT mới cho hay: "Tổng số tiền làm chương trình GDPT mới tính ra là 144 tỷ đồng, với mỗi cá nhân là rất lớn nhưng nhưng thực ra chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa và bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam mà thôi”.

Giáo viên không phải dạy “đóng đinh” theo một bộ sách

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, trước nay giáo viên của chúng ta chỉ biết chủ yếu một bộ sách trong giảng dạy (SGK). Trong ngành Giáo dục, ở trên lo ở dưới làm không đúng; ở dưới lại sợ ở dưới nữa làm không đúng nên nhiều khi “cầm tay chỉ việc” dẫn đến hạn chế sức sáng tạo của nhau, nhất là giáo viên.

Theo GS. Thuyết, chương trình GDPT mới áp dụng đổi mới phương pháp dạy học. Trong đó, không có phương pháp hay cuốn sách nào là tuyệt đối. Thầy cô được tự do, linh hoạt trong việc chọn lựa nội dung ở các bộ sách khau nhau vào giảng dạy dựa trên khung chương trình/kiến thức.

Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho rằng, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã được ban hành có giá trị ngang Luật vì vậy việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách là đúng quy trình, đồng thời hợp với xu thế chung của thế giới.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ở chương trình GDPT mới, giáo viên được trao quyền tự chủ.

“Thế giới bây giờ là chương trình nhiều bộ SGK mà mình lại nhất định giữ cái cũ của mình là chương trình một bộ SGK thì không ổn. Nghị quyết 88 đã nêu việc này tạo điều kiện huy động trí lực của xã hội, nhiều người giỏi lắm nhưng họ có thể không tham gia vào làm bộ sách này mà lại làm bộ sách khác. Như vậy, có thể huy động được nguồn lực xã hội và các nhóm tác giả cạnh tranh nhau về mặt chất lượng”, GS Thuyết chỉ rõ.

GS. Thuyết kể lại một lần gặp và trao đổi với giáo viên văn học của Mỹ sang Việt Nam nghiên cứu về giáo dục theo quỹ học bổng Fulbright. Ông đưa một cuốn SGK Văn của Mỹ hỏi giáo viên Mỹ về cuốn sách này.

“Thầy giáo Mỹ nhìn trố mắt nói rằng không biết cuốn này, dù theo tôi được biết nó rất nổi tiếng ở Mỹ. "Vậy các anh dạy bằng sách gì?", tôi hỏi. Thầy giáo Mỹ đáp: Tôi dạy bằng sách của tôi”, GS. Thuyết kể.

Điều đó khiến GS. Thuyết rất bất ngờ bởi giáo viên ở Mỹ có quyền viết sách. SGK chỉ là một tài liệu tham khảo trong giảng dạy.

“Người ta cũng không sợ giáo viên nhỡ đâu đưa chương trình khủng bố vào dạy bởi vì học sinh cả lớp sẽ đứng lên phản đối, làm đơn gửi nhà trường ngay lập tức... Còn chúng ta, cứ ở trên sợ ở dưới làm không đúng; ở dưới lại sợ ở dưới nữa làm không đúng. Bởi vậy nhiều khi cách "cầm tay chỉ việc" làm hạn chế sức sáng tạo của nhau.

Tất nhiên có nhiều bộ SGK sẽ có những cái phức tạp nhưng không phải vì sợ phức tạp mà chúng ta không làm”, GS. Thuyết nêu quan điểm.

Phóng viên đặt câu hỏi về các điều kiện chuẩn bị cho thực hiện chương trình GDPT mới.
Phóng viên đặt câu hỏi về các điều kiện chuẩn bị cho thực hiện chương trình GDPT mới.

Đề cập tới các khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT mới, GS. Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “Khó nhất là lòng dân! Nếu có sự đồng thuận xã hội chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thành công, còn ngược lại rất khó có thể thực hiện được”.

Cái khó thứ hai là về giáo viên. Thụ động không phải là bản chất của giáo viên mà do cách quản lý làm giáo viên “co lại, thụ động”.

Do vậy, chương trình GDPT mới, phải chú trọng giao quyền tự chủ cho giáo viên đứng lớp. Quan trọng nhất là chương trình, giáo viên phải dạy đúng chương trình, SGK phải viết đúng chương trình. Còn giáo viên dạy bài này, bài kia là quyền của họ. Giáo viên dạy phương pháp nào cũng được, miễn đến khi đánh giá, học sinh đạt được yêu cầu là quan trọng nhất.

Cái mở này thể hiện tương đối rõ nhất ở môn Văn. Chương trình mới chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc là đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật, học sinh không thể không biết. Còn hơn 100 tác phẩm gọi là bắt buộc nhưng được lựa chọn. Ví dụ tác giả Nguyễn Huy Tưởng có 2 tác phẩm “Vũ Như Tô” hoặc “Bắc Sơn”, giáo viên có thể chọn dạy tác phẩm nào cũng được nhưng phải dạy về tác giả này.

Ngoài ra, có khoảng 300 tác phẩm gợi ý lựa chọn, người viết SGK và giáo viên có thể lựa chọn hoặc chọn các tác phẩm khác mà không nhất thiết phải là các tác phẩm này.


GS. Nguyễn Minh Thuyết ủng hộ một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

GS. Nguyễn Minh Thuyết ủng hộ một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, giáo viên có quyền thay đổi bài dạy trong SGK. Không phải SGK viết thế nào là dạy “đóng đinh” thế ấy, trừ những tác phẩm bắt buộc. Học sinh cũng có thể báo cáo với thầy, cô giáo về tác phẩm nổi tiếng mà giới thanh niên, học sinh truyền tay nhau học, xin thầy cô đưa vào giờ đọc sách trong trường đều được.

“Giả sử tác phẩm có hạn chế thì giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh để chúng biết cách ứng xử. Còn hơn để học sinh đến trường sống một mặt, về nhà nó sống mặt khác. Chúng đọc gì, nghĩ gì chúng ta không biết, cứ làm bài hì hùi trong SGK rập khuôn thì không hay mà cần sáng tạo. Đem những thứ gần với học sinh thì các em mới hứng thú, học hành mới vui”, ông chia sẻ.

Liệu có xảy ra tình trạng nhà trường là đầu mối kinh doanh sách?

Trước lo ngại này, GS. Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, chủ trương sách có nhiều nhóm tác giả viết, nhiều NXB là nhằm mục đích các tác giả, NXB cạnh tranh nhau về chất lượng chứ không phải cạnh tranh nhau bằng cách… nói xấu nhau.

Theo ông, việc có nhiều bộ SGK vốn từng thực hiện từ những năm 1956. Từ khoảng năm 1970 chỉ còn 1 bộ. Năm 2005, ở miền Bắc lại 2 bộ SGK (ban cơ bản và ban nâng cao) còn ở miền nam vẫn học nhiều bộ sách.

Với chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, có lo ngại tình trạng nhà trường trở thành đầu mối kinh doanh?

“Nghị quyết 88 quy định các cơ sở GDPT được quyền lựa chọn bộ SGK dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh, học sinh. Nếu bây giờ giao cho Sở GD&ĐT hoặc một ông Hiệu trưởng thì có thể bị tác động. Nhưng ở đây, phụ huynh, học sinh, giáo viên có tiếng nói và hơn nữa, khi chọn phải dựa trên ý kiến của tổ chuyên môn”, GS. Thuyết chia sẻ.

Ông cũng khẳng định thêm, cũng có thể có tâm lý nghiêng về chọn bộ sách của Bộ GD&ĐT nhưng vấn đề quan trọng hơn là tác giả viết sách là ai, sách viết thế nào chứ không phải thấy có mỗi nhãn sách là chọn luôn.

Tổng chủ biên chương trình GDPT mới nhấn mạnh điểm mới của chương trình này nhằm giúp người học học xong làm được cái gì, không chỉ dừng lại là học xong biết cái gì như quan điểm cũ. Theo đó, phẩm chất của người học được đo bằng hành vi, năng lực được đo bằng hiệu quả công việc. Cụ thể, chương trình mới đưa ra 5 phẩm chất chủ yếu của người học: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.

Chương trình cũng hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi gồm:

- Những năng lực chung, được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

- Những năng lực chuyên môn, được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình GDPT còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

Lệ Thu