Thú vị tổ học sinh tự phục vụ
(Dân trí) - Em này chia thức ăn, em kia xếp bàn ghế… theo luân phiên, tất cả học sinh của trường đều tham gia việc phục vụ bữa ăn bán trú ở trường.
Sau giờ học, chuẩn bị cho giờ ăn trưa, em Vũ Ngân Anh, học sinh (HS) lớp 5/8 Trường tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp, TPHCM) vội vàng đi rửa tay, đeo khẩu trang, bao tay và lập tức đứng vào vị trí chia đồ ăn cho các bạn. Thao tác múc canh nhanh gọn, Ngân Anh không để các bạn đang đứng xếp hàng phải chờ lâu.
Cách đó vài mét, cậu học trò tên Đình đang cùng cô cấp dưỡng xúc cơm, chia đồ ăn cho các bạn. Phía hành lang, cũng là nơi HS sẽ ngồi ăn trưa, một số em khác đang tiếp tục dọn bàn ghế ra.
Đây là tuần lễ đến phiêm các em trực phục vụ, cùng đội ngũ cấp dưỡng của trường làm các công việc cho một bữa ăn bán trú. Hàng tuần, mỗi khối sẽ có một tổ khoảng 10 HS cùng tham gia trực.
Không chỉ ở khối 5, mà ở tất cả các khối còn lại, kể các với HS mới vào lớp 1, nhiều em cũng đang thực hiện nhiệm vụ tuần trực của mình với những việc tương tự.
Luân phiên hàng tuần như vậy, tất cả HS đều được tham gia vào tổ phục vụ này. Các em sẽ tùy theo khả năng của mình để phụ trách từng công việc cụ thể.
Còn các HS không phải tuần trực, đều xếp hàng trật sự chờ đến lượt được chia thức ăn. Trước khi ăn, các em sẽ mời thầy cô, bạn bè dùng cơm. Ăn xong, mỗi em sẽ tự dọn và phân loại đồ dùng của mình như khay, bát, thìa…
Điều đáng nói, Trường tiểu học Kim Đồng không có cơ cở bán trú, phải tận dụng không gian chật hẹp của trường để tổ chức bán trú cho khoảng 1.200 HS. Chỗ ngồi ăn trưa cho HS phải xếp ở hành lang, sân trường. Nhưng việc tổ chức tổ để HS tự phục vụ như thể này không hề đòi hỏi thêm diện tích mà còn giúp mọi việc trở nên gọn ghẽ hơn.
Bà Phan Thúy Trang, hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cho hay, đây là năm thứ ba mô hình tổ trực được áp dụng. Để các em tham gia vào việc tự phục mình và phục vụ bạn giảm được áp lực công việc rất lớn cho đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng. Điều quan trọng hơn, theo bà Trang, mô hình này giúp các kỹ năng phục vụ mình và phục vụ người khác. Được thể hiện, được thầy cô tin tưởng giao việc, các em rất hào hứng và có trách nhiệm hơn trong bữa ăn và trong việc phục vụ cá nhân.
Mô hình HS tự phục vụ bữa ăn giúp các em HS bán trú ở thành phố thoát khỏi cảnh “được phục vục tận răng” - một mô hình bán trú mà ở đó mọi thứ được bày biện sẵn còn đang tồn tại ở rất nhiều trường học. Ở đó, các em HS không phải động tay vào bất cứ việc gì ngoài việc ngồi xuống ăn và… đứng dậy, gây lo ngại về sự ỷ lại, yếu kém trong khả năng tự lập của học trò.
Tự phục vụ mình và phục vụ người khác giúp các em hiểu được giá trị của lao động, hiểu được giá trị bản thân và cũng là hành trang để trang bị các khả năng cơ bản khác.
Hoài Nam