Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk cho học sinh nghỉ học do ảnh hưởng bão số 9
(Dân trí) - Chiều 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk đã thông báo khẩn về việc cho học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của bão số 9.
Theo đó, do tình hình bão số 9 còn phức tạp, nên Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học vào ngày thứ Năm (29/10). Các ngày tiếp theo, tùy vào tình hình diễn biến thời tiết, Sở sẽ có thông báo sau.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện bão số 9 đã đi vào đất liền, tuy nhiên thời gian có gió mạnh còn kéo dài đến chiều tối nay (28/10), gió mạnh nhất đạt cấp 7- 8, giật cấp 10- 11.
Do chịu ảnh hưởng của bão số 9 nên từ chiều nay (28/10) đến ngày 29/10, ở Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
UBND tỉnh này cũng ra thông báo khẩn do hoàn lưu bão số 9 đang còn gây ra gió rất lớn nên đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, thông báo, yêu cầu người dân không ra đường trong chiều tối 28/10, trừ lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Đắk Lắk cho nhiều trường nghỉ học tránh bão số 9
Ngày 28/9, thông tin từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 9 và mưa lũ trên địa bàn. Qua đó, chỉ đạo Phòng GD&ĐT và các trường xem xét tình hình để chủ động cho học sinh nghỉ học tránh bão lũ.
Cụ thể, tất cả các học sinh từ mầm non đến bậc THPT thuộc huyện Krông Năng và huyện Krông Búk đều cho nghỉ học. Riêng huyện Ea H’leo có 2 trường Tiểu học được nghỉ và tại thị xã Buôn Hồ có 1 trường THPT được nghỉ.
Đối với khối THPT có 12 trường cho học sinh nghỉ học: THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Đắk); THPT Trường Chinh (huyện Ea H’leo)’ THPT Trần Quốc Toản (huyện Ea Kar); THPT Hai Bà Trưng, THPT Buôn Hồ, THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ); THPT Nguyễn Văn Cừ, THPT Phan Đăng Lưu (huyện Krông Búk); THPT Nguyễn Huệ, THPT Phan Bội Châu, THPT Lý Tự Trọng, THPT Tôn Đức Thắng (huyện Krông Năng).
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị trực thuộc dõi chặt chẽ diễn biến của bão, đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ; cảnh báo để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hết sức cẩn trọng trong việc đến trường và về nhà đề phòng xảy ra tai nạn đáng tiếc.Đảm bảo các hoạt động dạy và học an toàn trong các trường học.
Không tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong và sau khi thiên tai xảy ra. Trong trường hợp xét thấy việc tổ chức dạy và học có thể xảy ra nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh do mưa lũ, ngập lụt, sạt lở…, lãnh đạo các đơn vị cần chủ động cho học sinh nghỉ học, bố trí học bù vào thời gian thích hợp và kịp thời báo cáo.
Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học. Ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để đảm bảo an toàn tài sản.
Tổ chức túc trực, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý sự những sự cố do mưa bão gây ra; sẵn sàng ứng phó và phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân tránh trú mưa bão trong điều kiện cho phép; thường xuyên duy trì liên hệ và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương trong công tác ứng phó bão lũ.