Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT đề xuất phương án thi THPT quốc gia phù hợp

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này trong phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vào chiều 1/4.

Tại cuộc họp, Thủ tướng dẫn lại kết quả cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (Đức) tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục cho thấy Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ cao nhất thế giới (62%). Thủ tướng nhìn nhận, điều này cho thấy sự đồng tâm, hiệp lực của chúng ta trong cuộc chiến chống COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “sắp tới phải làm quyết liệt hơn nữa, làm sao trong 15-20 ngày tới, có thể trong vòng 1 tháng, không để dịch bùng nổ nặng nề ở Việt Nam. Muốn như vậy, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, muôn người như một, quyết tâm cao”.

Thủ tướng nêu rõ Chính phủ đã chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt, có đối sách đúng; đánh giá cao sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự ủng hộ tuyệt vời của nhân dân.

Về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án báo cáo Thủ tướng, Chính phủ về vấn đề này, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất phương án thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT đề xuất phương án thi THPT quốc gia phù hợp - 1

Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước đó, do diễn biến phức tạp của Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 như sau:

- Kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020.

- Thi THPT quốc gia từ ngày 8/8 đến 11/8/2020.

Bộ GDĐT cho biết, tiếp tục bám sát tình hình diễn biến và kiểm soát dịch bệnh để hướng dẫn kịp thời các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020.

Ngày 31/3, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 đối với cấp THCS, THPT.

Theo đó, không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH và các nội dung “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”, “Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)”

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo, khẩn trương xây dựng và công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 phù hợp việc tinh giản nội dung, làm cơ sở cho thầy trò yên tâm, ôn luyện.

Về dạy và học trực tuyến, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành hướng dẫn dạy học qua hai hình thức này đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020.

Hướng dẫn của Bộ GDĐT quy định, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet; sử dụng các hình thức phù hợp để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trên truyền hình.

Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên này được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua internet, trên truyền hình, bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm