Thực hiện Thông tư 30: Băn khoăn từ nhận xét đến giấy khen

(Dân trí) - Sau một năm triển khai, Thông tư 30 đã làm thay đổi những “lối mòn” trong đánh giá chất lượng giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều điểm của Thông tư 30 vẫn “làm khó” giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

 

 

 

 

Thông tư 30 đã làm thay đổi nhiều lối mòn trong cách đánh giá học sinh tiểu học.
Thông tư 30 đã làm thay đổi nhiều "lối mòn" trong cách đánh giá học sinh tiểu học.

 

 

Tại Hội nghị đánh giá 1 năm triển khai thực hiện Thông tư 30, nhiều nhà quản lý giáo dục, hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn Nghệ An đã nêu ra nhiều băn khoăn, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cách đánh giá học sinh mới này.

Thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 đã giảm áp lực về điểm số, thi cử, giúp học sinh được phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, về quá trình và kết quả học tập; Giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng… từ đó giúp học sinh tiến bộ theo các yêu cầu giáo dục ở tiểu học.

 

Vẫn lúng túng với lời nhận xét học sinh

 

Bà Ngô Thị Nguyệt – Phó Phòng GD-ĐT Tp Vinh cho rằng: “Khó khăn nhất hiện nay đối với các giáo viên là lựa chọn từ ngữ để nhận xét. Không thể tốt ngay từ đầu nhưng ngay cả thời điểm hiện tại, không phải giáo viên nào cũng có thể nhận xét thuần thục và linh hoạt.

Nhận xét như thế nào để học sinh dễ tiếp thu, không gây áp lực, gây tổn thương cho các em học sinh mà lại khuyến khích được học sinh là điều không phải dễ dàng gì”.

 

Đặc thù miền núi, phụ huynh học sinh nhiều nơi chưa thông thuộc tiếng Việt, học sinh lớp 1-2 chưa đọc thành thạo nên việc nhận xét đánh giá bằng cách ghi vào vở của học sinh thực sự chưa tạo ra được hiệu ứng tương tác giữa nhà trường – gia đình – học sinh.

“Không phải cứ phê đỏ vở thì mới là bám sát học sinh. Với đặc điểm dân cư, trình độ dân trí, địa hình của huyện miền núi như thì việc đánh giá bằng lời nói với học sinh, phụ huynh học sinh sẽ có hiệu quả hơn lời nhận xét được ghi vào trong vở”, thầy Phan Văn Thiết – Phó trưởng Phòng GD-ĐT Kỳ Sơn chia sẻ.

 

Thông tư 30 đã làm thay đổi nhiều lối mòn trong cách đánh giá học sinh tiểu học.
Thầy Phan Văn Thiết - Phó phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn: "Đối với thực tế giáo dục miền núi thì đánh giá, nhận xét bằng lời nói có tác dụng đối với học sinh và học sinh hơn nhận xét bằng cách ghi vào vở".

 

 

Cô Trần Thị Như Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Sơn (Đô Lương, Nghệ An) thì cho rằng để đảm bảo tất cả các em học sinh đều được đánh giá, ghi lời nhận xét là điều rất khó và rất mất thời gian của giáo viên.

Bởi vậy nhà trường vẫn khuyến khích giáo viên đánh giá, khích lệ học sinh bằng lời nói mặc dù như vậy thì khó kiểm soát được cường độ làm việc của giáo viên.

 

Chung quan điểm này, cô Lê Thị Lệ - phòng GD-ĐT huyện Tân Kỳ cho rằng: không phải giáo viên nào cũng có đủ khả năng, năng lực để đánh giá hết học sinh theo tiến trình bài dạy. Bởi vậy, chủ yếu vẫn yêu cầu giáo viên đánh giá bằng lời nói, thỉnh thoảng mới ghi nhận xét vào vở của học sinh vì nếu ghi hết vào vở thì không có thời gian.

Việc đánh giá bằng nhận xét trong vở cũng yêu cầu ngắn gọn, không dài dòng và hướng dẫn, yêu cầu cụ thể những việc học sinh cần làm. Sau 1 năm thực hiện Thông tư 30, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, hiện nay các giáo viên đã nhận xét ngắn gọn, khái quát hơn, bước đầu đã định hướng được biểu đồ phát triển của trẻ.

 

Tích hợp sổ sách để giảm tải cho giáo viên

 

Thực hiện Thông tư 30, giáo viên phải sử dụng một lượng lớn sổ sách để đánh giá cụ thể, sát sao đối với từng học sinh. Ngoài việc ghi nhận xét vào vở học sinh, giáo viên phải ghi nhận xét, đánh giá sự tiến bộ hay chưa tiến bộ của từng em vào sổ theo dõi của mình, vào học bạ và sổ liên lạc…

 

Thông tư 30 đã làm thay đổi nhiều lối mòn trong cách đánh giá học sinh tiểu học.
Các nhà quản lý giáo dục kiến nghị tích hợp sổ sách để giảm áp lực và cường độ làm việc đối với giáo viên.

 

 

“Hồ sơ nên giảm nhẹ, học bạ có thể giảm xuống 2 trang, 1 trang cũng được vì học bạ chỉ có GV chủ nhiệm xem. Có thể tích hợp sổ sách và giảm nhẹ để giảm công sức lao động của giáo viên”, thầy Nguyễn Xuân Thanh - Phó Phòng GD-ĐT Đô Lương kiến nghị.

 

Cũng chung quan điểm đó, thầy Lê Thanh Hiền – Phó Phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Lưu cho rằng nên thiết kế một phần mềm hợp lý, vừa làm sổ theo dõi của giáo viên chủ nhiệm, khi cần thiết có thể in ra để làm sổ liên lạc hàng tháng để gửi cho phụ huynh học sinh.

Như vậy, giáo viên tiết kiệm được thời gian mà việc yêu cầu của việc đánh giá, nhận xét đối với học sinh và việc tương tác với phụ huynh học sinh cũng được đảm bảo. Ông Hiền cũng đề nghị điều chỉnh sổ học bạ, nên dành một ô bổ sung dành cho những học sinh chưa đạt yêu cầu phải kiểm tra lại.

 

Điều khác biệt của Thông tư 30/2014 so với Thông tư 32/2009 là học sinh giỏi cái gì thì khen cái đó. Nhiều cán bộ quản lý lo ngại sẽ dẫn tới “loạn” giấy khen và trên thực tế thì nhiều trường vẫn còn lúng túng về việc khen thưởng; nhiều nội dung khen thưởng và những danh hiệu đưa ra không phù hợp với học sinh tiểu học.

Trong khi đó, việc khen thưởng ngoài dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh còn căn cứ vào kết quả bình bầu giữa các học sinh trong lớp. Thông tư 30 tránh phê bình học sinh, tránh làm tổn thương nhưng khi đưa ra bình bầu thì không tránh khỏi việc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác…

Thông tư 30 đã làm thay đổi nhiều lối mòn trong cách đánh giá học sinh tiểu học.
Thầy Nguyễn Tiến Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Tân (thị xã Cửa Lò) cho rằng việc xây dựng ma trận đề thi sẽ dẫn tới việc khó kiểm soát tình trạng dạy thêm học thêm.

 

 

“Riêng nội dung khen để ghi vào giấy khen cuối năm cũng vất vả đối với giáo viên. Mỗi học sinh là một lời khen, “chẻ nhỏ” ra thì sát với năng lực, sự tiến bộ của học sinh nhưng rất mất thời gian của giáo viên. Nên chăng quy về nhóm hoặc từ gọn hơn?”, cô Nguyễn Thị Bình – Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quỳ Châu kiến nghị.

 

Theo quy định của Thông tư 30, các nhận xét, đánh giá của học sinh phải được lưu vào 3 túi hồ sơ, trong đó có cả giấy khen. Tuy nhiên, việc lưu giấy khen sẽ ảnh hưởng đến công tác khen thưởng khuyến học của các địa phương, các dòng họ.

Bởi vậy, ngoài việc phải photo giấy khen cho học sinh mang về, nhiều địa phương đã có sáng kiến cuối năm phát giấy khen cho học sinh nhưng đầu năm học tiếp theo lại thu lại để lưu hồ sơ.

 

Nhiều nhà quản lý giáo dục cũng cho rằng, cần thiết phải xây dựng ma trận đề kiểm tra, các trường dựa trên ma trận đề thi đó lựa chọn đề thi phù hợp với học sinh của trường mình. Tuy nhiên thầy giáo Nguyễn Tiến Minh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghi Tân (thị xã Cửa Lò) lại cho rằng việc xây dựng ma trận đề thi sẽ tạo ra áp lực ganh đua không cần thiết giữa các trường. Chính kiểu ra đề theo ma trận sẽ dẫn tới việc khó kiểm soát tình trạng dạy thêm, học thêm.

 

Các đại biểu cũng kiến nghị Sở GD-ĐT Nghệ An tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đánh giá học sinh, tập huấn ra đề kiểm tra để đảm bảo 3 mức độ như yêu cầu của Thông tư 30…

Ông Trần Thế Sơn – Trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An ghi nhận các ý kiến đóng góp, các kiến nghị của các đại biểu. Về các đề xuất của các đại biểu, Sở sẽ tham vấn các chuyên gia và xin ý kiến của Bộ GD-ĐT để có những điều chỉnh hợp lý.

 

Hoàng Lam

(Email: hoanghonglam@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm