Tiệc bế giảng vài chục triệu đồng, cha mẹ vì con hay phô trương vì... sĩ?

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Trước trào lưu làm tiệc liên hoan cuối năm vài chục triệu, chuyên gia tâm lý hỏi thẳng: "Vì con hay vì sĩ diện của người lớn?".

"Đua" độ hoành của tiệc liên hoan cuối năm học

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ nhau tấm thiệp mời tham dự tiệc liên hoan cuối năm của học sinh khối 5 một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh, Nghệ An. Bữa tiệc được tổ chức tại khách sạn Mường Thanh, một nơi được xem là cao cấp và đắt đỏ.

Theo thông tin phụ huynh chia sẻ, mỗi học sinh đóng góp 550.000 đồng và mỗi phụ huynh tham gia đóng góp 200.000 đồng. 

Số tiền đóng góp cho một sự kiện liên hoan cuối năm tương đương với mức đóng quỹ cho cả một học kỳ.

Sự việc hút sự chú ý trên mạng xã hội đó, thực tế, không phải cá biệt. Tại Hà Nội, phong trào tổ chức tiệc liên hoan cuối năm ở nhà hàng tương đối phổ biến và không chỉ dành riêng cho học sinh cuối cấp.

Tiệc bế giảng vài chục triệu đồng, cha mẹ vì con hay phô trương vì... sĩ? - 1

Thư mời tham dự tiệc liên hoan cuối năm của phụ huynh Trường Tiểu học Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An (Nguồn ảnh: FB Nguyễn Tuấn)

Chị Hoàng Mai Lan có con đang học lớp 2 một trường tiểu học tư thục tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ, ban phụ huynh lớp thông báo sẽ tổ chức tiệc liên hoan cuối năm cho các con ở một nhà hàng. Kế hoạch này không được đưa ra bàn bạc trước đó mà do ban phụ huynh tự quyết rồi xin ý kiến. Không ai có ý kiến nên kế hoạch được diễn ra.

Chi phí đóng góp là 550.000 đồng/học sinh. Phụ huynh tham gia đóng 350.000 đồng/suất. 

Tiệc có người dẫn chương trình chuyên nghiệp, có sân khấu để trình diễn, công tác tổ chức quy mô như sự kiện tiệc cuối năm ở các công ty.

Chị Lan cũng cho biết, nhiều phụ huynh chia sẻ lên nhóm lớp hình ảnh các lớp khác trong trường tổ chức tiệc cuối năm và nêu ý kiến, phải tổ chức "hoành tráng" chí ít là... như thế.

Anh P.H.H có con học lớp 8 tại quận Cầu Giấy chia sẻ, lớp con anh cũng vừa tổ chức tiệc cuối năm theo hình thức ăn buffet tại một nhà hàng sang. Mỗi học sinh đóng 430.000 đồng. Phụ huynh tham gia cũng sẽ đóng mức phí tương đương. 

Chị N.T.T.M, phụ huynh học sinh lớp 9 tại quận Hoàn Kiếm cho biết, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con chị vừa tổ chức cho các con đi ăn buffet ở chuỗi nhà hàng cao cấp của Hà Nội.

Khi đến nơi, chị bất ngờ khi có trường khác cũng tổ chức tiệc tại đây, dẫn đến tình trạng đông đúc, chen lấn, không lấy được đồ ăn. Một suất buffet ở đây có giá xấp xỉ 400.000 đồng.

Trào lưu tổ chức tiệc liên hoan cuối năm tại nhà hàng nở rộ vào năm nay, sau hai năm dịch bệnh. Chị Hoàng Mai Lan cho rằng, ba lý do quan trọng của trào lưu "tiệc bế giảng" hoành tráng là sự tiện lợi, các cha mẹ có nhu cầu giao lưu với nhau và đua theo phong trào.

"Thông thường tổ chức tiệc liên hoan ở lớp, ban phụ huynh sẽ vất vả hơn, còn tổ chức ở nhà hàng thì tiện, đặt dịch vụ là xong. 

Cha mẹ cũng muốn gặp gỡ giao lưu với nhau theo cách của người lớn là tiệc tùng. Và cuối cùng là vì lớp khác làm thì lớp mình không thể thua kém", chị Lan nhận định.

1 bữa liên hoan bằng tiền ăn 1 tháng của học sinh vùng cao 

Tính sơ mỗi học sinh đóng góp mức trung bình từ 400-500.000 đồng, mỗi lớp trung bình 30 học sinh tham gia, chưa tính phụ huynh thì số tiền chi cho tiệc liên hoan lớp để kết thúc năm học không dưới 20 triệu đồng. Đó là một con số không nhỏ.

"Tôi đọc thông tin trên báo, biết các em học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao được nhà nước hỗ trợ 600.000 đồng tiền ăn mỗi tháng. 

Khi so sánh với 450.000-500.000 đồng mà một học sinh thành phố ăn trong một bữa tiệc liên hoan kết thúc năm học, cá nhân tôi cũng lăn tăn, cảm thấy không đáng", chị Lan bày tỏ.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: "Tôi nghĩ việc tổ chức cho các con bữa tiệc liên hoan vui vẻ, đánh dấu sự kiện hoàn thành một năm học là điều tốt và nên. Nhưng tổ chức như thế nào để thực sự là một chương trình dành cho các con và vì các con thì phụ huynh cần suy xét".

Tiệc bế giảng vài chục triệu đồng, cha mẹ vì con hay phô trương vì... sĩ? - 2

PGS.TS Trần Thành Nam: "Khi tổ chức một chương trình cho trẻ, phụ huynh cần đặt trẻ làm trung tâm" (Ảnh: NVCC)

"Trẻ nhỏ quan trọng là được gặp nhau, được nô đùa, được vui, được kết nối với bạn bè, chứ các em không quan tâm tới vật chất, sự hoành tráng, đẳng cấp... Một bữa tiệc chụp hình, hay một bữa tiệc ngọt ở ngay trong lớp, trong trường với con trẻ là đủ. Các con có không gian để vui chơi, cha mẹ cũng có không gian để giao lưu" - PGS.TS Trần Thành Nam phân tích, cuộc tổng kết đó có thể làm đầy đủ các phần tuyên dương, khen ngợi, trao quà cho các con, tổ chức cho các con chơi trò chơi trong một không gian thân thuộc, gần gũi, gắn bó và giản dị. Học sinh nào cũng tham gia được. Phụ huynh nào cũng có thể đến dự được.

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, khó khăn chung như hiện tại, không phải cha mẹ nào cũng dư dả tài chính. Mỗi con đóng 500.000 đồng, nếu gia đình có hai con học ở hai lớp khác nhau cùng có tiệc thì cha mẹ phải lo 1.000.000 đồng. Thường không phụ huynh nào tiếc tiền cho con nhưng áp lực tài chính thì luôn hiện hữu. 

"Và trên hết hãy hỏi, một chương trình tiệc tùng như thế có xuất phát từ nhu cầu của các con không, hay xuất phát từ nhu cầu của người lớn? Tổ chức hoành tráng, sang chảnh là vì các con hay vì thể diện của bố mẹ?

Do đó, khi tổ chức một chương trình cho trẻ, phụ huynh cần đặt trẻ làm trung tâm. Mọi hoạt động dù là vui chơi cũng hàm chứa trong đó nhiều ý nghĩa giáo dục. Hãy để con trẻ thấy sự yêu thương, tâm lý của cha mẹ thay vì thấy sự phung phí, phô trương", PGS.TS Trần Thành Nam tâm niệm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm